Hội thảo khoa học quốc tế Nghiên cứu và giảng dạy Tiếng Việt và Việt Nam học trong trường đại học diễn ra ngày 12 và 13/12 với sự tham dự của hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế.

Hội thảo do Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) qui tụ các chuyên gia, các nhà khoa học của 23 đại học đến từ 9 quốc gia và vùng lãnh thổ: Lào, Thái Lan, Singapore, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hoa Kỳ và Việt Nam.

  {keywords}

Đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội nghị (Ảnh Thành Long)

Đã có 100 tóm tắt và báo cáo được gửi tới hội thảo, trong đó có 23 báo cáo của các học giả, chuyên gia và giảng viên của các trường đại học lớn như ĐH Harvard, ĐH California State Fullerton (Hoa Kỳ), ĐH Tokyo, ĐH Ngoại ngữ Tokyo, ĐH Châu Á Thái Bình dương (Nhật Bản), ĐHQG Singapore, ĐHQG Australia, các trường ĐH Quảng Châu, ĐH Quảng Tây, ĐH Bắc Kinh, (Trung Quốc), ĐH Chulalongkon, ĐH Mahidol, ĐH Ubon rachathani (Thái Lan), ĐH Tổng hợp Quốc gia Lào…

Hầu hết các tham luận xoay quanh những vấn đề trọng tâm của tiếng Việt và Việt Nam học, nằm trong các nhóm chủ đề lớn như; Thực trạng, phương thức tổ chức, chương trình giảng dạy Tiếng Việt và Việt Nam học; Phương pháp giảng dạy và phương thức đánh giá năng lực tiếng Việt như một ngoại ngữ; Những vấn đề về Việt ngữ học; Nghiên cứu Việt Nam học từ góc độ liên ngành (Văn học, Lịch sử, Văn hóa, xã hội...). Đây là những câu hỏi, bài toán và lời giải bước đầu về quá trình định vị ngành Việt Nam học từ nhiều cơ sở tham chiếu về lý luận và thực tiễn.

Hội thảo không chỉ là nơi gặp gỡ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có cùng mối quan tâm học thuật đối với tiếng Việt và Việt Nam học mà còn là động lực cho việc kết nối các nhà Việt Nam học, thúc đẩy việc quảng bá Tiếng Việt như một mấu chốt của văn hóa Việt Nam trong tiến trình hội nhập toàn diện với thế giới.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết hội thảo này nằm trong sự kỳ vọng của trường về một sự kết nối mới trong một thế giới “phẳng”, nhằm giúp việc giảng dạy tiếng Việt và Việt Nam học ngày càng hiệu quả hơn.

Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, tiền thân là Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đã có truyền thống gần 60 năm giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài. Hàng nghìn người nước ngoài đã học tập về tiếng Việt, văn hóa, văn học, lịch sử Việt Nam… và nhiều người đã trở thành những nhà Việt Nam học nổi tiếng, những nhà ngoại giao kỳ cựu, những phiên dịch viên cao cấp, đặc biệt là, có 15 cựu sinh viên đã trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam.

Ngân Anh