Theo dự kiến, sáng 17/10 tại Bộ GD-ĐT sẽ diễn ra một hội thảo quan trọng với Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, bàn về bàn kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ thuộc giáo dục đại học. Việc thực hiện kế hoạch này có ý nghĩa rất lớn, bởi hướng tới mục tiêu đổi mới hoạt động đào tạo gắn với bảo đảm nâng cao chất lượng của giáo dục đại học Việt Nam phù hợp với quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở, nhằm mở rộng cơ hội hội nhập với cộng đồng đại học khu vực và thế giới; tạo ra cơ chế liên thông và hình thành hệ thống giáo dục.

Thế nhưng hội thảo đã bị hoãn, còn người sẽ đóng vai trò quan trọng triển khai công việc này thì đã ra đi mãi mãi.

Đó là Thứ trưởng Lê Hải An, Bí thư Đảng uỷ Bộ GD-ĐT, người được giao trọng trách phụ trách mảng giáo dục đại học.

{keywords}
Thứ trưởng Lê Hải An hỏi chuyện các thí sinh ở Hưng Yên trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: Anh Phú

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT nhớ lại, ông Lê Hải An được bổ nhiệm làm thứ trưởng cùng thời điểm Quốc hội thông qua Luật Giáo dục đại học sửa đổi, vào tháng 11/2018.

Được giao nhiều nhiệm vụ, nhưng mảng chính ông An phụ trách giáo dục đại học. Đây là cơ hội nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Luật Giáo dục Đại học mở ra nền tảng mới phát triển đại học theo hướng tự chủ, chất lượng, đã có kinh nghiệm về giáo dục đại học nên ông An hiểu vấn đề và nhập cuộc rất nhanh.

Trong một số lần làm việc chung và làm việc trực tiếp, ông An nói những cái gì có thể làm được cho hệ thống giáo dục nói chung và từng trường để có thể phát triển, ông đều ủng hộ và nhanh chóng giải quyết trong phạm vi của mình. Điều này theo đúng quan điểm vì sự phát triển chung”.

Đối với Trường ĐH FPT, ông Tùng cho hay là trường tư được thành lập phân hiệu là rất mới. Để thực hiện một số văn bản phải do Bộ trưởng ký nhưng hồ sơ xử lý, xem xét do thứ trưởng phụ trách giáo dục đại học. Những giấy tờ hồ sơ này đều được thứ trưởng An xử lý rất nhanh.

Thứ trưởng Lê Hải An là người nghiêm túc, lắng nghe, có trách nhiệm thể hiện rõ tinh thần hỗ trợ. Nhân cách này của ông đi ngược hoàn toàn với một bộ phận cán bộ nhà nước quan cách. Rất tiếc và quá đau lòng với sự việc này, vì ông có thể đóng góp rất nhiều cho ngành giáo dục hiện tại cũng như thăng tiến trong tương lai”.

Trước khi trở thành Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS.TS Lê Hải An giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ Địa chất giai đoạn 2014 – 2018.

Ấn tượng của PGS.TS Triệu Hùng Trường (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mỏ - Địa chất) về vị thủ trưởng thân thiết tên An là người trí tuệ, tình cảm, thông minh và được anh em trong cơ quan yêu quý.

Tôi và anh An từng cùng công tác tại Khoa Dầu khí. Giữ chức vụ hiệu trưởng ở độ tuổi 43, anh An là vị hiệu trưởng trẻ nhất trong lịch sử trường tính đến thời điểm đó. Dẫu vậy, anh làm việc gì cũng rất quyết đoán và đến nơi đến chốn”, ông Trường nhớ lại.

{keywords}
Thứ trưởng Lê Hải An

Việc khiến ông Trường nhớ nhất về lãnh đạo, dù là người đứng đầu nhà trường nhưng PGS Lê Hải An luôn song hành, giúp đỡ và hỗ trợ cấp dưới.

“Không phải ra lệnh và chỉ quan tâm đến kết quả cuối cùng, anh An luôn chỉ cho chúng tôi hướng đi và hướng dẫn tỉ mỉ. Những ai được làm việc cùng anh An chắc chắn sẽ trưởng thành rất nhanh”.

Theo ông Trường, PGS Lê Hải An là vị lãnh đạo tận tụy. Khi còn đương nhiệm, PGS An luôn là người đến sớm và lúc nào cũng về muộn nhất so với mọi người. “Kể cả tối đêm, có những lúc cấp bách anh em phải làm việc đến 2 – 3 giờ sáng, khi gửi cứ nghĩ anh đi ngủ rồi, nhưng nửa tiếng sau vẫn thấy thư trả lời”.

Tận tâm trong công việc nhưng ngoài giờ làm, anh cũng rất vui vẻ, tình cảm với anh em và gần như không có khoảng cách trên dưới. Ngay cả hoạt động văn nghệ, thể thao bên ngoài anh An cũng rất nhiệt tình”.

Điều này đã truyền cảm hứng để anh em trong cơ quan tham gia và tạo được phong trào tham gia các hoạt động thể thao trong trường rất sôi nổi.

Ông Trường kể lại, không chỉ về chuyên môn, PGS.TS Lê Hải An còn rất quan tâm việc kết nối nhà trường với các trường đại học khác bằng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.

"Nhờ hoạt động này đã giúp các trường giao lưu với nhau và Trường Mỏ Địa chất đã tạo được mối quan hệ thân thiết, hợp tác toàn diện với các trường như ĐH Giao thông Vận tải, ĐH Xây dựng, ĐH Thủy lợi,…”.

