Bệnh phong tại Việt Nam đã được kiểm soát sau những nỗ lực của ngành y tế, đặc biệt là nhờ những tiến bộ trong điều trị.

Bệnh phong có thể chữa khỏi hoàn toàn

Ở Việt Nam, chương trình phòng chống phong đã trở thành chương trình y tế Quốc gia từ năm 1995. Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình, ngành Da liễu Việt Nam đã góp phần quan trọng làm cho tỷ lệ lưu hành bệnh giảm xuống một cách đáng kể.

Theo PGS.TS Trần Hậu Khang - Giám đốc BV Da liễu T.Ư, Chủ nhiệm Chương trình chống phong quốc gia thì bệnh phong ngày nay đã được chữa khỏi hoàn toàn. Hiện tại người mắc bệnh phong được điều trị miễn phí, điều trị tại nhà.

Các chuyên gia cho biết việc điều trị bệnh phong theo nguyên tắc phối hợp thuốc (gọi là đa hóa trị liệu). Bệnh nhân nhóm ít vi trùng, người lớn dùng 2 loại thuốc uống trong 6 tháng gồm: Rifampicin 600mg, uống tháng một lần; Dapsone 100mg uống hàng ngày.

Bệnh nhân nhóm nhiều vi trùng, người lớn dùng 3 loại thuốc trong 12 tháng gồm: Rifampicin 600mg, Chofazimin 300mg, uống mỗi tháng một lần; Dapsone 100mg và Chofazimin 50mg uống hàng ngày.

Trẻ em dưới 12 tuổi dùng 1/2 liều của người lớn hoặc dựa vào cân nặng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần được biết thuốc điều trị khỏi bệnh phong nhưng không khỏi tàn tật (nếu bị tần tật), cần phải uống thuốc đều, không ngắt quãng.

Ngoài việc dùng thuốc với phác đồ điều trị chuẩn, việc khám phát hiện bệnh nhân phong cũng đã có những tiến bộ nhất định. Hiện nay, phương pháp khám phát hiện bằng cách khám toàn thân đã không còn được sử dụng. Thay vào đó là các cách thức khám mới như khám tiếp xúc, khám cụm dân cư và khám có ảnh lâm sàng.

Khám tiếp xúc là khám toàn bộ những người sống cùng trong gia đình, trong cùng một mái nhà với bệnh nhân phong. Có thể mở rộng ra những người xung quanh, người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân Phong mới.

Khám có ảnh lâm sàng là khám cho những người có bệnh da, được sàng lọc qua phiếu có hình ảnh lâm sàng. Thông qua khám bệnh da để phát hiện ra bệnh nhân phong mới.

Hiệu quả lớn

Kể từ khi chương trình Phòng chống bệnh phong trở thành Chương trình mục tiêu y tế quốc gia thì công tác phòng chống phong đã thu được nhiều kết quả lớn.

Cụ thể: Tỉ lệ lưu hành bệnh phong giảm xuống rõ rệt: từ 6,71/10.000 dân năm 1995 giảm xuống còn 0,19/10.000 dân năm 2001 và đến cuối năm 2009 giảm xuống chỉ còn 0,04/10.000 dân. Tỉ lệ phát hiện năm 1995 là 3,44/100.000; năm 2000 là 1,94/100.000 dân, đến năm 2009 chỉ còn 0,48/100.000. Tỉ lệ tàn tật độ 2 trên bệnh nhân phong mới phát hiện cũng giảm từ 30,07% vào năm 1995 xuống còn 18,89% vào cuối năm 2009.

Năm 2000, Việt Nam đã đạt được mục tiêu loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (tỉ lệ lưu hành <1/10.000 dân). Tính đến tháng 11/2010, đã có 43 tỉnh thành loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số liệu từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy đã phát hiện thêm 189.018 trường hợp mắc bệnh phong (tính đến cuối quý I/2013). Trong khi đó, số bệnh nhân mới phát hiện trong năm 2012 là 232.847 người (không bao gồm một số ít trường hợp tại Châu Âu). So với thế giới, tỷ lệ đang lưu hành bệnh phong tại Việt Nam ở mức trung bình.

Tại Việt Nam, năm 2012 là năm thứ hai của Kế hoạch chống phong giai đoạn 2010 - 2015. Mục tiêu chủ chốt trong giai đoạn này là 100% số tỉnh/thành đạt được tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong của Việt Nam.

Trong năm 2012, Bệnh viện Da liễu Trung ương và Ban Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống phong Quốc gia đã tiến hành giám sát hoạt động phòng chống bệnh phong tại 37 tỉnh, trong đó có 16 tỉnh phía Bắc, 4 tỉnh miền Trung và 17 tỉnh phía Nam. Cũng trong năm nay, đã có 5 tỉnh được công nhận loại trừ bệnh phong là Cà Mau, Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An, Đăk Nông.

Đến tháng 12/2012, cả nước có 51/63 tỉnh thành đã kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam. Tỷ lệ tàn tật độ 2 trên bệnh nhân phong mới - năm 2012 giảm xuống còn 14,86%, năm 2000 là 21%. Mục tiêu Việt Nam đặt ra là sẽ thanh toán bệnh phong vào năm 2030.

Đến tháng 12/2012, cả nước có 51/63 tỉnh thành đã kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong theo 4 tiêu chuẩn của Việt Nam. Tỷ lệ tàn tật độ 2 trên bệnh nhân phong mới - năm 2012 giảm xuống còn 14,86%, năm 2000 là 21%. Mục tiêu Việt Nam đặt ra là sẽ thanh toán bệnh phong vào năm 2030.

Chương trình quốc gia phòng chống bệnh phong

Chương trình quốc gia phòng chống bệnh phong giai đoạn 2012-2015 là 1 trong những chương trình thuộc dự án 1 (Phòng, chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm đối với cộng đồng) nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia Y tế giai đoạn 2012 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012.

Mục tiêu mà Chương trình chống phong quốc gia đặt ra là phấn đấu đến 2015 sẽ có 100% các tỉnh/thành phố đạt 4 tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong; 50% các huyện/thị trong cả nước không còn bệnh nhân phong mới liên tục trong 5 năm; 100% bệnh nhân bị tàn tật được phục hồi chức năng và phòng chống tàn tật.

Yến Ngọc