Trong 2 giờ, chuyên gia y tế xác định mức độ nguy hiểm của dịch SXH năm 2017, tư vấn cách phát hiện bệnh, xác định thời điểm nhập viện, cách chăm sóc hạn chế biến chứng và phòng tránh hiệu quả trong hoàn cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Mùa hè năm 2017, dịch sốt xuất huyết (SXH) diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Thống kê đến tháng 8/2017 của Bộ Y tế, số người mắc SXH đã tăng cao nhất 10 năm qua với 80.555 trường hợp, trong đó 69.085 trường hợp phải nhập viện, 22 người tử vong. Riêng Hà Nội, đã có 16.000 người mắc; mỗi tuần có đến 3.000 trường hợp SXH phải nhập viện. Tại các thành phố lớn khác như TP.HCM, Đà Nẵng… số ca mắc cũng tăng vọt so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, nếu như năm 2016, bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội là do vi rút type D1, thì năm nay đã phát hiện thêm vi rút type D2 và D4, khiến số người mắc tăng mạnh, thậm chí nhiều trường hợp khi tái nhiễm, bệnh sẽ nặng hơn.

Trước sức bùng phát của dịch bệnh SXH, ngày 24/7 Hội nghị trực tuyến về phòng chống SXH đã được Bộ Y tế tổ chức tại nhiều điểm cầu trên cả nước. Ngày 10/8, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến họp khẩn với các đơn vị liên quan để ứng phó dịch bệnh. Ngày 14/8, bắt đầu phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại "tâm dịch" là Hà Nội.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, SXH lại chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, đa số người dân lại chưa quan tâm phòng chống dịch trong cộng đồng. Nhiều gia đình thậm chí hiểu chưa đúng về SXH, phát hiện - điều trị bệnh muộn, dẫn đến biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai.

Nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh SXH trong cộng đồng, đồng thời giúp người dân hiểu đúng về cách nhận biết và điều trị căn bệnh nguy hiểm này, Báo VietNamNet tổ chức Giao lưu trực tuyến: Ứng phó NHANH VÀ ĐÚNG dịch bệnh Sốt xuất huyết

Chương trình có sự tham gia của hai bác sĩ chuyên khoa:

 

- Ths Nguyễn Đức Khoa - Phó phòng Kiểm soát dịch bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.

- Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội).

{keywords}
Nhà báo Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập Báo VietNamNet tặng hoa các khách mời tham dự giao lưu. Ảnh: Lê Anh Dũng

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

 

Ngộ nhận nghiêm trọng khiến dịch gia tăng

Phương Thảo , Nữ - 25 Tuổi

Cháu nghe nói nếu mắc sốt xuất huyết 1 lần thì nguy cơ mắc sẽ giảm đi. Thực hư ra sao thưa bác sĩ?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Virus truyền bệnh SXH có 4 type là D1, D2, D3, D4. Khi bị mắc 1 trong 4 type thì người bệnh sẽ có miễn dịch với type virus đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng các type khác. Vì vậy về lý thuyết mỗi người có thể mắc bệnh SXH 4 lần.

Vu Minh, Nam - 36 Tuổi

Mới đây em đọc được bài chữa sốt xuất huyết bằng lá tre. Những bài thuốc này có tác dụng thực sự không? Nếu có thì nên dùng như thế nào cho đúng? Cảm ơn bác sĩ.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Nước sắc lá tre có tác dụng hạ sốt, tuy nhiên tác dụng này không quá cao. Người bệnh nếu nhẹ có thể hạ sốt theo cách này, nhưng nếu sốt cao vẫn cần sử dụng thuốc hạ sốt có tác dụng mạnh như paracetamol. Không nên nghe theo hướng dẫn đồn thổi theo kiểu uống càng nhiều nước lá tre càng tốt vì một số trường hợp uống quá nhiều có thể dẫn đến hạ natri máu, làm trầm trọng thêm bệnh.

Vũ Minh Tùng, Nam - 22 Tuổi

Cháu đọc trên mạng thấy bảo uống chanh khi sốt xuất huyết sẽ gây giảm tiểu cầu. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Biến chứng giảm tiểu cầu máu trong sốt xuất huyết do phản ứng bổ thể của cơ thể. Uống chanh không gây giảm tiểu cầu. Bạn hoàn toàn có thể uống nước chanh để bổ sung nước và vitamin.

Phi Mạnh Thường, Nam - 33 Tuổi

Tôi thấy hiện trên thị trường có quảng cáo huy hiệu kẹp đuổi muỗi của Hàn Quốc. Nghe nói trong đó có tinh dầu xả đuổi muỗi. Xin bác sĩ cho biết kẹp muỗi như thế liệu có hiệu quả và an toàn thực sự không? Tôi cho con dùng loại đó thì có thể yên tâm thực sự được không?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Những cây có tinh dầu như sả, húng, bạc hà, ngũ gia bì... thì có tác dụng xua muỗi và côn trùng. Tinh dầu từ những cây này cũng có thể có tác dụng xua muỗi. Bạn nên tìm hiểu và sử dụng những sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Thu Thủy, Nữ - 37 Tuổi

Mẹ chồng tôi sốt xuất huyết nhưng bà yếu quá không đi viện được. Xin bác sĩ tư vấn tôi có thể gọi dịch vụ để truyền nước cho bà tại nhà được không? Bệnh viện Nhiệt đối có dịch vụ này không?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Việc truyền dịch ở bệnh nhân sốt xuất huyết rất phức tạp do diễn biến bệnh qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn sốt cao có thể chỉ cần bù dịch bằng việc uống oresol. Giai đoạn biến chứng nếu xuất hiện biến chứng tăng tính thống thành mạch tùy mức độ thoát dịch nhiều hay ít mà cần chỉ định loại dịch truyền, số lượng dịch truyền khác nhau. Ngược lại sang giai đoạn tái hấp thụ thì hạn chế truyền dịch. Chính vì vậy, nếu bị sốt xuất huyết thì không thể truyền dịch tại nhà.

