- Tiêu đề này đặt theo theo một bài giảng đang sốt trên Youtube trong giới giáo dục đại học thế giới "Công lý: Việc đúng nên làm" (Justice: What's The Right Thing To Do?). Để bàn về môt câu chuyện đang sốt trong giáo dục Việt Nam, cũng từ trang chia sẻ thông tin Youtube - các clip phanh phui tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp 2012.

Học sinh lớp 12 sau giờ thi tốt nghiệp THPT năm học 2011 - 2012. Ảnh: Phạm Hải

Sát hạch nói và viết

Ngay trong tháng 7 tới, Trường Kinh doanh Harvard sẽ thử nghiệm cách thức tuyển sinh mới.

Thay vì 4 bài luận 2,000 chữ, các ứng viên MBA sẽ chỉ phải nộp 2 bài, mỗi bài 400 chữ. Câu hỏi được đơn giản hóa đến mức tối đa, đảm bảo tính minh bạch trong khi vẫn giữ được độ “mở” cần thiết cho thí sinh tự do thể hiện trình độ bản thân (1.Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn cho rằng mình đã làm tốt và 2. Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn ước rằng mình đã làm tốt hơn). Những thí sinh vượt qua vòng sơ loại sẽ được mời tham gia vòng phỏng vấn, tiếp tục hoàn thành một bài luận 400 chữ trong 24 giờ.

Một đại diện của trường cho biết, quy trình tuyển sinh trước đây quá chú trọng vào khâu viết luận; kể từ năm 2004, vòng thi phỏng vấn đã giúp trường có cái nhìn toàn diện hơn về mỗi thí sinh.

Đầu tháng 6, hơn 1 triệu thí sinh Việt Nam đã dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một thực tế tréo nghoe diễn ra ngay lập tức: Nhận định kỳ thi "an toàn, nghiêm túc" vừa ngớt hôm trước thì hôm sau, sự gian lận trong thi cử đã được phát giác qua các clip ở hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) với các hình ảnh giám thị vô tư ném 'phao' cho thí sinh.

Cũng trong tháng 6, các đại biểu lại tập hợp với nhau ở diễn đàn Quốc hội, mổ xẻ hàng loạt chuyện nóng bỏng quốc kế dân sinh. Trả lời chất vấn ở Quốc hội cũng là những cuộc sát hạch của các "thí sinh" quan chức, mà ở đó, kỹ năng nói và viết cũng để "thí sinh tự do thể hiện trình độ bản thân".

Chưa tới phiên chất vấn ở nghị trường nhưng mức độ nóng của vụ việc Bắc Giang đã buộc các phóng viên tìm tới những người có trách nhiệm bên hành lang.

Theo phản ánh của báo Pháp luật TP.HCM, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã tỏ ra không mặn mà khi được hỏi về vụ việc này. Ông cho rằng dư luận đã vội vàng khi công bố thông tin, hỏi lại: “thông điệp rõ ràng để làm gì”, thậm chí “cứ để dư luận nói!”,v.v...

Tuy nhiên, khá tôn trọng Bộ trưởng và nguyên tắc phỏng vấn, ngày hôm sau, các báo đều thông tin về quan điểm của ông theo một văn bản đã được trau chuốt ý tứ hơn. Ở "bài luận" chưa đến 400 chữ này, không còn những phản ứng "nói không", nhưng theo quan sát của báo Pháp luật TP.HCM thì "vẫn chưa có thể tán đồng".

Một số người làm Bộ trưởng ở Việt Nam đã tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard. Nhưng Bộ trưởng Luận thì đã có bằng tiến sĩ kinh tế  và không phải thí sinh. Ông là một nhà lãnh đạo mà bài sát hạch quan trọng là các quyết  sách và có các hành động kịp thời, đúng đắn.

Có thể với bài luận nói và viết được "ra đột ngột", Bộ trưởng chưa kịp nhận được sự tán đồng của "hội đồng tuyển sinh xã hội". Nhưng thời cơ vẫn còn để cho ông thực hiện tốt nghiệp kỳ thi làm Bộ trưởng mà bài là các hành động để chứng minh với nhân dân: "Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn cho rằng mình đã làm tốt” thậm chí “Hãy cho chúng tôi biết một việc bạn ước rằng mình đã làm tốt hơn".

Phụ huynh đưa con đi thi. Ảnh: Phạm Hải

Khai sáng và lộ sáng

Cũng trong thời gian này, giới đại học Việt đang xôn xao với các những bài giảng trực tuyến về công lý và đạo đức - loạt bài giảng kinh điển được nhiều người xem nhất ở mục giáo dục trên trang Youtube của giáo sư Michael Sandle ở ĐH Harvard
Loạt bài này từng được dịch ra sách tiếng Việt cuối năm 2011 với tên "Phải, trái, đúng, sai" (trong một dự án khai mở kiến thức tiến bộ của nhân loại của nhóm GS Ngô Bảo Châu và cộng sự) nhưng mãi tới khi được nhóm tình nguyện HTT ở Trường ĐH Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội) chuyển ngữ sang tiếng Việt trên nền clip nguyên bản thì giáo giới đại học mới thực sự quan tâm rộng rãi.

