- Những thông tin dồn dập: Nam Định, Hải Dương...và một số địa phương trong cả nước đã rạch ròi tuyển dụng công chức khi 'nói không' với đào tạo tại chức; rồi một số trường ngoài công lập kêu cứu vì năm nay không đủ nguồn thí sinh để tuyển...đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Nhiều độc giả, là người trong cuộc, đã gửi tới VietNamNet những chia sẻ "nhìn lại người, nhìn lại mình" trong câu chuyện nguồn nhân lực đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết trong thời điểm hiện nay. Dưới đây là bài viết của một giảng viên đại học có tiêu đề "Đại học và những hệ lụy độc hại".
Thí sinh dự thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng

Từ thực tế kinh doanh và thương mại hóa giáo dục
...

Từ khi Nhà nước có chủ trương “xã hội hóa giáo dục” nhằm nâng cao mặt bằng dân trí, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời kì mới đã có không ít kẻ núp dưới danh nghĩa trên để tính chuyện kinh doanh, kiếm chác mà bất chấp hậu quả.

Nếu tinh ý mọi người sẽ lý giải được câu hỏi vì sao trong thời gian rất ngắn mà các trường đại học ở nước ta lại mọc lên như “nấm sau mưa”? Câu trả lời rất đơn giản là: lợi nhuận khổng lồ được thu về một cách rất dễ dàng và nhanh chóng! Người ta chỉ việc lập bộ hồ sơ xin cấp phép mở trường, rồi tuyển sinh, rồi thu học phí, thu lợi nhuận (bỏ vào túi riêng của một vài người) mặc cho trường lớp, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học không có, giáo viên dạy học không đủ, tài liệu, sách báo tham khảo phục vụ học tập cho sinh viên cũng không mua…?!

GS Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ trước đây có lần phát biểu vấn đề này trên báo Tuổi Trẻ (ngày 19/12/2008):

“Các trường đều thu học phí cao, thậm chí rất cao, ngoài phần chi cho việc trả công giảng viên lên lớp, phần còn lại chủ yếu thuộc về những người đầu tư mở trường dưới hình thức lợi nhuận…” và có nhiều trường thật ra là “quan lập” chứ không phải “dân lập”.

Nhìn lại xã hội ta từ xa xưa nhất cho đến nay có thể nói, “nghề giáo là một nghề rất thiêng liêng và cao quý”, câu nói này vốn rất quen thuộc với tất cả mọi người nhất là những người đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Thiêng liêng và cao vì trước hết nghề giáo có những người vốn là thầy của mọi người, mọi nghề trong xã hội. Người thầy ấy, thời nào cũng vậy, cũng phải cần có tiền để sống chứ tuyệt nhiên không cần tiền để tính chuyện kinh doanh bằng cấp để làm giàu và bất chấp hậu quả xã hội! Còn gì bất công và bất lương hơn khi có không ít kẻ thật ra chẳng có đóng góp gì cho giáo dục nước nhà nhưng lại là những kẻ được hưởng lợi nhiều nhất?

Đây có thể xem là cái hệ lụy độc hại trước nhất của giáo dục đại học hiện nay ở xứ ta, là “đầu mối” cho những hệ lụy tiếp theo. Một vấn đề mà nếu nhìn ở góc độ văn hóa có thể nói đó là sự xuống cấp và suy đồi về đạo đức xã hội rất đáng báo động.

Có thể nói, để cho một chủ trương đúng đắn bị lợi dụng một cách công khai và trắng trợn như thế này hoàn toàn do sự yếu kém của những người “cai quản” nền giáo dục nếu nhìn ở góc độ quản lý – một sự bất lực, mất kiểm soát hay là thiếu trách nhiệm đối với xã hội?

Đến thực trạng “đầu vào” Thị Nở, “đầu ra” Chí Phèo…

Khi các trường đại học mọc lên như “nấm sau mưa” tất yếu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh để tìm người vào học. Và dĩ nhiên để đảm bảo lợi nhuận trong kinh doanh… giáo dục nên những hiện tượng tiêu cực trong cạnh tranh giữa các trường đại học nhằm “thu gom” học sinh tất yếu sẽ xảy ra.

Nào là “tặng” tiền cho người “môi giới”, rồi hứa hẹn trao học bổng, rồi “vượt rào” hạ điểm “sàn”, …

Đó là chưa kể đến chiêu “liên kết đào tạo” với đủ mọi hình thức: liên thông, cao đẳng, tại chức, từ xa… với yêu cầu chỉ cần tốt nghiệp phổ thông là “ok”!