Dieu Ngoc, Nữ - 33 Tuổi

Thuốc xịt, bôi muỗi có tác dụng ngăn muỗi cắn trong thời gian bao lâu?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Hiện nay biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH là phương pháp phun không gian với các hạt hóa chất cực nhỏ. Những hạt này lơ lửng trong không gian sẽ bám vào và diệt muỗi. Sau khoảng 2 giờ hóa chất sẽ rơi xuống đất và hết tác dụng diệt muỗi. Nên biện pháp dùng hóa chất chỉ là biện pháp tức thời diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh, biện pháp căn cơ vẫn là diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại kem xoa xua muỗi tuy nhiên bạn nên sử dụng những loại kem đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, để đảm bảo an toàn bạn cần phải thực hiện đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

Quốc Tiến , Nam - 37 Tuổi

Tôi có thông tin, hiện nay bệnh sốt xuất huyết đã có thể xét nghiệm chính xác ngay từ ngày mắc bệnh đầu tiên (bằng tiêu chuẩn NS1, NS2, NS3, NS4) mà không cần chờ đến ngày thứ 3. Thông tin tôi có được có chính xác không?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Các xét nghiệm NS1 hoặc các NS khác dương tính khi trong máu có virus cao đến một nồng độ nhất định. Thường ngày thứ 2, thứ 3 là ngày có nồng độ virus cao, cao hơn ngày thứ nhất nên với cùng một test thì có khả năng ngày thứ nhất âm tính nhưng ngày thứ hai dương tính.

SXH vượt lịch sử 10 năm, 12 quận huyện Hà Nội 'báo động đỏ'

Hoàng Long, Nam - 48 Tuổi

Hè năm nay hầu hết các gia đình quen biết tôi đều có người bị SXH phải nhập viện. Có nhà 6 người thì 4 người bị SXH. Xin Ths Nguyễn Đức Khoa cho biết dịch SXH năm nay có lớn như tôi cảm nhận không, và tâm dịch là ở đâu?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn từ đầu năm đến nay đã lên 17.365 trường hợp, 7 ca tử vong. Trong 3 tuần gần đây, số ca mắc mới luôn ở mức trên 3.400 bệnh nhân, số nhập viện dao động từ 2.600 - 3.100 bệnh nhân.

So sánh số liệu trong 10 năm trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang ở mức cao nhất. Trước đó, đỉnh dịch cao nhất rơi vào 2 năm 2009 (16.090 ca, 4 ca tử vong) và 2015 (15.412 ca). Các năm còn lại, trung bình chỉ có 5.000-6.000 ca và đỉnh dịch thường rơi vào tháng 9-10, tuy nhiên năm nay ngay từ tháng 5 dịch đã bùng phát.

Hiện nay 12 quận/huyện Hà Nội có dịch SXH ở báo động đỏ gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Kế đó là là các quận: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên.

{keywords}

Các khách mời giao lưu bạn đọc tại Tòa soạn Báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Vu Nhung, Nữ - 29 Tuổi

Đọc báo tôi thấy tình hình dịch ở Hà Nội khá căng? Liệu ở Sài Gòn có đáng lo không?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Năm nay tại TP.HCM mùa mưa đến sớm nên dịch bệnh cũng đến sớm hơn, có xu hướng gia tăng ở rất nhiều các quận, huyện của thành phố.

UBND và ngành Y tế TPHCM cũng đang chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch. Bạn và gia đình cũng cần tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của địa phương, đặc biệt là các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Để diệt muỗi bạn có thể dùng vợt điện, đèn bẫy muỗi, phối hợp với ngành y tế khi có phun hóa chất diệt muỗi.

Để diệt lăng quăng, bọ gậy đối với các dụng cụ chứa nước lớn có thể thả cá hoặc đậy kín, không cho muỗi vào đẻ trứng, các bể nước ở công trường xây dựng có thể bỏ dầu hoặc các hóa chất diệt ấu trùng; các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ cần cọ rửa thường xuyên bằng bàn chải đặc biệt tại các mép nước nơi muỗi thường đẻ trứng; lật úp những dụng cụ không chứa nước. Đối với các lọ hoa, bình hoa, bát nước kê chân chạn, khay nước thải điều hòa, tủ lạnh, các bể nước trong nhà vệ sinh cần được thay nước hàng tuần hoặc bỏ dầu, muối hoặc hóa chất diệt ấu trùng.

Đối với các vật liệu phế thải quanh nhà như mảnh lu, vại vỡ, chai lọ, lon, lốp xe, vỏ dừa, máng và dụng cụ chứa nước dùng trong chăn nuôi, hoặc các hốc nước tự nhiên như hốc cây, bẹ lá... cần được thu gom, xử lý như lật úp, chôn lấp hoặc tiêu hủy...

Để phòng muỗi đốt, bạn cần ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài, dùng kem, hương, tinh dầu hoặc các cây có tinh dầu để xua muỗi, dùng lưới để chắn muỗi ở cửa sổ hoặc cửa ra vào để ngăn muỗi vào nhà...

