- Thomas J.Vallely, nhà sáng lập chương trình Việt Nam tại ĐH Harvard, Chủ tịch quỹ tín thác Đổi mới ĐH Việt Nam trở thành người nước ngoài đầu tiên nhận giải Vì sự nghiệp Văn Hóa và Giáo dục, giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ 7 (vừa được trao tối 24/3).

Ông Thomas J.Vallely được vinh danh ở vì những đóng góp quan trọng cho nền Giáo dục đại học Việt Nam.

Là gương mặt quen thuộc với những quan điểm mạnh mẽ vể cải tổ giáo dục, một lần nữa, Thomas J.Vallely đã có những chia sẻ về giáo dục đại học Việt Nam.

Thomas khẳng định, Giáo dục là mệnh lệnh kinh tế và chính trị ở Việt Nam.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Bình trao giải Vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục cho ông Thomas J Vallely vì những đóng góp quan trọng cho nền Giáo dục đại học Việt Nam.

Ở “mệnh lệnh kinh tế” giáo dục là một động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế và giúp giải thích tại sao các nền kinh tế này duy trì được tốc độ tăng trưởng cao khi hầu hết các nước đang phát triển tăng trưởng chậm lại. Tất nhiên, giáo dục còn quan trọng vì nhiều lý do khác. Một công dân được giáo dục tốt sẽ là nguồn tạo ra sự thay đổi tích cực và ổn định.

Cải cách giáo dục là một thách thức lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Nếu không cải cách nhanh chóng và cơ bản hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, thì nguy cơ Việt Nam sẽ không phát huy được tiềm năng to lớn của mình.

Theo ông Thomas, chuyển đổi kinh tế Việt Nam từ 1985 đến nay là một sự ngoạn mục, đây là một thành tựu không thể xem nhẹ. Mặc dù các nhà hoạch định Việt Nam đã thừa nhận, nông nghiệp và công nghiệp nhẹ đã giúp Việt Nam thoát ra khỏi hàng ngũ của các nước nghèo nhất, nhưng Việt Nam không thể dựa vào các hoạt động kinh tế này để nâng cao thu nhập cho người dân trong tương lai. Vì vậy, giáo dục ở tất cả các cấp, đặc biệt là giáo dục đại học là chìa khóa để giải phóng nguồn lực mới cho tăng trưởng và thịnh vượng.

Ở “mệnh lệnh chính trị”, giáo dục là khát vọng của con người Việt Nam. Ngay tại đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng thể hiện điều này.

“Ai cũng nghĩ rằng, điều người nông dân muốn ở đây là nhiều đất canh tác, đầu vào tốt hơn, tín dụng nhiều hơn, và sản xuất lớn hơn. Nhưng tôi đã nhầm. Những gì nông dân ở ĐBSCL muốn là một nền giáo dục tốt hơn để con em họ thoát khỏi thân phận của người trồng lúa” – một người bạn của tôi đã nói như vậy- ông Thomas nói.

Theo ông Thomas J. Vallely, cải cách giáo dục vẫn phải là một ưu tiên tối cao, không phải đây  là điều các nhà đầu tư nước ngoài muốn mà bởi vì đó chính là điều mà người dân Việt Nam đòi hỏi.

Rõ ràng, khả năng cải cách giáo dục của Chính phủ nhằm cải thiện cơ hội giáo dục cho người dân sẽ quyết định đáng kể cách thức người dân cảm nhận về Chính phủ của mình.

Ngoài ra, giáo dục còn là một mệnh lệnh chính trị ở một khía cạnh khác. Ngay ở thời đại của mình, cụ Phan Châu Trinh đã thấm nhuần rằng giáo dục là cội nguồn sức mạnh của phương Tây và sự lạc hậu về giáo dục là một điểm yếu chết người của Việt Nam.

{keywords}

Ông Thomas J Valeely

Mặc dù hiện nay, trật tự quốc tế đã thay đổi so với đầu thế kỉ XX, nhưng đối với Việt Nam mối liên hệ giữa giáo dục và chủ quyền quốc gia cũng thực chất và có tầm quan trọng sống còn chẳng khác gì so với trước đây một thế kỉ.

“Nếu Việt Nam muốn duy trì nền độc lập trải qua biết bao gian khó mới đòi được thì Việt Nam phải xây dựng một hệ thống giáo dục có thể đóng góp cho sự tiến bộ kinh tế và xã hội.  Bởi, nếu Việt Nam không có một nền kinh tế năng động với giá trị gia tăng cao - điều này chỉ có thể đạt được nhờ cải cách giáo dục,Việt Nam có nguy cơ phải chịu đựng những mỗi quan hệ kinh tế và chính trị bất bình đẳng với các nước lớn, trong đó có Trung Quốc.

Tôi không hề muốn nói rằng Việt Nam có nguy cơ trở lại tình trạng thuộc địa trước đây như thời Phan Châu Trinh. Tuy nhiên, tại thời điểm khi có sự lo lắng ngày càng tăng về mỗi quan hệ của Việt Nam với các cường quốc, bao gồm cả Trung Quốc, giáo dục phải được nhận thức như là thành trì của một hệ thống kinh tế xã hội mãnh mẽ và sáng tạo”.

Tối 24.3 tại TPHCM, Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh tổ chức lễ trao giải thưởng lần thứ VII cho những cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực Nghiên cứu, Vì sự nghiệp văn hóa và giáo dục, Dịch thuật và Việt Nam học (chỉ dành cho người nước ngoài).

Ba giải thưởng được trao cho năm cá nhân xuất sắc ở các lĩnh vực:

Giải vì sự nghiệp Văn hóa và Giáo dục được trao cho Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ và nhà thơ Lê Giang vì những đóng góp xuất sắc trong việc sưu tầm và truyền bá Văn hóa dân gian Nam bộ, Ông Thomas J. Vallely vì những đóng góp quan trọng cho nền giáo dục đại học Việt Nam.

Giải dịch thuật được trao cho PGS Ngô Đức Thọ vì những đóng góp xuất sắc trong dịch thuật và truyền bá Văn hóa Hán Nôm; Giải nghiên cứu được trao cho Nhà nghiên cứu sử học Tạ Chí Đại Trường vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ trong nghiên cứu sử học.

Lê Huyền (ghi)