Tất cả những điều này, có thể nói chính là “tiền đề” làm nên cái gọi “đầu vào”… mang dáng hình… “Thị Nở” ở không ít trường đại học hiện nay.

Khi các trường đại học mọc lên như “nấm sau mưa” tất yếu cũng sẽ dẫn đến sự khủng hoảng về lực lượng giảng viên giảng dạy.

Làm sao để giải quyết vấn đề này cho ổn thỏa đây? Với các trường đại học vừa được “nâng cấp” lên từ các trường cao đẳng và trung học trước đây thì cứ “cây nhà lá vườn” mà sử dụng lại thôi. Dĩ nhiên đây cũng là cách làm rất vô trách nhiệm vì những “giảng viên đại học” mới vừa được “nâng cấp” làm sao thoát khỏi cái “sức ỳ” của mấy mươi năm chịu ảnh hưởng của tư duy giáo dục thời “cẳng đau”.
Sự mong ngóng của phụ huynh. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nên các “giảng viên cẳng đau” sau một đêm bất ngờ trở thành “giảng viên độc hại” ai nấy tuy bề ngoài đều rất “phấn khởi”, “hãnh diện” nhưng thật sự trong lòng thì rất hoang mang vì không biết sẽ dạy cái gì, dạy như thế nào với giáo trình nào cho các em sinh viên bởi trước giờ có nghiên cứu, có có liên hệ, có cập nhật gì đâu.

Còn với các trường được thành lập mới thì cầm chắc 90% phải đi “thỉnh giảng” ở những cơ sở giáo dục lâu năm.

Thế nhưng khổ một nỗi là những giảng viên thực sự có uy tín ở các trường đại học danh tiếng thì công việc vốn đang ngập đầu với lại đang làm việc ở các thành phố lớn chẳng ai dại gì bỏ thời gian công sức lặn lội về nơi vùng sâu vùng xa chi cho mệt.

Thế nên, phương án tối ưu nhất là đành phải chuyển sang “thỉnh” những người vốn là “hàng dạt”, hàng “hưu”, hàng “hết đát” hay thậm chí là “hàng bất mãn” vì không đủ năng lực nên bị “đào thảy” ở các trường danh tiếng… miễn sao “thỉnh” được những người phía trước có gắn nhãn mác “Thờ sờ” (Thạc sĩ), “Tờ sờ” (Tiến sĩ) hay “Phờ gờ sờ”(Phó Giáo sư), “Gờ sờ” (Giáo sư) nữa thì càng tốt, tiện cho việc “trưng bày” và “quảng cáo” sau này.

Đó là chưa kể, không ít trường hợp các “ông chủ trường đại học” còn chỉ đạo cấp dưới mình “thỉnh” cả “bồ nhí” hay con của “anh Hai, anh Ba” với mớ kiến thức lổ mổ về dạy để rồi cuối cùng các em sinh viên là những người lãnh đủ.

Một vấn đề nữa, khi các trường đại học mọc lên như “nấm sau mưa” vì lý do “thời gian đầu còn nhiều khó khăn” nên cơ sở trường lớp, phương tiện học tập cho sinh viên nói chung là chẳng có gì đáng kể.

Thế nhưng thời gian sau tuy đã hết khó khăn và lãi to rồi nhưng vì trót “làm kinh doanh thì biết đâu may rủi” nên thôi … “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi”, đầu tư mua sắm trang thiết bị làm gì lỡ sau này trường bị “đóng cửa” thì không phải lãng phí sao.

Tóm lại, với lực lượng giảng viên “nâng cấp” và “chấp vá” cùng với cơ sở và phương tiện dạy học như đã nói chính là những “tiền đề” quan trọng cho việc làm nên cái gọi là “đầu ra” mang hình dáng… “Chí Phèo” ở không ít các trường đại học hiện nay.

Vì lẽ Bộ chỉ chủ yếu siết “đầu vào” bằng quy chế “3 chung” và “điểm sàn” thôi chứ còn “đầu ra” Bộ đâu có nói gì đâu?

Cho nên, mới có chuyện không ít nhà giáo tâm huyết và trách nhiệm với nghề đã ngao ngán “mần” thơ con cóc mà thở than rằng:

“Nực cười thi cử nước ta
“Đầu vào”… Thị Nở, “đầu ra”… Chí Phèo”.


