- Từng trải qua quá trình tự vấn và quyết định về nước làm việc, Lê Anh Vinh đồng cảm với những tâm tư, nguyện vọng của những người con đất Việt học tập xa quê hương.

PGS. Lê Anh Vinh là một trong 364 đại biểu tham dự Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ 2 tại Hà Nội (11-13/12). Anh vừa có bài phát biểu đáng chú ý về chủ đề thu hút người tài về nước.

PGS. Lê Anh Vinh hiện là Phó chủ nhiệm khoa Sư phạm, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Tháng 5/2010, Lê Anh Vinh nhận bằng tiến sĩ của ĐH Harvard khi mới 27 tuổi. 

Theo PGS Vinh, nhiều nhà khoa học trẻ đã và đang trăn trở với những khó khăn, thách thức, cống hiến hết mình, không ngừng sáng tạo để giữ vững được ngọn lửa đam mê trong công việc nghiên cứu.

{keywords}
PGS Lê Anh Vinh.

Tuy nhiên, nhiều khi chính sự nhiệt huyết đó cộng với việc thiếu kinh nghiệm, chưa biết cách vượt qua khó khăn đã dẫn đến một hiện tượng không ít các nhà khoa học trẻ thể hiện những phản ứng không tích cực, dành quá nhiều thời gian ca thán và so sánh về điều kiện, môi trường làm việc mà chưa nhận thức được rằng, mỗi nhà khoa học phải tự có trách nghiệm để làm thay đổi tích cực môi trường, xã hội xung quanh mình.

"Trong những trao đổi gần đây về hiện tượng chảy máu chất xám, chúng ta có thể thấy rằng lợi ích vật chất không phải là lý do cơ bản. Nếu nhìn lý do chính mà số lượng lớn các nhà khoa học hàng đầu từ các nước phương Tây sang Mỹ làm việc, có thể thấy họ đến với nước Mỹ vì ở đó, họ có các đồng nghiệp, những người có cùng mối quan tâm, cùng hợp tác nghiên cứu.

Ở đó họ được bao bọc bởi môi trường làm việc học thuật, phát huy được tối đa khả năng sáng tạo, năng lực nghiên cứu của mình. Rất nhiều du học sinh đã bày tỏ quan điểm mong muốn về nước công tác, đóng góp nhưng lại lo lắng về môi trường làm việc không phù hợp.

Rõ ràng các nhà khoa học trẻ  không thể yêu cầu các trường ĐH, các viện nghiên cứu phải có cơ sở vật chất hoàn hảo, kinh phí ngân sách dồi dào thì mới làm khoa học mà chúng ta phải đóng một vai trò tích cực tạo ra một môi trường nghiên cứu phù hợp. Và điều đó hiện nay không phải là quá khó....

3 giải pháp hút người tài

Theo PGS Vinh, để thu hút người tài: “Cần có các chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ KH&CN hiệu quả". Tuy nhiên, việc này cũng gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn với nguồn lực tài chính có hạn, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị nghiên cứu hạn chế, môi trường làm việc và giao lưu học thuật chưa năng động...

Nhiều nhà khoa học trẻ chưa được sắp xếp, bố trí đúng vị trí công việc; chưa có chế độ làm việc thích đáng; và chưa nhận được những cơ chế khuyến khích sáng tạo để họ có thể toàn tâm toàn ý cho khoa học.

{keywords}
PGS Lê Anh Vinh.

Theo ông Vinh: "Nếu đã thực sự coi các nhà khoa học trẻ là nguồn lực quan trọng, thì nhà nước cần xem xét có những lộ trình cụ thể để triển khai hiệu quả các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lực cao; tạo điều kiện làm việc tốt, môi trường làm việc phù hợp và có cơ chế sử dụng cán bộ tương xứng với năng lực".

Thứ hai là cần có sự đầu tư đúng mức và đúng trọng điểm về nguồn lực tài chính và hạ tầng kỹ thuật cho KH&CN. Tổng đầu tư của toàn xã hội cho KH&CN của Việt Nam hiện nay ước tính chỉ đạt dưới 1% GDP so với mức trung bình thế giới là 2,1%. Với mức đầu tư này, chúng ta chưa phát huy được vai trò của các tổ chức xã hội trong các hoạt động khoa học công nghệ.

Thứ ba, là một số bất cập về cơ chế quản lý tài chính. Cơ chế xét duyệt, nghiệm thu đề tài các cấp ở nhiều nơi vẫn còn tương đối phức tạp và trở thành một rào cản thực sự đối với các nhà khoa học. Các nhà khoa học vẫn thường cho rằng các cơ quản quan lý không hiểu hay chưa tin các nhà khoa học nên đưa ra những cơ chế không phù hợp với thực tiễn. Vấn đề này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của các đề tài nghiên cứu, sự nhiệt huyết của nhà khoa học trẻ trong việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ.

"Để thu hút, trọng dụng và phát huy tài nguyên trí tuệ trong đội ngũ các nhà khoa học trẻ Việt Nam, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư tài chính, hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực cùng với một cơ chế pháp lý thông thoáng, khả thi và có hiệu lực thực sự”- PGS Vinh đề xuất. 

  • Văn Chung (ghi)