Bac Ha, Nam - 36 Tuổi

Xin hỏi ông Khoa như thế nào thì gọi là “ổ dịch”, như thế nào thì được phun thuốc muỗi? Các loại thuốc muỗi được phun hiện nay có những tác dụng phụ như thế nào?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ổ dịch SXH là 1 khu vực dân cư có 1 trường hợp có xét nghiệm xác định là bệnh SXH hoặc 2 trường hợp chưa có xét nghiệm nhưng được chẩn đoán lâm sàng là SXH xảy ra trong vòng 14 ngày. Khi xuất hiện ổ dịch sẽ có chỉ định phun hóa chất diệt muỗi trong bán kính 200m từ nhà bệnh nhân.

Các hóa chất diệt muỗi được ngành y tế sử dụng hiện nay đã được Bộ Y tế khảo nghiệm về tính hiệu quả và an toàn. Trước khi phun hóa chất diệt muỗi, chúng ta cần phải thu dọn, che đậy các thực phẩm, thức ăn, nước uống và các dụng cụ chế biến thức ăn. Đóng cửa sổ, cửa ra vào, mọi người trong gia đình, gia súc, gia cầm, vật nuôi cần di chuyển ra khỏi khu vực phun hóa chất chỉ quay lại nhà ở tối thiểu sau 60 phút.

Nếu không may bị nhiễm hóa chất với số lượng lớn thì 1 số người có cơ địa nhạy cảm, tùy vị trí bị nhiễm hóa chất sẽ có các phản ứng như ho, hắt hơi, mẩn ngứa, dát mắt, buồn nôn... Những trường hợp này cần được rửa mắt bằng nước sạch, súc miệng hoặc gây nôn, nếu không đỡ cần đến cơ sở y tế để được chăm sóc. Tuy nhiên những trường hợp này thường ít khi xảy ra.

Bảo Hân, Nữ - 42 Tuổi

Tôi thấy dịch sốt xuất huyết đang bùng phát rất mạnh và đáng lo ngại. Vậy Bộ Y tế có ý định công bố dịch hay không? Ngoài việc phun thuốc muỗi ở những nơi gọi là ổ dịch thì Bộ còn có biện pháp gì để khoanh vùng dịch?

Ths Nguyễn Đức Khoa: SXH là bệnh truyền nhiễm nhóm B, theo Quyết định 02/2016/QĐ-TTg của Chính phủ thì việc công bố dịch SXH sẽ do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thực hiện, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ công bố dịch khi đã có 2 tỉnh công bố dịch tại 1 thời điểm.

Hiện nay bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh nên biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch bệnh là diệt muỗi, diệt lăng quăng bọ gậy.

Ngoài việc phun hóa chất diệt muỗi thì cần tổ chức các chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần, đặc biệt là huy động các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể và toàn thể người dân tham gia vào việc diệt lăng quăng, bọ gậy trong các hộ gia đình, các khu vực công cộng, các khu đất bỏ hoang, chú ý đến các khu vực tập trung đông người như chợ, trường học, bến tàu, bến xe, nhà hát, rạp chiếu phim, công viên...

Nguyễn Hữu Cảnh, Nam - 39 Tuổi

Năm nay dịch sớm thì có những diễn biến nguy hiểm gì so với những năm trước?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Dịch SXH thường tăng vào mùa mưa, là mùa muỗi truyền bệnh phát triển. Ở khu vực miền Bắc, dịch thường tăng vào tháng 6-7, tăng cao vào tháng 10-11.

Năm nay, dịch đến sớm hơn ngay từ đầu tháng 4, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục tăng cao vào những tháng tới nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống.

Thanh Hải, Nam - 45 Tuổi

Tôi thấy năm nay dịch bùng phát sớm, như vậy liệu bệnh sốt xuất huyết có biến thể nguy hiểm hơn các năm trước không? Liệu những loại thuốc diệt muỗi thông thường có diệt được muỗi sốt xuất huyết không?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Năm nay dịch SXH ở Hà Nội đến sớm, tuy nhiên virus gây bệnh thì không khác biệt so với những năm trước.

Các hóa chất diệt muỗi được Bộ y tế cấp phép đều có khả năng diệt được muỗi gây SXH, tuy nhiên muỗi gây bệnh SXH không đậu trên tường mà thường đậu ở rèm cửa, quần ảo, gầm tủ, bàn, thường hoạt động mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tốt - đây là những thời điểm thuận lợi để dùng hóa chất diệt muỗi. Rất cần sử dụng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cơ quan y tế địa phương để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, cũng không quên việc diệt lăng quăng, bọ gậy hàng tuần.

Khi nào nhập viện?

Thanh Mai, Nữ - 29 Tuổi

Tôi mới bị sốt từ sáng qua có phải đi xét nghiệm sốt xuất huyết ngay không bác sĩ? Tôi cũng có dấu hiệu đau đầu nhưng không thường xuyên.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Bất cứ ai sống trong vùng có sốt xuất huyết mà có cơn sốt, đau đầu, đau mỏi người thì đều nên đi khám để xét nghiệm xác định sốt xuất huyết để có phương án điều trị phù hợp.

Đỗ Khánh Nam, Nam - 28 Tuổi

Bị sốt thì có nên đi kiểm tra sốt xuất huyết ngay không hay nên chờ bao lâu thưa bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Người bị sốt nên đi khám và xét nghiệm ngay để xác định có bị sốt xuất huyết hay không. Xét nghiệm NS1 để xác định sốt xuất huyết Dengue thường chỉ nhạy trong 3 ngày đầu. Khi được xác định sốt xuất huyết, người bệnh phải tuân thủ hướng dẫn chăm sóc theo dõi của bác sĩ.

