- Bên cạnh những biện pháp mang tính hành chính như ưu đãi về thuế hay quy định các cơ quan nhà nước khi mua sắm trang thiết bị mới phải hỗ trợ IPv6, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng điều quan trọng là Việt Nam cần phải phát triển được các dịch vụ ứng dụng nội dung trên nền giao thức này.

"Chỉ có như vậy thì việc ứng dụng IPv6 mới đi vào chiều sâu", Thứ trưởng khẳng định tại Hội thảo "Ứng dụng IPv6" diễn ra sáng nay, 6/5 tại Hà Nội.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định 2014 là năm bản lề của quá trình chuyển đổi sang IPv6 tại VN. Ảnh: Việt Thắng

Năm 2014 được xác định là năm bản lề của IPv6, bởi sau hai năm 2011-2012 mang tính chất chuẩn bị thì đây chính là giai đoạn 2 của một kế hoạch chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 ở quy mô quốc gia tại Việt Nam - giai đoạn khởi động. Mục tiêu của kế hoạch hành động này là đến năm 2019, tất cả các kết nối của VN sẽ chuyển hẳn sang giao thức IPv6.

Dù IPv6 còn là một thuật ngữ khá lạ lẫm với nhiều người dùng phổ thông, nhưng việc triển khai IPv6 tại VN, cũng như trên thế giới, thực chất đang là một yêu cầu tất yếu, bởi giao thức này vừa giúp giải quyết sự cạn kiệt tài nguyên của IPv4, vừa thúc đẩy khả năng kết nối và mở ra những cơ hội hoàn toàn mới về ứng dụng, dịch vụ, nội dung trên nền giao thức mới.

Trên thực tế, kế hoạch hành động quốc gia mà Bộ TT&TT xây dựng đã đề cập tới rất nhiều giải pháp để thúc đẩy việc ứng dụng IPv6 tại VN, từ việc ban hành Bộ tiêu chuẩn quy chuẩn, xây dựng lộ trình đảm bảo các thiết bị sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu vào VN phải hỗ trợ IPv6 cho đến tổ chức những hội thảo chuyên đề về ứng dụng IPv6, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đã triển khai tương đối mạnh IPv6 như Nhật Bản, Hàn Quốc....

Ông Nguyễn Trường Thành (Trung tâm Internet Việt Nam - VNNIC) nhấn mạnh rằng châu Á là khu vực cạn kiệt địa chỉ IPv4 đầu tiên trên thế giới, nên việc ứng dụng IPv6 càng cần phải triển khai sớm. Vào ngày 6/5/2013, VN đã chính thức khai trương IPv6 và chọn ngày 6/5 hàng năm làm "Ngày IPv6" quốc gia. Sau một năm triển khai, mạng DNS quốc gia (VNIX), mạng lõi của các ISP đã sẵn sàng cho IPv6. Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận rằng mức độ ứng dụng vẫn còn khá ít.

Theo thống kê, hiện mới có 11/18 ISP, 15 máy chủ DNS, 20 chủ website (sở hữu 35 website .vn) và 6 nhà sản xuất thiết bị là VNPT Technology, Viettel R&D, FPT Telecom, D-Link, Zyxel, Ruckus đã triển khai IPv6. Lưu lượng IPv6 kết nối từ Việt Nam ra thế giới còn thấp và các dịch vụ nội dung, DNS trên nền giao thức này còn rất khiêm tốn.

VNNIC cho biết định hướng của cơ quan này trong thời gian tới sẽ là tập trung triển khai IPv6 trên các dịch vụ nội dung, phát triển mạnh các thiết bị đầu cuối, tiến hành chương trình chứng nhận IPv6 và đẩy mạnh đào tạo nguồn lực về bảo mật, về lập trình phần mềm trên IPv6.

Hội thảo "Ứng dụng IPv6" năm nay thu hút khoảng 300 đại biểu là các chuyên gia trong và ngoài nước, các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông và ISP, các tổ chức tài chính, ngân hàng. Đặc biệt, các chuyên gia cấp cao về IPv6 của Nhật cũng có bài thuyết trình chia sẻ kinh nghiệm thực tế về ứng dụng và triển khai IPv6 tại nước này.

Trọng Cầm