Trước khi lên Thứ trưởng, có lần, PGS.TS Lê Hải An đã mời tập thể lãnh đạo nhà trường đến nói chuyện thân mật. Trong buổi gặp ấy, không chỉ những lời động viên như thường ngày, vị hiệu trưởng đã thẳng thắn nhận xét và góp ý với từng người để công việc được tốt hơn.

Tôi vẫn nhớ những gì anh An nhận xét và góp ý với mình. Chính lời nhận xét ấy đã khiến tôi tự soi lại bản thân một cách nghiêm túc để trưởng thành hơn”, ông Trường kể.

Sau này, dù đã là lãnh đạo Bộ GD-ĐT, khi anh em trong trường hỏi han điều gì, PGS Lê Hải An vẫn đều đưa ra những tư vấn nhiệt tình. “Nói về anh An, đây là một người luôn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, nhà trường và cả các thế hệ sau”.

Anh Trần Danh Hùng, giảng viên bộ môn Địa vật lý thuộc khoa Dầu khí và cũng là cựu học trò lớp Địa vật lý khóa 44 do PGS.TS Lê Hải An làm chủ nhiệm khi đó, chia sẻ: Thầy là một người đầy tâm huyết, chuyên môn giỏi mà khả năng lãnh đạo quản lý cũng rất tốt. Đặc biệt thầy có khả năng giao tiếp tiếng Anh rất tốt và những chuyến công tác nước ngoài thường không cần đến người phiên dịch".

Anh Hùng kể có rất nhiều kỷ niệm với PGS.TS Lê Hải An bởi trước đây ông từng là phó chủ nhiệm bộ môn Địa vật lý, rồi kinh qua nhiều vị trí và làm hiệu trưởng trường gần 2 nhiệm kỳ trước khi lên Bộ GD-ĐT.

“Năm 2004, sau khi tốt nghiệp tiến sĩ thầy An về trường làm chủ nhiệm của lớp tôi. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được giữ lại trường và trở thành đồng nghiệp với thầy. Thầy An từng là người của bộ môn, bản thân tôi cảm nhận gần gũi như anh em trong nhà và có chuyện gì của nhau đều chia sẻ, trao đổi chân thành. Với anh em trong bộ môn, thầy rất gần gũi, thường chia sẻ, giúp đỡ không chỉ về tinh thần mà cả vật chất. Sau này kể cả khi lên làm lãnh đạo vẫn vậy”.

Theo anh Hùng, PGS Lê Hải An cũng rất gần gũi sinh viên và được nhiều thế hệ sinh viên xem là thần tượng. Ông luôn động viên, mong muốn các giảng viên của Bộ môn phải đi học tập và nghiên cứu ở nước ngoài để có thể tiếp cận với nền tri thức tiên tiến trên Thế giới. Chính thầy An cũng là người đã động viên và giúp đỡ anh Hùng trong quá trình đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại nước ngoài năm 2013.

Anh Hoàng Văn Sinh, nguyên Phó phòng bảo vệ của Trường ĐH Mỏ - Địa chất chia sẻ: “Hôm nay, theo kế hoạch nhà trường có tổ chức một lễ mít tinh cho ngày 20/10 nhưng rồi khi có thông tin này, nhà trường đã tạm hoãn sự kiện này”.

Anh An là người rất tâm huyết, trong công việc rất sát sao, cần mẫn và cảm giác tiếng nói của anh rất có trọng lượng với anh em trong trường. Ví dụ, có việc gì còn tồn đọng chưa xử lý kịp thì anh rất sát sao, quyết liệt ấn định thời gian cần hoàn thành”.

Là người phụ trách mảng an ninh, bảo vệ của nhà trường, nên anh Sinh cũng nắm được giờ giấc cán bộ, giáo viên nhà trường đến và rời trường. “Hầu như toàn đến 9h đêm, anh ấy mới từ trường về nhà. Phải nói PGS là một người tận tụy”.  

{keywords}
Thứ trưởng Lê Hải An chủ trì một sự kiện. Ảnh: Minh Thu

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng không giấu nổi cảm xúc khi nói “một người hiền vừa ra đi”.

Nhớ lần đầu gặp trong cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ khi anh vừa nhận nhiệm vụ. Ấn tượng mạnh nhất trong tôi là anh rất hiền nhưng rất thẳng thắn khi làm việc. Có lẽ anh đã mang cốt cách nhà giáo ngay từ vùng đất quê của anh. Thời gian làm Thứ trưởng không lâu nên những di sản mà anh để lại cho công tác lãnh đạo Bộ chắc là chưa nhiều. Nhưng tôi tin điều anh để lại rất lớn là phong thái khiêm tốn, hiền lành, nhẹ nhàng nhưng sắc sảo khi giải quyết công việc".

Thông tin từ Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Lê Hải An, đã tử vong do tai nạn rơi từ tầng cao tại tòa nhà trụ sở Bộ GD-ĐT vào sáng 17/10.

Ngày 2/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Hải An chức vụ Thứ trưởng Bộ GD-ĐT. Tính tới nay, ông có 348 ngày trên cương vị thứ trưởng giáo dục. Ông đã để lại nhiều ấn tượng trong công việc cũng như lối sống. Khi biết tin ông qua đời, nhiều cán bộ của Bộ GD-ĐT đã bật khóc.

Thanh Hùng - Thuý Nga - Lê Huyền

Ảnh: Anh Phú