Mô hình Thắp sáng đường quê được các địa phương, đơn vị triển khai đã giúp người dân nông thôn đi lại thuận lợi hơn, góp phần giảm tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

Thắp sáng những đường quê

Thực hiện xây dựng nông thôn mới, thời gian qua xã Ngọc Thuận, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo, trong đó, nổi bật là mô hình “Thắp sáng đường quê” được đông đảo bà con đồng tình, hưởng ứng. Nếu trước đây, bà con có việc về khuya luôn nơm nớp lo lắng bởi phải lưu thông trên những tuyến đường tối tăm, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thì nay hệ thống đèn chiếu sáng đã được thắp dọc suốt các tuyến đường.

Bắt đầu từ năm 2015, xã Ngọc Thuận chọn làm thí điểm ở 3 ấp Ngọc Vinh, Vinh Thuận, Vinh Bắc và vận động 275 hộ dân tham gia mô hình. Sau một thời gian đạt kết quả tốt đến nay, Ngọc Thuận đã hoàn thành được 5.500/4.224m; tổng số trụ điện được lắp đặt 270 trụ (bình quân mỗi trụ 460.000 đồng), kinh phí trên 124 triệu đồng. Số tiền điện hàng tháng chia đều cho các hộ có bóng đèn trước nhà, bình quân mỗi hộ đóng góp khoảng 10.000 đồng/tháng.

Tại Quảng Bình, mô hình Thắp sáng đường quê được triển khai ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch từ năm 2011. Đoàn Thanh niên với vai trò nòng cốt, vừa hỗ trợ một phần kinh phí, vừa trực tiếp tiến hành lắp đặt, đồng thời kêu gọi nguồn tài trợ từ các đơn vị kinh doanh, cá nhân, tổ chức trên địa bàn, vận động bà con cùng chung tay góp sức mang ánh sáng về nẻo đường quê.

Theo đó, trung bình mỗi hộ gia đình đóng góp 100.000 - 150.000 đồng; những gia đình neo đơn, thuộc diện nghèo khó được miễn hoặc giảm 50% chi phí. Hàng tháng, mỗi hộ gia đình tự nguyện đóng thêm từ 4.000- 5.000 đồng để thắp điện, hoặc sửa chữa đèn khi hư hỏng. Để thuận tiện trong việc quản lý, sau khi các công trình được hoàn thành, các thôn, xóm, bản đã thành lập tổ tự quản.

{keywords} 

Từ chương trình đầu tiên được triển khai ở Đại Trạch, thanh niên Quảng Bình đã nhân lên hàng trăm công trình Thắp sáng đường quê với hàng nghìn km đường làng được chiếu sáng. Sau 6 năm triển khai, sức lan tỏa chương trình ngày càng mạnh mẽ hơn, nhiều tổ chức, đoàn viên, thanh niên, đông đảo bà con nhân dân đóng góp ngày công, tiền bạc cùng nhau tạo dựng nên 218 km với tổng nguồn vốn 2.8 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tuổi trẻ toàn tỉnh Quảng Bình đã thắp sáng 69 tuyến đường với tổng trị giá 1.27 tỷ đồng.

Thay đổi diện mạo nông thôn

Mô hình Thắp sáng đường quê đang được triển khai trên nhiều địa phương khắp cả nước, đem lại những hiệu quả thiết thực, góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê.

Tại Ninh Bình, sau hơn 4 năm thực hiện chương trình Thắp sáng đường quê do Tỉnh đoàn Ninh Bình phát động, đã có gần 360 km đường điện được lắp đặt với tổng giá trị hơn 3,7 tỉ đồng.

Chương trình Thắp sáng đường quê được Tỉnh đoàn Bắc Ninh triển khai từ tháng 11/2012. Đến nay tuổi trẻ toàn tỉnh đã khánh thành và bàn giao cho các địa phương hơn 313km đường điện chiếu sáng, tổng kinh phí gần 4,3 tỷ đồng.

Tại Tuyên Quang, sau 4 năm triển khai đã có 112 công trình Thắp sáng đường quê, tổng chiều dài 195 km với tổng trị giá 950 triệu đồng.

Mô hình Thắp sáng đường quê được triển khai được đông đảo người dân ủng hộ. Nhờ những con đường sáng đèn, đời sống sinh hoạt, sản xuất, giao thương hàng hóa của người dân thuận lợi hơn, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt, góp phần giảm tình trạng gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản.

{keywords} 

Một người dân ở chia sẻ: “Trước đây đường làng tối mịt. Từ khi có điện, địa phương ngày được thay da, đổi thịt, không còn cái cảnh phải chứng kiến sự đau lòng do tai nạn giao thông gây ra hay những ngày vào vụ với những chuyến xe chở lúa về nhà gập ghềnh trong bóng đêm. Mô hình này cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự của thôn, xã…”

Nhờ mô hình Thắp sáng đường quê, những con đường làng rực rỡ ánh đèn đã đem lại diện mạo mới cho nhiều làng quê Việt Nam, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại.

M.M - Lan Hương (tổng hợp)