Trong loạt bài giảng đầy hấp dẫn giữa giảng đường đông đảo người nghe, GS Sandle đã phân tích, phản biện các quan điểm triết lý về đạo đức của nhiều nhà triết học nổi tiếng. Sandle không trả lời thẳng các câu hỏi mà ông đã đưa ra, nhưng điều rút ra được đó là: Công lý của tất cả những điều đúng nên làm, đó là hành động có trách nhiệm theo đúng quy luật tối thượng của đạo đức. Đó là phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dẫu là hàng triệu người hay chỉ một người.

Giới quan sát nhận định, với các khóa học trực tuyến, sóng thần đang đổ bộ giáo dục đại học, tháp ngà (một thuật ngữ chỉ các trường đại học hàng đầu ở Mỹ),thậm chí sẽ sụp đổ khi “cơn sóng thần này” đang nhăm nhe tìm đường tiến thẳng vào các lớp học. Ở đây, công nghệ đã hỗ trợ đắc lực trong tiến trình khai sáng trí tuệ loài người, đặc biệt là mang những tinh hoa trí tuệ nhân loại tới những con người ham học, học giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn.

Ở Đồi Ngô của Việt Nam, công nghệ cũng đã tỏ ra hữu dụng. Cậu học sinh nông thôn ở tận huyện miền núi Lục Nam đã dung “công nghệ bút quay” để làm lộ sáng một phần nhỏ giả dối của giáo dục: những tiêu cực bấy lâu trong thi tốt nghiệp.

Trong cơn khủng hoảng toàn cầu, thế giới vẫn bàn về tương lai của giáo dục. Diễn đạt theo thuật ngữ của công nghệ thông tin, thì tương lai của giáo dục là 3.0, tương ứng với xã hội 3.0 (những xã hội sáng tạo, thay đổi gia tốc, xã hội của các mối quan hệ toàn cầu và xã hội được tạo dựng bởi những con người lao động sáng tạo, giàu trí tưởng tượng, có năng lực phát minh, sáng chế có thể làm việc bất kì đâu, bất kì lúc nào và với bất kì ai).

Trong dòng chảy tương lai đó, giáo dục Việt Nam đang ở thời 1.0 và rục rịch tiếp cận với 2.0 (giáo dục 1.0 gắn với xã hội tiền công nghiệp, công nghiệp và xã hội thông tin mà ở đó giáo dục chỉ đào tạo để người học có được các kĩ năng thực hiện tốt công việc của mình).

Hình ảnh quen thuộc trên các trang mạng sau ngày thi tốt nghiệp: Cảnh trao đổi bài thoải mái tại hội đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang). Ảnh chụp từ clip
Để không còn những Đồi Ngô và Lê Văn Luyện

Với vụ việc ở Đồi Ngô (Bắc Giang), ngành giáo dục và tỉnh Bắc Giang đang thận trọng cân nhắc về "công lý, việc đúng nên làm".

Khi vụ việc ở Đồi Ngô đưa lên, có lẽ chỉ có lãnh đạo mới "giật mình" hoặc "để cho dư luận nói", chứ với đông đảo người dân (qua hàng nghìn phản hồi về vụ việc), chuyện ở Đồi Ngô cũng quen quen đâu đó như ở Gò Sắn, Nương Khoai...phổ biến khắp Việt Nam.

“Việc đúng nên làm” sau sự kiện Đồi Ngô không chỉ là xử lý một hội đồng, xử lý gần 30 giám thị hay các thành phần liên quan rồi “rút kinh nghiệm toàn ngành” bằng việc đóng cửa bảo nhau chớ để phát lộ  thêm những Đồi Ngô.

Chỉ trong vòng một năm, huyện miền núi Lục Nam (Bắc Giang) đã xảy ra 2 vụ việc rúng động xã hội là tiêu cực thi cử ở  Đồi Ngô và vụ giết người ghê rợn của sát thủ chưa đủ tuổi 18 Lê Văn Luyện - nạn nhân và thủ phạm đều là những người trẻ.

Làm gì để giáo dục không còn những Đồi Ngô và thế hệ trẻ Việt Nam không còn những bóng hình Lê Văn Luyện?
"Công lý, việc đúng nên làm" chắc chắn sẽ không phải là sự bịt sáng về kiến thức, luật pháp, để những người lợi thế về quyền lực tiếp tục có cơ hội làm giàu trên sự u minh của dân nghèo vốn "nhân chi sơ tính bản thiện”.

Hướng tới tiến bộ và những giá trị nhân bản, vì sự tiến bộ của con người là xu thế không thể đi ngược của thế giới và là đòi hỏi của một nền giáo dục tiến bộ.

Liệu chúng ta có bứt phá để tiến đến một nền giáo dục sáng tạo của thế hệ 2.0. và 3.0 hay, dù đã thấy tương lai, vẫn không thể thoát ra khỏi những khó khăn của hoàn cảnh hiện thời?

Có một câu nói nổi tiếng rằng: "Không có gì là không thể". Còn TS. Michael Jackson, một nhà tương lai học nổi tiếng của Anh cho rằng, thay đổi chỉ có thể diễn ra khi có một ước muốn điên rồ vì nó.

Vấn đề là Bộ trưởng và các cộng sự làm quản lý giáo dục của ông, những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ Việt Nam, có ước muốn đó  hay không?

  • Hạ Anh