Cuối cùng thì John Kerry có thể nói, ông biết Richard Nixon từng cảm thấy thế nào. Kerry chinh phục nấc thang quyền lực bắt đầu từ vai trò dẫn đầu phong trào phản chiến tại Mỹ những năm 1970.


{keywords}
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama. Ảnh: wordpress

Ông Kerry - một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam có sự nghiệp chính trị, chinh phục Thượng viện, trở thành ứng viên Dân chủ tranh cử tổng thống, giờ đây, nắm giữ vị trí hàng đầu trong nội các của Tổng thống Mỹ Obama.

Vladimir Putin lên nắm giữ quyền lực sau những tháng ngày phục vụ ở KGB, trong những năm 1970 đã cố gắng tận dụng phong trào phản chiến Mỹ. Kerry chắc chắn đã thay đổi giọng điệu của mình. Còn Putin?

Hơn bất kỳ người Mỹ nào, Kerry có thể khiến mọi người tin rằng, việc can thiệp vào cuộc nội chiến Syria (đứng về phía quân nổi dậy Hồi giáo) là đúng đắn. Ông không ngớt chuyển tải thông điệp này trong hàng loạt bài phát biểu, trong các cuộc tranh cãi ở nội các, và với thành viên Quốc hội Mỹ đang cân nhắc bỏ phiếu phê chuẩn chiến dịch oanh tạc chống lại Syria. Mỹ đưa lý do tháng trước, chính quyền Syria đã dùng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài.

Khi Tổng thống Obama chọn cách né tránh ra quyết định tấn công Syria thì Kerry không ngừng theo đuổi kế hoạch chiến tranh.

Tuy nhiên, khuynh hướng chủ hòa mạnh mẽ trong nội bộ đảng Dân chủ từng khiến Kerry nổi tiếng và đầy quyền lực, cũng lại tạo ra cho ông thứ nhiệm vụ bất khả thi. Trong khi đó, hầu hết nghị sĩ Cộng hòa phản đối kế hoạch của Obama với Syria vì cho rằng nó quá yếu ớt.

Obama đã dồn nhiều tâm sức để thuyết phục Quốc hội phê chuẩn đánh Syria, nhưng rồi lại "há miệng mắc quai". Lời kêu gọi chiến tranh của ông nếu như không thành ở cả hai đảng, sẽ là nỗi hổ thẹn với ông trong cũng như ngoài nước, và tác động không nhỏ tới những năm tháng còn lại trong nhiệm kỳ thứ hai của Obama.

Một Kerry đang nỗ lực đến tuyệt vọng ở nước người để tìm kiếm đồng minh ủng hộ có thể xoa dịu nỗ lo lắng từ đảng Dân chủ rằng, đây không phải là sự khởi đầu một vũng lầy mới với Mỹ. Ở nước ngoài, Kerry đã trả lời một câu hỏi về giải pháp ngoại giao đầy ẩn ý: "Chắc chắn khi Bashar al Assad từ bỏ vũ khí, chúng tôi sẽ từ bỏ việc oanh tạc".

Tuy nhiên, người Nga lại chơi rất thẳng thắn. Trong khi Kerry cố gắng tạo dựng liên minh, thì Putin đã phát hiện ra "điểm yếu" của Obama. Ông chỉ cho Obama một con đường thoát khỏi bế tắc chính trị và giúp Obama có chút khả năng ngăn chặn, không phải bắt đầu một cuộc chiến tranh mới.

Tổng thống Mỹ chớp lấy cơ hội và bây giờ, hãy nghe Putin tâm sự trên Thời báo New York: “Điều này là cực kỳ nguy hiểm khi khuyến khích người dân tự coi mình là ngoại lệ, cho dù động cơ là gì. Trên thế giới có nước lớn và có nước nhỏ, có nước giàu, nước nghèo, nước có truyền thống dân chủ lâu đời và nước vẫn đang tìm cách đi tới dân chủ. Các chính sách của họ cũng khác biệt. Chúng ta tất cả đều không giống nhau, nhưng khi chúng ta cầu Chúa phù hộ, thì cũng đừng quên rằng Đấng tạo hóa đã sinh thành chúng ta bình đẳng như nhau".

Nó giống như cái tát đối với Obama - người mà đầu nhiệm kỳ đã nỗ lực định nghĩa lại chủ nghĩa ngoại lệ của nước Mỹ. Ông Putin đã thẳng thừng bác bỏ lời của người đồng cấp Mỹ, theo đó “chính sách của nước Mỹ là điều khiến Mỹ trở nên khác biệt và ngoại lệ”.

Nhiều nghị sĩ Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ với bài viết đăng trên. Chủ tịch Hạ viện Mỹ John A. Boehner nói ông cảm thấy "bị xúc phạm”. Những người khác viện dẫn bài viết của ông Putin cho tạp chí Time năm 1999, khi ông còn là Thủ tướng. Trong bài viết về cuộc chiến Chesnia này, giọng điệu của ông Putin được cho là hoàn toàn khác hẳn: “Không quốc gia nào được phép ngồi yên khi bị chủ nghĩa khủng bố tấn công. Nghĩa vụ của một chính phủ là phải bảo vệ an nguy của công dân mình”. Theo họ, bài viết này không hề nhắc gì đến LHQ hoặc luật pháp quốc tế như bức thư Putin gửi Thời báo New York.

Dù vậy, không ít người cho rằng, Putin đã ghi điểm so với Obama bởi những lập luận sắc bén đưa ra nhằm phản bác kế hoạch tấn công Syria. 

Thái An (theo Foxnews)