Không chịu được cảnh “chướng tai gai mắt” khi ngày ngày ra vào phải đụng mặt với người mẹ già yếu, cô con dâu đã quyết định cho mẹ chồng ra ở riêng.

Bà Lê Thị Hòa 78 tuổi ở Hải Phòng có 5 người con, 4 trai 1 gái. Chồng và một con trai đã hy sinh trong chiến trường, 4 người con còn lại cũng đã lập gia đình. Mỗi người làm ở một ngành nghề khác nhau nhưng đều ổn định trong các cơ quan nhà nước. Bà Hòa ở cùng anh con trai út. Hàng tháng cứ đến ngày nghỉ là con cái ở xa lại về quây quần bên mẹ rất đông vui và êm ấm.

Cuộc sống gia đình chỉ bị xáo trộn khi anh Hiệp con út của bà lấy vợ. Bà và con dâu không hợp nhau.

Chị Bình xuất thân trong một gia đình giàu có, lại là con một nên khá thoải mái trong cách sinh hoạt cũng như chi tiêu còn bà Hòa vốn là người lao động lam lũ, tằn tiện từ bé nên không tránh khỏi những xích mích trong gia đình. Bởi vậy, từ việc ăn uống, đi lại hay nói năng của mẹ chồng chị Bình đều lấy làm khó chịu lắm. Chị Bình nấu được cơm hôm nào là y như rằng hôm đó cơm khô khốc và cố ý nấu toàn món bà không ăn được. Mua đồ gì về ăn chị cũng phớt lờ bà mà mang thẳng lên phòng ăn một mình rồi luôn miệng kể lể chuyện nhà đẻ chị đã xin việc cho anh Hiệp như thế nào, “nếu không có bố mẹ con bỏ tiền xin việc cho anh ấy thì chắc giờ này chả nên cơ nghiệp đâu?”.

{keywords}
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Cho đến một lần, trong người thấy mệt, bà không kịp dọn dẹp hay nấu cơm mà lên giường nằm thiếp đi. Chị Bình đi dạy về, thấy nhà cửa mở toang hoang, bếp núc lạnh ngắt, cơm canh chưa có thì lấy làm bực tức lắm. Mặt hoằm hoằm, chị vứt chiếc cặp uỳnh một cái xuống bàn rồi nói mấy câu đủ để bà nằm ở phòng trong nghe thấy “Cả ngày có bữa cơm không xong. Mà nhà cửa toang hoang thế này trộm nó vào nó khuân hết thì sao? Người ta ở với mẹ chồng sung sướng còn cái thân này chịu khổ suốt thôi. Không biết đến bao giờ mới hết cảnh này đây? Cứ như người ta ở riêng ra lại sướng. Đằng này đang yên đang lành ôm cái nợ vào thân”.

Rồi nhân lúc chồng chưa về, Bình bảo bà Hòa ra ngoài cho cô “thưa chuyện”, sau đó Bình bắt đầu đề xuất “cho bà ra ở riêng, để bà tự do muốn làm gì thì làm, muốn đi đâu thì đi…”.

Bà lặng người trước lời lẽ của con dâu. Bà nghĩ mãi cũng không hiểu mình đã làm gì mà chúng lại muốn cho bà ra ở riêng. Rồi bà nghĩ lại những lần hàng xóm láng giềng kể cho bà nghe những lời lẽ khiếm nhã của con dâu. Họ còn bóng gió bảo con dâu út muốn đuổi bà đi cho rảnh nhưng bà cũng chỉ gạt bỏ ngoài tai. Không ngờ, đến ngày hôm nay bà mới vỡ lẽ.

Bà nằm liệt giường hàng tuần trời. Bình không chăm sóc bà cũng chẳng để ý đến sức khỏe của bà. Mọi việc toàn con trai và các cháu nâng giấc cho bà.

Thế rồi, sau 1 tuần bà gọi các con về tụ họp và nói “Mẹ năm nay đã 78 tuổi gần đất xa trời rồi, cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Tưởng là sống ngày nào thì được vui cùng con cháu nhưng mẹ sống lại là cái nợ của các con. Bình hôm nọ hỏi mẹ có muốn ra ở riêng không? Mẹ nghĩ, bố các con hy sinh nơi chiến trường đã bao nhiêu năm, mẹ một mình nuôi các con khôn lớn, trưởng thành, cuộc sống ổn định rồi. Chả nhẽ mẹ không nuôi nổi mình hay sao? Mẹ chỉ nghĩ các con lập nghiệp ở xa hết nên mẹ ở cùng vợ chồng thằng út để giúp đỡ vợ chồng nó. Nhưng…. Giờ mẹ sẽ xây nhà ra ở riêng. Số tiền mẹ dành dụm và lương liệt sỹ của bố và anh các con cũng đủ để mẹ trang trải. Còn nếu mẹ không tự chăm sóc được cho mình thì mẹ sẽ thuê người nuôi dưỡng, dọn dẹp cho mẹ hàng ngày. Các con không phải lo cho mẹ nữa…”

Sau đó, mặc dù con cái hết lời can ngăn, đón bà về phụng dưỡng nhưng bà đều từ chối hết. Còn Bình, cô nhất quyết không chịu xin lỗi bà. Hai mẹ con lặng lẽ như những chiếc bóng, vào ra không hỏi nhau. Con cái hòa giải không được đành chiều ý xây cho bà ngôi nhà kế bên để bà thoải mái tâm lý sống nốt quãng đời còn lại và nay mai nhà đó sẽ làm nhà thờ hương hỏa dòng họ cũng là nơi con cháu tụ họp. Một mảnh đất, hai ngôi nhà!

Minh Anh