Hiện toàn TP.HCM có gần 600 dự án bất động sản đang triển khai, nhưng chỉ có 77 dự án nằm trong danh sách công bố đang thế chấp. Những dự án còn lại thì sao? Tại sao chỉ nêu tên 77 dự án này?...

Hàng loạt câu hỏi xoay quanh những vấn đề nóng trong buổi họp báo với Sở Tài nguyên Môi trường vừa diễn ra chiều 29/7.  Buổi họp báo do ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM (thuộc Sở Tài nguyên Môi trường), chủ trì.

Ông Liên cho biết, việc công bố thông tin chủ yếu lựa chọn các dự án gắn liền giữa quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (nhà ở hình thành trong tương lai), từ thời điểm Luật đất đai và Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 có hiệu lực, ngày 1/7/2015.

“Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc phải công bố thông tin liên quan đến những vấn đề tài sản, dự án thế chấp nên chúng tôi căn cứ vào Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản mới nhất và chỉ đạo của UBND để triển khai.

{keywords}

Những dự án theo quy định của pháp luật, phải có chứng nhận của Sở Xây dựng về đủ điều kiện mua bán và đã hoàn thành thủ tục hoặc những dự án đã hoàn thành nhưng còn vướng mắc, chưa ra sổ cho người dân chúng tôi thấy cần thiết phải công bố” - ông Liên nói.

Về quan điểm về việc công bố thông tin, theo ông Liên, để đầy đủ thì cần phối hợp với nhiều sở - ngành. Việc thế chấp tài sản để phát triển dự án là điều bình thường và chủ đầu tư cần thực hiện đúng quy định pháp luật.

Sau đợt công bố danh sách 77 dự án thế chấp ngân hàng, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường cho biết, sẽ thực hiện một số việc tiếp theo.

“Để khuyến khích chủ đầu tư các dự án chú ý đến việc làm sổ cho người mua nhà thì khi giải chấp 1 căn hộ, chúng tôi sẽ update liên tục, hoặc chủ đầu tư làm tốt công tác làm thủ tục cho người dân, chúng tôi cũng công bố.

Chúng tôi sẽ trình UBND TP xin ý kiến công bố định kỳ các dự án thế chấp, có thể từ 1-2 tháng, tùy vào cho phép của UBND TP và cơ sở hạ tầng, nguồn lực.

Bên cạnh dự án đang bị thế chấp còn loại dự án chủ đầu tư triển khai nhưng vi phạm về quản lý dự án: xây dựng (kê thêm tầng), hoặc chuyển đổi công năng của sản phẩm, thay đổi tầng. Người mua thì khó biết tình trạng căn hộ mình mua. Chúng tôi cũng sẽ công bố loại dự án này.

Loại thứ ba là dự án mà chủ đầu tư đang vướng mắc về tố tụng nhân sự. Một số dự có sản phẩm lên vài trăm căn hộ nhưng chỉ có vài 3 căn hộ bị vướng thì cơ quan thi hành án chỉ nên kê biên những căn này, đó là lý do có Sở Tư pháp tham gia vào tổ công tác liên ngành” - ông Liên thông tin thêm.

Về việc công bố thông tin dự án thế chấp từng phần hay toàn bộ, thông tin không đầy đủ, ông Liên cho rằng, Sở chỉ có thông tin dựa trên sổ đăng ký, đơn đăng ký và hợp đồng thế chấp. Thông tin trong đó rất đơn giản, không đầy đủ. Do vậy, vấn đề đặt ra ngay từ chính người đi vay cần cung cấp thông tin đầy đủ.

Quốc Tuấn