Lê Dung, Nữ - 39 Tuổi

Xin hỏi sốt xuất huyết tự theo dõi ở nhà được không? Những dấu hiệu nào cảnh báo nguy hiểm và cần vào bệnh viện gấp. Mong các bác sĩ tư vấn.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Sốt xuất huyết nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Trong 3 ngày đầu tiên thường bệnh nhân sốt cao thì có thể sử dụng hạ sốt và uống oresol bù dịch theo chỉ định của bác sĩ.

Giai đoạn nguy hiểm từ ngày thứ 4 đến 7, người bệnh nên đi khám và thử máu hàng ngày để phát hiện sớm nguy cơ cô đặc máu và hạ tiểu cầu. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo: mệt lả, sốt cao liên tục, nôn hoặc buồn nôn nhiều, đau bụng, đau tức vùng gan, ở trẻ nhỏ thì thấy lờ đờ, li bì, tiểu ít, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc có bất kì chảy máu bất thường đều phải đến viện ngay.

Ngọc Thúy, Nữ - 37 Tuổi

Ngày sốt thứ 2 bố chồng tôi bị đau đầu khủng khiếp. Xin hỏi đây có phải là biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết không? Bố chồng tôi có cần được nhập viện ngay không thưa bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Sốt xuất huyết trong những ngày đầu thường rất đau đầu. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh lý gây đau đầu khác nên bạn có thể đưa người bệnh đến cơ sở y tế khám để xác định nguyên nhân.

Hồng Vân, Nữ - 34 Tuổi

Nếu người nhà mắc sốt xuất huyết thì quy trình chăm sóc sẽ như thế nào là hợp lý thưa bác sĩ? Người bệnh có cần thử máu hàng ngày không? Xin bác sĩ tư vấn.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Người bệnh sốt xuất huyết trong 2, 3 ngày đầu thường sốt cao. Nên lưu ý ở phòng thoáng mát, mặc quần áo mỏng. Khi sốt có thể chườm nước ấm (khoảng 35 độ), uống nhiều nước, dung dịch oresol, nước hoa quả.

Giai đoạn bệnh nguy hiểm thường vào ngày thứ 4, ngày thứ 5, ngày thứ 6 của bệnh. Những ngày này thường phải theo dõi sát, nếu có các dấu hiệu cảnh báo: mệt lả, sốt cao liên tục, nôn hoặc buồn nôn nhiều, đau bụng, đau tức vùng gan, ở trẻ nhỏ thì thấy lờ đờ, li bì, tiểu ít, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc có bất kì chảy máu bất thường đều phải đến viện ngay.

Những ngày này, bệnh nhân cũng nên đến khám và thử máu hàng ngày để phát hiện sớm các dấu hiệu của biến chứng nặng và xử lý kịp thời.

Ngọc Linh, Nữ - 38 Tuổi

Xin hỏi con tôi chỉ bị sốt mà không thấy đau đầu thì có thể là sốt xuất huyết không? Năm nay cháu 12 tuổi. Cảm ơn bác sĩ.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Mức độ biểu hiện bệnh của sốt xuất huyết rất đa dạng, tùy từng người khác nhau có thể nhẹ hoặc nặng. Vì vậy trường hợp cháu bị sốt mà không đau đầu thì cũng không ngoại trừ trường hợp sốt xuất huyết. Nên đi khám và làm xét nghiệm sốt xuất huyết.

Đinh Thị Huệ, Nữ - 27 Tuổi

Con cháu mới được 1 tuổi, cũng hay sốt vặt. Vậy phân biệt sốt thông thường với sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ như thế nào thưa bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Sốt xuất huyết trong 3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, chán ăn. Các biểu hiện này cũng tương tự như nhiều loại sốt vi rút khác. Nên để phân biệt sốt xuất huyết với các sốt khác thường phải làm các xét nghiệm.

Vũ Dũng, Nam - 32 Tuổi

Bác sĩ cho hỏi những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết là gì? Đối tượng nào dễ bị biến chứng nhất?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Hai biến chứng thường gặp nhất của sốt xuất huyết là:

1. Tăng tính thấm thành mạch dẫn đến thoát dịch ra khỏi lòng mạch máu, làm cho máu bị cô đặc và thiếu thể tích tuần hoàn. Nếu nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, sốc và tử vong.

2. Biến chứng hạ tiểu cầu máu làm cho khó cầm máu. Nếu tiểu cầu hạ nhiều có thể dẫn đến chảy máu tự nhiên như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da. Những trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, băng kinh, xuất huyết não.

Khu vực miền Nam chủ yếu là trẻ em bị bệnh, trong khi khu vực miền Bắc chủ yếu người lớn bị bệnh. Nhìn chung cả người lớn và trẻ em đều có khả năng bị các biến chứng này. Nhưng ở người lớn có thể có những bệnh nền như loét dạ dày tá tràng, xơ vữa mạch máu làm cho các biến chứng xuất huyết có thể trầm trọng hơn.

Lanh Nguyễn, Nữ - 42 Tuổi

Tôi thấy khi điều trị sốt xuất huyết có chỉ định hạ sốt bằng paracetamol nhưng tôi lại bị men gan cao thì dùng thuốc này nên lưu ý gì?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Paracetamol nếu dùng liều quá cao có thể làm tổn thương gan. Vì vậy việc dùng thuốc phải tuân thủ đúng theo đơn của bác sĩ. Khi sốt có thể phối hợp thêm biện pháp như chườm ấm, ở phòng thoáng mát, mặc quần áo thoáng mỏng, uống đủ nước để giúp giảm sốt.

Lưu ý với những người có men gan cao thì tránh sử dụng những chất gây tổn thương gan như rượu bia.