Và hệ lụy độc hại lâu dài đối với xã hội

Nhiều người lập luận rằng cần thiết phải mở rộng hệ thống giáo dục đại học vì lẽ người dân muốn được đi học, muốn được đến trường nhưng lại “hạn chế” hay cấm cản nguyện vọng và nhu cầu chính đáng ấy là điều hết sức vô lý.

Thà rằng để 1.000 học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vào học hết ở các trường đại học còn hơn là để các em “bơ vơ” ngoài xã hội rất dễ phát sinh hư hỏng và tệ nạn xã hội.

Nghiêm túc mà nói những lý lẽ này là không sai tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cứ ồ ạt mở trường, ồ ạt tuyển sinh như thể nhằm “phổ cập đại học” cho toàn xã hội một cách hấp tấp và cẩu thả như hiện nay được.

Nghiêm trọng hơn nữa một khi giáo dục tạo ra những con người không chính danh tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả con người sẽ giở những thủ đoạn gian dối và lừa lọc nhau trong “cuộc chiến” tìm việc làm để mưu sinh và tồn tại.

Bởi lẽ, có thể nói bây giờ ra đường là “đụng” ngay Cử nhân, “đụng” ngay Thạc sĩ, “đụng” ngay Tiến sĩ thế nhưng phải chân thành nói với nhau rằng phần nhiều những Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ hiện nay ở ta nhìn chung rất luộm thuộm hay nói cách khác là rất không chính danh - hậu quả đau lòng của vấn đề “đầu vào”… Thị Nở, “đầu ra”… Chí Phèo” như đã nói ở trên.

Điều này trước hết là cái tát đau đớn đối với ngành giáo dục (nhất là giáo dục đại học) và rộng hơn là đối với sự phát triển bền vững của xã hội và đất nước.

Nghiêm trọng hơn nữa một khi giáo dục tạo ra những con người không chính danh tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả con người sẽ giở những thủ đoạn gian dối và lừa lọc nhau trong “cuộc chiến” tìm việc làm để mưu sinh và tồn tại.

Thật không dám hình dung xã hội sẽ như thế nào nếu những con người không chính danh giở thủ đoạn lừa lọc nhau để chen chân vào làm việc ở các cơ quan và bộ máy công quyền của nhà nước?

Ở góc nhìn văn hóa, đây là một sự tiếp tay cho việc ngang nhiên chà đạp lên những thang giá trị của cuộc sống, là suy đồi và đánh mất bản sắc dân tộc.

Và đây chính là hệ lụy khôn lường và khủng khiếp nhất của xã hội hóa giáo dục, của giáo dục đại học không thực chất và không chính danh.
Phụ huynh và học sinh luôn mong ngóng được học ở trường ĐH có chất lượng

Ai cũng cần phải 'NÊN NGƯỜI"

Giáo dục suy cho cùng là nhằm hướng đến việc làm sao cho Con Người ngày một “NÊN NGƯỜI” hơn rồi sau đó muốn tính cái gì thì tính, làm cái gì tiếp theo thì làm.

Vì thế, cần phải xác định trước hết là nhân cách và sau đó là tri thức của người học là mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục để nhất định phải hướng tới và đạt được.

Muốn có học sinh sinh viên “NÊN NGƯỜI” thì trước hết những Con Người tham gia vào cái “quy trình đào tạo người” này phải thật sự “NÊN NGƯỜI” cái đã.

Đó đồng thời cũng là thước đo chất lượng của một nền giáo dục. Và để có sản phẩm giáo dục có chất lượng nhằm đảm bảo cho việc xây dựng và phát triển đất nước thì nhất định những con người tham gia điều hành, quản lý (người đứng đầu các cơ quan quản lý giáo dục: Bộ, Sở, Hiệu trưởng các Viện, Trường Đại học…) và những con người trực tiếp đào tạo (đội ngũ các thầy cô giáo) phải đạt “chất lượng”.

Nói cách khác, muốn có học sinh sinh viên “NÊN NGƯỜI” thì trước hết những Con Người tham gia vào cái “quy trình đào tạo người” này phải thật sự “NÊN NGƯỜI” cái đã.

Đã đến lúc không thể “bịt mắt, bưng tai” làm ngơ trước những vấn nạn của giáo dục hiện nay đặc biệt là giáo dục đại học; phải nghiêm túc nhìn nhận và dũng cảm làm cuộc tổng đại phẫu thôi nếu không chỉ có một con đường… ừ thì không chết nhưng mà chắc chắn sống rất èo uột.  

  • Nguyễn Trọng Bình (Cần Thơ)