Việc được cấy ghép nội tạng với bệnh nhân hiện không đơn giản, vì tình trạng "cung không đủ cầu" phổ biến trên khắp thế giới. Chỉ tính riêng ở Mỹ, hiện có hơn 121.000 người trong danh sách chờ cấy ghép nội tạng và trung bình có 22 người chết mỗi ngày do thiếu nội tạng cấy ghép.

Đối với những người mắc bệnh tim, một công nghệ mới đã chứng minh có thể giúp duy trì sự sống cho bệnh nhân tới khi họ nhận được nội tạng cấy ghép. Và Stan Larkin, 25 tuổi là một minh chứng sống về tác dụng của công nghệ đáng kinh ngạc này.

Larkin vừa trải qua phẫu thuật cấy ghép tim sau khi sống nhờ vào một quả tim nhân tạo hoàn toàn, nằm ngoài cơ thể suốt 17 tháng liên tục.

Thời niên thiếu, Larkin và anh trai của mình được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim di truyền, một chứng bệnh sẽ dần dần gây suy tim. Tháng 12/2014, trái tim đau yếu của Larkin bị cắt bỏ và cậu trở thành bệnh nhân đầu tiên ở bang Michigan, Mỹ được gắn thiết bị SynCardia Freedom Portable Driver (SFPD), một cỗ máy nặng 6,1kg, sử dụng khí nén để thực hiện nhiệm vụ bơm máu khắp cơ thể của trái tim.

Máy SFPD được thiết kế để sử dụng trong trường hợp suy tim hoàn toàn, khi mà các thiết bị trợ tim khác không thể giúp gì cho bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ luôn phải mang theo hệ thống tim nhân tạo này bên mình, trong một chiếc ba lô. Anh trai của Larkin cũng từng phải sống dựa vào máy thay thế tim bên ngoài cơ thể, nhưng đã được cấy ghép tim trước em trai, vào năm 2015.

Jonathan Haft, giáo sư phẫu thuật tim và là bác sĩ đã thực hiện cả 2 ca cấy ghép cho anh em Larkin kể: "Họ đều rất, rất yếu khi chúng tôi gặp họ lần đầu tiên trong phòng chăm sóc bệnh nhân nặng. Chúng tôi muốn cấy ghép tim cho họ nhưng không nghĩ là mình còn đủ thời gian. Trong tình huống sinh tử độc nhất vô nhị của họ, các công nghệ khác (ngoài SFPD) sẽ không phát huy tác dụng".

Larkin cuối cùng cũng được cấy ghép tim vào tháng 5 vừa qua. Tại một cuộc họp báo mới đây, anh vui vẻ bày tỏ: "Đây quả là sự thăng trầm về cảm xúc. Tôi đã được cấy ghép tim cách đây 2 tuần và tôi cảm thấy mình có thể đi chạy bộ trong khi chúng ta trò chuyện".

Tuấn Anh (Theo CNET)