{keywords}

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp trả lời bạn đọc. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Trần Trung Dũng, Nam - 42 Tuổi

Nếu mắc sốt xuất huyết thì cần theo dõi sau sốt trong bao lâu để đảm bảo không có biến chứng thưa các bác sĩ? Năm nay vừa mắc thì có nguy cơ tái lại không?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Bệnh sốt xuất huyết thường sau 7 ngày thì sẽ hồi phục. Tuy nhiên, người bệnh có thể vẫn còn mệt mỏi đến một, hai tuần. Virus Dengue có 4 type: DEN1, DEN2, DEN3, DEN4 nên xét về lý thuyết một người có thể bị nhiễm 4 lần trong đời.

BumBum, Nữ - 26 Tuổi

Cháu đang mang bầu gần 7 tháng. Từ hôm qua đến giờ cháu hơi hâm hấp sốt. Hàng xóm nhà cháu cũng có người mắc sốt xuất huyết. Cho cháu hỏi nếu mang bầu mà mắc sốt xuất huyết thì có đáng ngại không ạ? Cháu cần làm gì bây giờ thưa bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Người mang bầu thì sốt xuất huyết có thể có những nguy cơ sau: trong giai đoạn sốt cao có thể làm tăng nhịp tim thai, ảnh hưởng đến thai. Nếu có biến chứng tăng tính thống thành mạch thoát dịch, tụt huyết áp sẽ làm giảm dòng máu đến bánh rau để nuôi thai. Nếu có hạ tiểu cầu nặng, có thể làm xuất huyết trong bánh rau. Nếu xuất huyết nhiều có thể dẫn đến xảy thai.

Ngoài ra, nếu người bệnh đang bị sốt xuất huyết bị hạ tiểu cầu nặng mà chuyển dạ đẻ hoặc cần mổ đẻ thì sẽ rất khó cầm máu. Vì vậy, bạn nên đi khám để xác định xem có bị sốt xuất huyết không, nếu có thì cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ định theo dõi và điều trị của bác sĩ.

Phương Trinh, Nữ - 27 Tuổi

Bé nhà em năm nay 4 tuổi. Kết quả xét nghiệm tại nhà cho biết cháu bị sốt xuất huyết. Em muốn cho cháu nhập viện nhưng nhiều người bảo bệnh viện đang quá tải. Tình trạng bệnh viện có thực sự như vậy không thưa bác sĩ. Nếu để cháu ở nhà thì em rất lo lắng.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Hiện tại các bệnh viên tuyến trung ương có quá nhiều người đổ về nên quá tải. Trong khi sốt xuất huyết có thể theo dõi tại nhà hoặc các tuyến cơ sở. Bạn nên đến khám ở bệnh viện tuyến quận huyện gần nhất để được khám, hướng dẫn chăm sóc, theo dõi tại nhà hoặc cho nhập viện nếu cần thiết.

Long Thành, Nam - 42 Tuổi

Thưa bác sĩ, con em 5 tuổi bị sốt xuất huyết. Cháu sốt cao và gần như không ăn uống được mấy. Em đã cho cháu đi khám ở Viện Nhi nhưng bác sĩ cho về, bệnh viện Nhiệt đới bác sĩ cũng từ chối cho nhập viện. Em thực sự rất lo vì bây giờ cháu vẫn không ngưng sốt sau khi hết thời gian của thuốc hạ sốt. Em có thể cho cháu vào đâu để theo dõi được ạ? Thành thật cảm ơn bác sĩ.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Trong 3 ngày đầu, thường các bệnh nhân sốt cao nhưng vẫn có thể theo dõi và điều trị tại nhà theo đơn. Từ ngày thứ 4 đến 7 có thể lui sốt nhưng có thể xuất hiện biến chứng, nên gia đình nên đưa đi khám và xét nghiệm, theo dõi trong những ngày đó. Nếu trẻ sốt cao, ăn uống kém dẫn đến thiếu dịch, bạn có thể đưa vào bệnh viện tuyến quận, huyện gần nhất đế các bác sĩ cân nhắc việc truyền dịch.

Minh Trang Thu, Nữ - 42 Tuổi

Chồng tôi sốt xuất huyết 3 ngày nay. Cứ hết thời gian hạ sốt lại thấy sốt lại. Tôi có thể dùng thêm thuốc gì để hỗ trợ hạ sốt được?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Khi sốt cao ngoài hạ sốt bằng paracetamol, có thể phối hợp thêm biện pháp như chườm ấm, ở phòng thoáng mát, mặc quần áo thoáng mỏng, uống đủ nước để giúp giảm sốt. Ngoài ra, có thể phối hợp dùng các thuốc đông y có tính hạ sốt khác như cỏ mực. Lưu ý với cỏ mực thì không được dùng cho phụ nữ có thai.

Nguyễn Minh Thu, Nữ - 34 Tuổi

Tôi bị sốt suất huyết 1 tuần trước bây giờ đã khỏi nhưng hiện nay lượng tiểu cầu của tôi vẫn bị giảm (theo số liệu xét nghiệm ngày 14/8 giảm còn 119 đơn vị). Cho tôi hỏi như vậy tôi có bị nguy hiểm không và có cần đến bệnh viện kiểm tra hay không?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Biến chứng hạ tiểu cầu máu thường bắt đầu từ khoảng ngày thứ 3. Tiểu cầu đi xuống sau đó quay lên vào ngày thứ 6, thứ 7. Bệnh của bạn đang ở giai đoạn hồi phục tiểu cầu nhưng nếu tiểu cầu vẫn có dưới 150 nghìn, bạn vẫn nên xét nghiệm để theo dõi tiếp.

