Khi về nhà với con thì các bà mẹ kiệt sức, mệt mỏi, nhăn nhó, bầy hầy như một miếng xơ mướp rách. Trong khi lẽ ra con phải là người quan trọng nhất để hưởng thụ mẹ...

Ngày xưa tôi rất vất vả tìm chỗ gửi con để đi làm những việc gì đó đột xuất ngoài giờ. Mỗi mùa con nghỉ tết, nghỉ hè, nghỉ thứ 7, chủ nhật... tôi rất sợ hãi.

Rồi một lần, ngồi đợi dài cổ ở một cơ quan hành chính lúc 10h sáng thứ 7, tôi nhìn lại mình, cũng học đại học, cũng đọc cả đống sách, không ngừng nâng cao hiểu biết bất cứ khi nào có thể... nhưng rồi lúc này, con tôi lại đang ở với bác giúp việc mới học tới lớp ba, không quan tâm gì ngoài những bài cướp giết hiếp nhảm nhí trên những tờ báo lá cải!!!

Hầu hết những tinh hoa, lịch thiệp mình lại phải xài hết ngoài xã hội, cho những người lạ. Khi về nhà với con thì kiệt sức, mệt mỏi, nhăn nhó, bầy hầy như một miếng xơ mướp rách. Trong khi lẽ ra con phải là người quan trọng nhất để hưởng thụ mẹ...

Hồi sinh viên đi làm gia sư, tôi nhìn thấy nhiều nhà, bố mẹ là những doanh nhân giỏi giang và bận rộn, những bí quyết trên thương trường chỉ những đồng nghiệp nhìn thấy và học tập, còn con cái thì lại giao phó cho cô gia sư là tôi, không thể nào sành sỏi, tinh tế bằng họ.

Tôi lại cũng gặp các bà mẹ trẻ, than thở: cả ngày đi làm, tối ngồi học với con, không đi đâu được hết. Tất cả những cuộc tụ tập bạn bè, họp lớp, liên hoan gì gì... đều vắng mặt. Từ khi có con là bỏ toàn bộ những hẹn hò bạn bè, sống nhạt nhẽo và cáu kỉnh.

{keywords}

Ảnh minh họa.

Thế là từ đó tôi thay đổi. Chỉ trừ những giờ con đi học ở trường, còn lại các mùa hè, mùa tết, các thứ 7, ngoài giờ... là 3 mẹ con trên từng cây số cùng nhau. Đi chợ, đi siêu thị, hầu như tôi đều mang con đi theo, con tôi được ý kiến thoải mái về những món đồ dùng gia đình mẹ định mua. Đi mua quần áo cho mình, tôi cũng hay kéo con đi. Bé được nhìn thấy mẹ lựa đồ, được nhận xét cái gì đẹp, cái gì không đẹp, chất liệu cotton này rất mát, váy này đẹp nhưng vải lót bằng dù này quá nóng, màu này quá chói, cái cổ này quá trễ...

Tôi đưa con đi tới các cơ quan, công ty, xí nghiệp... Khi tôi làm giấy tờ nhà đất, con nhìn thấy mẹ cặm cụi đọc các hướng dẫn rồi kiên nhẫn ngồi đợi tới lượt mình. Tới ngân hàng, hồi đầu con còn trầm trồ: "Trong cái máy ATM này có ai tốt thế, cứ bấm mấy cái là cho mình tiền!". Sau nhiều lần, con đã nhìn thấy tiền của mẹ làm ra không chỉ là những tờ tiền trong ví, con được thấy tiền vận hành trong các máy tính, qua những tờ lệnh thu, lệnh chi.

Tới những nơi có dịch vụ tốt, tôi thường cho bé làm quen với việc nêu yêu cầu. Ví dụ con tự gọi đồ uống đi, con rớt muỗng à, con xin muỗng mới đi. Con muốn đi vệ sinh à, con hỏi nhân viên xem nhà vệ sinh ở đâu?...

Con tôi trên mọi nẻo đường đi chơi cùng với mẹ. Có nghĩa là tôi sẽ tự lược bỏ đi những cuộc tụ tập 18+, nhậu nhẹt, say xỉn chẳng hạn. Con tôi biết mặt tất cả mọi bạn bè của mẹ. Con được thử rất nhiều loại đồ ăn khác với ở nhà. Con được tập cách cư xử bên bàn tiệc, tập giao tế ở đám đông, tập cả với việc xung quanh đầy ắp người lạ. Con phải được thấy mẹ, má hồng, môi đỏ, váy áo thẳng thớm, lưng đứng thẳng trên đôi giầy cao gót, mỉm cười nhã nhặn, ngay cả khi khách hàng khó tính, đối tác bực bội: "Không, không và không!". Tôi muốn con phải nhìn thấy mẹ đang lao động.

Thậm chí, có những buổi tôi đi học, con tôi phải ngồi trong phòng, hay ngoài cửa lớp, đợi mẹ cả buổi, mang theo sách truyện, màu vẽ, giấy bút, đồ chơi để không được ồn ào, gây tiếng động. Với một đứa bé 5,7 tuổi thì điều này rất khó, nhưng tập được thì cũng tốt, và nhất là tốt hơn phải ở nhà ngồi xem tivi nhiều!

Tôi thèm những hình ảnh các bà mẹ miền núi, địu con trên lưng đi làm, những bà mẹ phương Tây, ba lô trên vai, đi du lịch tận sang Châu Á, với đứa con mới vài tháng tuổi trong xe đẩy. Tôi ngưỡng mộ nữ nghị sĩ Italia, cô Licia Ronzulli đã luôn mang theo con gái từ hồi mới 1 tháng tuổi tới tham dự những cuộc họp Quốc hội Nghị viện Châu Âu. Vậy thì sao lại không mang theo con khi đi làm việc?

Nhiều nơi nuôi con rất khác với xã hội của chúng ta. Chúng ta lo lắng ngoài đường nhiều bụi bẩn, ăn ngủ không đúng giờ... nhưng theo tôi, ngoài đường không nhiều khí độc hại nguy hiểm bằng ở nhà. Và nếu con có ăn uống không đúng giờ giấc, thực đơn không quen thuộc trong vài bữa thì cái nhận được về hiểu biết cảm nhận cuộc sống của bé đáng giá hơn nhiều lần.

Tác giả bài viết:

{keywords}

Chị Thu Hà hiện đang sống cùng hai cô con gái nhỏ tại TP Hồ Chí Minh. Luôn nhận mình là một bà mẹ từng mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, hành trình lớn lên cùng các con của chị chạm tới trái tim của các ông bố bà mẹ khác bởi sự chân thành với những “triết lý” như được rút ra từ tim của bà mẹ đơn thân này.

(Theo Trí thức trẻ)