Cái tên “Black Friday” bắt nguồn từ thuật ngữ “in the black” chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn thuận lợi chứ không phải “thứ sáu đen tối” mang nghĩa tiêu cực như nhiều người vẫn nghĩ.

Nguồn gốc của Black Friday

Black Friday (dịch mặt chữ sang tiếng Việt là ngày thứ sáu đen) là ngày thứ sáu ngay sau Lễ Tạ Ơn (Lễ Tạ Ơn rơi vào thứ năm thứ tư của tháng 11) và được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm tấp nập nhất ở Mỹ.

Ngày này được cho là bắt nguồn từ tình trạng kẹt xe xảy ra vào ngày thứ sáu sau Lễ Tạ Ơn năm 1965 ở Philadelphia, khi hàng trăm ngàn người Mỹ chen chúc nhau, đen kịt các con phố, vỉa hè đi mua sắm để sửa soạn cho Lễ Noel sắp đến.

Ngay lập tức, giới kinh doanh Mỹ nhận ra cơ hội làm ăn nên cho quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đồng loạt khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.

{keywords}

Người dân Mỹ coi Black Friday là ngày vàng mua sắm.

Trong tiếng Anh có hai thuật ngữ chỉ tình trạng của doanh nghiệp là “in the black” (làm ăn có lãi) và “in the red” (kinh doanh thua lỗ, buôn bán thất bát). Trước đây, để phân biệt hai tình trạng đối nghịch này của doanh nghiệp và tiện theo dõi sổ sách, kế toán thường dùng mực đen để ghi lợi nhuận và mực đỏ để ghi số lỗ.

Từ đó, người ta đặt tên ngày mua sắm lớn nhất trong năm là Black Friday, ngụ ý rằng đây là ngày ăn nên làm ra của các doanh nghiệp. Còn với người dân Mỹ thì đây được coi là “ngày vàng mua sắm”.

Tuy nhiên, theo một số ghi chép ban đầu, Black Friday không mang ý nghĩa “ngày vàng mua sắm” như hiện nay mà nó ám chỉ cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ, cụ thể là sự sụp đổ của thị trường vàng Mỹ vào ngày 24 tháng 9 năm 1869. 

Vào thời điểm đó, hai nhà đầu cơ lớn của phố Wall là Jay Gould và Jim Fisk đã bắt tay với nhau cùng “găm” vàng với tham vọng sẽ đẩy giá vàng lên cao sau đó bán ra để lấy lợi nhuận. Vào ngày thứ sáu trong tháng 9, âm mưu của họ bị bại lộ khiến thị trường chứng khoán rơi tự do, hàng loạt nhà đầu tư phá sản từ các ông trùm cho đến nông dân.

Của rẻ nhưng không “ôi”

Để kích cầu mua sắm, các nhà bán lẻ không ngại giảm giá từ 10 - 30%, hay thậm chí 60% để bán được nhiều hàng hóa.

Một số cửa hàng còn đưa ra chiêu thức giảm sâu (giảm đến 80-90%) cho một số khách hàng đến sớm. Vào ngày này họ thường mở cửa từ 4-5 giờ sáng, thậm chí sớm hơn.

Và một điều đáng chú ý trong ngày này là hàng giảm giá nhưng vẫn đảm bảo về chất lượng. Bởi rất nhiều nhãn hàng tên tuổi cũng tham gia chương trình giảm giá, và đương nhiên họ sẽ không dám đánh đổi tên tuổi thương hiệu chỉ để lấy một vài đồng lời trước mắt. 

Nên với người Mỹ, họ có thể yên tâm đến 95% về chất lượng của các sản phẩm mua trong ngày Black Friday dù món hàng đó chỉ được bán với giá 1/10 so với ngày thường.

{keywords}

Ngoài Black Friday, người tiêu dùng còn có cơ hội mua đồ giá rẻ trong sự kiện mua sắm trực tuyến Online Friday.

Kéo dài ngày Black Friday

“Thứ sáu đen” năm nay sẽ rơi vào ngày 25/11. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu mua sắm trong ngày Black Friday ngày càng tăng và tình trạng chưa kịp phục vụ hết khách hàng đã hết “ngày vàng mua sắm”, nhiều nhà bán lẻ đã quyết định kéo dài Black Friday lên cả tuần, thậm chí là vài tuần chứ không còn là 1 ngày như trước nữa.

Năm nay, “gã khổng lồ” bán lẻ trực tuyến Amazon bắt đầu bán các sản phẩm giảm giá của Black Friday hàng ngày bắt đầu từ ngày 14/11 kéo dài đến 25/11. Ngay sau đó, các nhà bác lẻ khác như eBay, Morrisons, Argos, Boots, Tesco…cũng nhảy vào cuộc, tung ra sản phẩm giảm giá mỗi ngày.

Black Friday ở Việt Nam có gì?

Ở Việt Nam, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu có những chương trình khuyến mãi nhân ngày Black Friday. Tuy nhiên, những chương trình giảm giá này chủ yếu là do các doanh nghiệp riêng lẻ tổ chức chứ không mang tính toàn quốc như ở Mỹ.

Tuy nhiên, sau ngày Black Friday, người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn cơ hội mua sắm giá rẻ với sự kiện Online Friday trong ngày 2/12. Đây là sự kiện mua sắm trực tuyến thường niên do Cục Thương mại điện tử và CNTT của Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và một số đơn vị khác tổ chức. Năm nay là năm thứ ba sự kiện này được tổ chức.

Kim Minh (Theo History, Telegraph)


Save