Mai Ka, Nữ - 29 Tuổi

Xin hỏi bác sĩ nếu mắc sốt xuất huyết có nhất thiết phải nằm viện không? Có bắt buộc xét nghiệm máu hàng ngày không? Xin cảm ơn bác sĩ.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Bệnh nhẹ có thể theo dõi và điều trị tại nhà theo đơn của bác sĩ. Trong giai đoạn biến chứng nguy hiểm từ ngày 4 đến ngày thứ 7 của bệnh thì bệnh nhân nên được xét nghiệm hàng ngày đến phát hiện biến chứng kịp thời.

Nguyễn Hồng Liễu, Nữ - 42 Tuổi

Xin bác sỹ cho biết trong trường hợp bị sốt thì thời điểm nào lên làm xét nghiệm máu là tốt nhất?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Trong 3 ngày đầu tiên của bệnh, xét nghiệm NS1 để xác định virus Dengue có độ nhạy cao nhất. Ngoài ra giai đoạn này nên làm xét nghiệm công thức máu đế đánh giá huyết sắc tố làm cơ sở để theo dõi độ cô đặc máu cho những ngày sau.

Trong giai đoạn nguy hiểm là ngày 4,5,6 nên làm xét nghiệm công thức máu hàng ngày để đánh giá mức độ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.

Trần Thị Vân Anh, Nữ - 53 Tuổi

Tôi có biểu hiện hơi đau đầu, mất ngủ và đi ngoài, người thấy mệt, liệu đó có phải là biểu hiện của bệnh SXH không, thưa bác sỹ.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Triệu chứng thường gặp nhất của sốt xuất huyết là sốt cao, ngoài ra có thể có đau đầu, đi ngoài, chán ăn. Bạn nên theo dõi nếu có sốt cao thì nên đi khám.

Thanh Tùng, Nam - 44 Tuổi

Con tôi 1 tuổi. Cháu bị sốt nhẹ ngày đầu tiên (hơn 37 độ). Hai ngày tiếp theo sốt cao (38-39 độ hơn), đặc biệt về đêm. Tôi cho cháu dùng hạ sốt và uống nhiều nước. Đến ngày thứ 4 cháu không sốt nữa nhưng người cháu thỉnh thoảng lạnh. Cháu biếng ăn. Cho tôi hỏi với triệu chứng như vậy có phải sốt xuất huyết không? Tôi đã cho cháu ra bệnh viện nhưng bác sĩ nói có test máu hay không thì vẫn phải tiếp tục theo dõi cháu. Xin cảm ơn.

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Có hai xét nghiệm để chuẩn đoán Dengue: Xét nghiệm NS1 để xác định sốt xuất huyết thường chỉ nhạy trong 3 ngày đầu. Xét nghiệm huyết thanh chuẩn đoán Dengue thường chỉ nhạy từ ngày thứ 6,7 trở đi nên bạn nên đưa con khám ngày thứ 4 thì không dùng được hai xét nghiệm trên. Cần phải theo dõi diễn biến tiếp để xác định có phải sốt xuất huyết Dengue hay không. Với sốt xuất huyết Dengue, mặc dù ngày thứ 4,5,6 lui sốt nhưng có thể xảy ra biến chứng trong giai đoạn này. Vì vậy bạn nên cho con đi khám và xét nghiệm để phát hiện sớm các biến chứng nếu có.

Bùi Linh , Nam - 36 Tuổi

Xin hỏi Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương Đang mang thai mà bị sốt xuất huyết thì có ảnh hưởng như thế nào? Khi có biểu hiện như thế nào thì cần đến bệnh viện kiểm tra và điều trị ngay ạ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Người mang thai bị sốt xuất huyết có thể có những nguy cơ sau: trong giai đoạn sốt cao có thể làm tăng nhịp tim thai, ảnh hưởng đến thai. Nếu có biến chứng tăng tính thống thành mạch thoát dịch, tụt huyết áp sẽ làm giảm dòng máu đến bánh rau để nuôi thai. Nếu có hạ tiểu cầu nặng, có thể làm xuất huyết trong bánh rau. Nếu xuất huyết nhiều có thể dẫn đến xảy thai.

Ngoài ra, nếu người bệnh đang bị sốt xuất huyết bị hạ tiểu cầu nặng mà chuyển dạ đẻ hoặc cần mổ đẻ thì sẽ rất khó cầm máu. Vì vậy, bạn nên đi khám để xác định xem có bị sốt xuất huyết không, nếu có thì cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ định theo dõi và điều trị của bác sĩ.

Khi sốt cao và khó hạ sốt, có các dấu hiệu cảnh báo hoặc khi xét nghiệm thấy tiểu cầu máu hạ thấp hay có cô đọng máu hoặc có bất kỳ động thai, chuyển dạ thì đều phải nhập viện ngay.

Nguyễn Xuân Chiến , Nam - 30 Tuổi

Bác sĩ cho hỏi em bị sốt đi thử test có kết quả là: NS1 âm tính, IgM âm tính, IgG Dương tính là sao bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Khi virus Dengue lưu hành trong máu, có thể xác định được bằng NS1. Sau 3,4 ngày, cơ thể bắt đầu sinh ra kháng thể để diệt virus Dengue và nồng độ kháng thể này tăng dần lên. Kháng thể sớm là IgM, giai đoạn muộn hơn là IgG. Nên xét nghiệm NS1 âm tính tức là mẫu máu xét nghiệm không phát hiện được kháng nguyên virus Dengue. Xét nghiệm IgM âm tính tức là cơ thể chưa sinh kháng thể đủ ở mức có thể phát hiện được. IgG dương tính tức là trước đó đã từng nhiễm một trong 4 type nào đó rồi. Tình huống của bạn nêu có thể là bị sốt xuất huyết Dengue nhưng xét nghiệm vào ngày thứ 4,5 của bệnh nên virus Dengue đã hết nhưng nồng độ kháng thể IgM chưa đủ cao để dương tính.

Hoàng Đức, Nam - 32 Tuổi

Từ khi bị muỗi đốt đến lúc phát bệnh là bao nhiêu ngày thưa bác sĩ? Liệu có phòng ngừa được bệnh ngay khi bị muỗi đốt không thưa bác sĩ?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Thời gian kể từ lúc bị muỗi mang mầm bệnh đốt đến khi phát bệnh khoảng 4-10 ngày, trung bình từ 6-7 ngày. Đa số những người bị nhiễm virus SXH thì không có biểu hiện bệnh hoặc bệnh nhẹ có thể tự khỏi, chỉ có 1 số ít phải vào viện điều trị.

Để phòng bệnh bạn cần tránh muỗi đốt, nâng cao thể trạng để bệnh không phát triển. Về lâu dài phải diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy.

{keywords}

Ths Nguyễn Đức Khoa giao lưu trực tuyến cùng bạn đọc báo VietNamNet. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ngoc Thuy, Nữ - 63 Tuổi

Cháu tôi đã sốt xuất huyết đến ngày thứ 8, đã nổi hết ban. Vậy gia đình tôi còn phải theo dõi những biến chứng gì ở cháu?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Từ ngày thứ 8 trở đi thì bệnh sốt xuất huyết đã sang giai đoạn hồi phục. Các dịch thoát ra ngoài lòng mạch đã tái hấp thu lại. Giai đoạn này chú ý không truyền dịch để tránh quá tải dịch. Ngoài ra một sốt bệnh nhân có thể có ngứa nhưng biến chứng này không nguy hiểm.

Nguyễn Thanh, Nữ - 25 Tuổi

Mẹ tôi bị sốt xuất huyết. Tôi nghe nói chỉ được ăn bún miến không được ăn cơm vì sợ xuất huyết dạ dày. Điều này có đúng không thưa bác sĩ?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Với người sốt xuất huyết thì không có chế độ kiêng khem đặc biệt. Tuy nhiên, vì sốt xuất huyết rất mệt và buồn nôn chán ăn nên người bệnh nên ăn thức ăn mềm, dễ tiêu. Lưu ý trong giai đoạn tiểu cầu máu hạ, không ăn thức ăn quá cứng gây nên xước niêm mạc có thể làm chảy máu.

Vu Ngoc, Nam - 36 Tuổi

Vợ tôi đang mắc sốt xuất huyết nhưng không chịu ăn uống gì. Xin hỏi bác sĩ người bệnh sốt xuất huyết nên bổ sung dinh dưỡng bằng cách nào? Tôi nghe nói nên uống nhiều cam, như thế có đúng không?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Người sốt xuất huyết nên bổ sung dinh dưỡng bằng cách ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu. Ngoài ra có thể uống các loại nước hoa quả như nước cam, bưởi, chanh... Nếu ăn uống kém có thể uống thêm sữa để đảm bảo đủ cả nước và vitamin.

Không cách ly bệnh nhân, chỉ cần diệt muỗi

Thành Thái Hoàng, Nam - 44 Tuổi

Nếu trong nhà có người mắc bệnh sốt xuất huyết thì cần cách ly như thế nào cho đúng? Bệnh này lây qua đường gì thưa bác sĩ?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Bệnh SXH không lây truyền từ người sang người mà lây truyền qua muỗi đốt, người bệnh SXH không cần cách ly mà cần ngủ màn hoặc sử dụng kem xua muỗi để tránh muỗi đốt và truyền bệnh cho người khác.

Nguyễn Trang, Nữ - 46 Tuổi

Tôi đang ở chung cư tầng 15 nhưng vẫn thấy có muỗi. Liệu chung cư thì có thể phun thuốc mỗi không? Nếu có phun thì phun theo từng tầng được hay phải phun theo cả tòa nhà thưa bác sĩ. Nếu tôi đi thang máy cùng người sốt xuất huyết thì có nguy cơ bị lây nhiễm không?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Muỗi có thể theo thang máy lên tất cả các tầng của tòa nhà cao tầng. Để đảm bảo hiệu quả, việc phun thuốc diệt muỗi cần được thực hiện toàn điện, đồng bộ ở các hộ gia đình và các khu vực xung quanh tòa nhà. Bạn cũng cần kiểm tra các dụng cụ chứa nước trong nhà để diệt lăng quăng, bọ gậy như chậu hoa, cây cảnh, khay nước thải của điều hòa, tủ lạnh.

Bệnh SXH không lây truyền trực tiếp từ người sang người, nếu có con muỗi sốt người bệnh SXH sau đó đốt bạn thì bạn có thể bị lây nhiễm bệnh.

Minh Chi, Nữ - 28 Tuổi

Em đang có bầu 6 tháng nhưng em chồng em lại đang mắc sốt xuất huyết thì em có cần cách ly không? Nếu bây giờ nhà em phun thuốc muỗi thì em cần ra khỏi nhà trong bao lâu? Có loại thuốc nào an toàn cho người mang thai không thưa bác sĩ? Liệu dùng tinh dầu hoặc các loại hương muỗi thì em có bị ảnh hưởng không?

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Sốt xuất huyết không lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp mà chỉ lây qua muỗi đốt. Nên bạn không cần phải cách lý nhưng phải phòng tránh muỗi đốt. Nếu phun thuốc muỗi trong nhà thì phải ra khỏi nhà 60 phút. Các loại thuốc diệt muỗi hiện tại đều đảm bảo độ an toàn nhưng cần thực hiện đúng hướng dẫn phun.

Việc sử dụng hương muỗi cũng có thể ảnh hưởng nên trong lúc đốt hương muỗi bạn vẫn phải rời khỏi nhà giống như phun thuốc muỗi. Còn các loại tinh dầu thì ít ảnh hưởng hơn.

Lê Văn Quang, Nam - 30 Tuổi

Vợ chồng và con gái tôi thuê trọ tại khu vực Đại Mỗ, con gái tôi mới 2 tuổi, xin các chuyên gia cho biết các dấu hiệu và cách phòng bệnh sốt suất huyết. Tôi xin cảm ơn!

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi đốt. Khi bị sốt xuất huyết trong 2,3 ngày đầu thường sốt cao, đau đầu, mỏi người, nhức hốc mắt, chán ăn, buồn nôn. 3,4 ngày tiếp theo sốt lui nhưng có thể có biến chứng nguy hiểm. Việc phòng sốt xuất huyết chủ yếu là diệt loăng quăng bọ gậy, phòng tránh muỗi đốt.

Tú Quỳnh, Nữ - 35 Tuổi

Tôi ở Hoàng Mai. Nghe nói khu vực này đang ở đỉnh dịch nhưng tôi lại không thấy ai đi phun thuốc muỗi. Vậy tôi phải liên hệ đến đâu để được phun thuốc muỗi?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc phun hóa chất diệt muỗi sẽ được thực hiện tại nơi có ổ dịch và nơi có nguy cơ bùng phát dịch, có các chỉ số mật độ muỗi cao. Ngoài việc phun xử lý các ổ dịch thì hiện nay Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch phun hóa chất diệt muỗi diện rộng trên địa bàn thành phố để ngăn chặn sự bùng phát của dịch.

Nếu khu vực bạn sinh sống chưa có ổ dịch thì chưa có chỉ định phun hóa chất dập dịch khẩn cấp, việc phun hóa chất diệt muỗi sẽ được thực hiện theo kế hoạch. Có thể khu vực của bạn sẽ được phun hóa chất diệt muỗi trong thời gian tới.

Tran Toan, Nam - 33 Tuổi

Việt Nam hiện có đang nghiên cứu vắc xin phòng chống xuất huyết không? Tôi nghe nói đã có vắc xin chống bệnh. Xin cho địa chỉ tiêm ở đâu, những đối tượng nào có thể dùng được loại vắc xin này?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Thế giới đang nghiên cứu rất nhiều loại vắc-xin để phòng bệnh SXH, hiện nay đã có 1 loại vắc-xin được cấp phép lưu hành ở 1 số quốc gia. Vắc-xin này cũng đang được thử nghiệm tại nước ta trước khi được cấp phép lưu hành.

Hương Giang , Nữ - 32 Tuổi

Mình ở Hà Đông, mới đây có được phun thuốc muỗi khoảng 1 tuần nay. Nhưng hôm nay mình đã thấy có muỗi. Thuốc muỗi có cần phun hàng tuần không? Nếu phun thì tác dụng được trong bao lâu?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Phun hóa chất diệt muỗi có thể được thực hiện bằng biện pháp phun tồn lưu lên tường để diệt muỗi truyền bệnh sốt rét, biện pháp này có tác dụng diệt muỗi từ 3-6 tháng. Do muỗi truyền bệnh SXH không đậu lên tường mà thường đậu các vật liệu vải như rèm, quần áo... nên biện pháp phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh SXH được sử dụng là biện pháp phun không gian với các hạt hóa chất cực nhỏ. Các hạt hóa chất này lơ lửng trong không gian, sẽ bám vào muỗi và diệt muỗi. Sau khoảng 2 tiếng các hạt hóa chất này sẽ rơi xuống đất và hết tác dụng diệt muỗi. Để đảm bảo hiệu quả diệt muỗi thì cần phun hóa chất từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau từ 7-10 ngày.

Tuy nhiên biện pháp phun hóa chất chỉ có tác dụng tức thời để diệt đàn muỗi trưởng thành đang mang mầm bệnh, nếu chúng ta không tiến hành các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy thì ngay ngày hôm sau có thể đã có một đàn muỗi mới nở và sau 24 - 48h chúng lại có khả năng đốt người và truyền bệnh.

Đắc Thành, Nam - 45 Tuổi

Tôi có thể tự mua thuốc diệt muỗi để phun tại nhà không? Loại nào có thể diệt được muỗi gây bệnh sốt xuất huyết?

Ths Nguyễn Đức Khoa: Bạn nên sử dụng các thuốc diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép lưu hành và cần phải sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và của cơ quan y tế địa phương, tuy nhiên việc sử dụng hóa chất diệt muỗi cần được thực hiện đồng bộ ở cả khu vực kèm theo việc lăng quăng, bọ gậy thường xuyên thì mới đạt được hiệu quả cao.

Hoàng Việt Bách, Nam - 32 Tuổi

Xin hỏi chuyên gia, vợ tôi đang mang bầu gần 7 tháng, có thể dùng kem bôi chống muỗi chicco hàng ngày được không? Xin cảm ơn!

Ths. Bs Nguyễn Trung Cấp: Tất cả các loại kem chống muỗi đều nên chọn loại đã được Bộ Y tế cấp phép và sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Do thời gian giao lưu có hạn, lượng câu hỏi bạn đọc gửi đến quá lớn, nên một số thắc mắc chưa được giải đáp, VietNamNet đã chuyển các câu hỏi còn lại của quý vị đến khách mời.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị!

VietNamNet