- Cả xóm nhỏ bên bờ sông Lam, từ người lớn, trẻ nhỏ đến các cụ mấy hôm này đều chung tâm trạng háo hức, tự hào. Đi đâu cũng nghe nói chuyện Hải “phụ hồ” đỗ thủ khoa.

Hải trước căn nhà của mình. Ảnh: Phú Châu

Một buổi chiều gặp hai thủ khoa

Tình cờ trong lúc về huyện Đô Lương (Nghệ An) để gặp thủ khoa Trường ĐH Ngoại thương Nguyễn Duy Hải, chúng tôi lại được gặp một gương mặt khác, từng là thủ khoa 30 điểm của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, em Hoàng Tuấn Anh. Tuấn Anh vừa tốt nghiệp Trường ĐH Xây dựng Matx cơ va, đang về quê làm giấy tờ để tiếp tục sang Nga học lên tiến sỹ.

Tuấn Anh vừa đọc được tin  trên mạng và nhờ gửi lời chúc mừng, động viên Hải.

Vội chia tay Tuấn Anh, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình.

Trên con đường 7 mấp mô, mọi người trong đoàn lại nhắc nhau những cái tên, khuôn mặt đã làm tự hào cho mảnh đất Đô Lương nghèo khó mà hiếu học - bây giờ được gọi vui là “đất thủ khoa”.

Đó là Hoàng Tuấn Anh thủ khoa Trường ĐH Xây dựng năm 2004, Tăng Văn Bình thủ khoa 30 điểm Trường ĐH Ngoại thương  2010, Nguyễn Tất Nghĩa, huy chương vàng vật lý châu Á và thế giới và bây giờ là Nguyễn Duy Hải, thủ khoa 29 điểm, trường ĐH Ngoại thương 2011.
Bố thợ xây, con phải học

Gia đình anh Nguyễn Duy Bốn, bố em Nguyễn Duy Hải nằm trên một con đường nhỏ sâu trong xóm 5, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, nhưng không khó để tìm đến.

Cả xóm nhỏ bên bờ sông Lam, từ người lớn, trẻ nhỏ đến các cụ mấy hôm này đều chung tâm trạng háo hức, tự hào. Đi đâu cũng nghe nói chuyện Hải “phụ hồ” đỗ thủ khoa.


Duy Hải và bố mẹ. Ảnh: Phú Châu

Trong câu chuyện của bố mẹ Hải, chúng tôi mới biết vì đâu mà tân thủ khoa đại học lại được bà con trong xóm gọi là Hải “phụ hồ”.

Vốn gia đình thuần nông nghiệp, mỗi khi hết mùa, anh Nguyễn Duy Bốn lại cũng anh em trong xóm đi làm xây dựng mong kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí học hành cho chị gái đang học Đại học tại Hà Nội cũng như Hải đang học cấp ba.

Sớm biết được lo toan của bố mẹ, những ngày hè Hải thường cùng bố đi phụ hồ khắp nơi.

Đám thợ xây trong xóm vẫn thường nói chuyện với nhau về cậu bé Hải theo bố đi phụ hồ hiền lành, trắng trẻo và đặc biệt là đôi mắt thông minh lanh lợi mà ai cũng yêu quý. Tên gọi Hải “phụ hồ” có từ ngày đó.

Thấy con ngày đi phụ hồ, đêm lại thắp đèn học hăng say, anh Bốn không khỏi chạnh lòng.

Trong xóm người ta gọi anh là Bốn “thợ xây”, nay lại đến Hải “phụ hồ”, anh không đành lòng.

Suy nghĩ mãi, anh quyết định bắt con ở nhà học, “bố thợ xây, con phải học” câu nói đó của bố là nguồn động lực lớn cho Hải quyết chí học hành để được như ngày hôm nay.

Gặp Hải, chúng tôi đùa: Hải “phụ hồ” nay phải đồi thành Hải “thủ khoa” nhé!

Ngoài thời gian học, giúp đỡ gia đình, cậu học trò xứ Nghệ rất thích đọc các cuốn “Hạt giống cho tâm hồn” và đi dạo. Duy Hải tâm sự: “Hai việc làm đó giúp em thư giãn và nhận được nhiều kiến thức cuộc sống, thấy yêu cuộc đời hơn”.

Hải vẫn cười hiền lành.  Trong nụ cười đó là cả lòng quyết tâm học để không phụ công bố mẹ, để thoát nghèo, thoát nhục nung nấu trong em.

Khi được hỏi về việc học, không hề bất ngờ, như những thủ khoa trước đây mà chúng tôi đã được gặp;  các em đều có chung một con đường là tự học, không hề đi học thêm, học “lò”.

Kiến thức có được là nhờ tích luỹ từ sách giáo khoa, từ bộ đề thi đại học các năm trước mà có.

 Chuyển lời chúc mừng của thủ khoa Hoàng Tuấn Anh cho em, Hải thổ lộ, các anh Tuấn Anh, Văn Bình, Tất Nghĩa tuy em chưa được gặp nhưng đó là những thần tượng của em, là người mà thầy cô vẫn luôn nhắc đến với lòng tự hào những người con Đô Lương hiếu học.
Chia tay gia đình anh Bốn, anh bộ bạch, nghe tin con đậu đại học thì vui thật nhưng cũng đã bắt đầu lo, bố mẹ làm nông mà nuôi hai con học đại học ở Hà Nội chắc chắn phải khó khăn quá, khuôn mặt hai vợ chồng lại gượng cười không dấu được lo toan. Và chúng tôi cứ nhớ câu nói của anh Bốn nói với Hải khi chúng tôi ra về: “hết gạo thì bố đi xây, Bốn “thợ xây” phải nuôi được Hải “thủ khoa” ăn học”, nghe như một lời thề.
Hải học lớp 12A7, Trường THPT Đô Lương I. Cô Nguyễn Thị Kiều Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương I cho biết: Ngay từ khi bước vào học nhà trường đã nhận thấy Hải là một học sinh chăm chỉ học tập nên nhà trường đã chú ý động viên giúp đỡ em trong học tập. (Ảnh: Hữu Hoàn)

12 năm liền, Hải đạt danh hiệu học sinh giỏi, trong đó 2 môn văn, toán luôn đạt điểm cao. Năm học 2010 - 2011, em đạt giải nhất môn toán cấp tỉnh với số điểm tối đa 20/20.

Thế nên khi hay tin bạn ngồi cùng bàn đỗ thủ khoa, Trần Đức Vinh, bạn thân của Hải không bất ngờ.

Bởi “bạn học tốt, tích cực tham gia các CLB Toán, Lý, Hóa của trường lại luôn luôn tìm tỏi các dạng bài tập mới để làm. Về tính cách Hải rất hiền, hòa đồng và luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người”.


Mẹ Duy Hải, cô Lê Thị Hà đã gần như òa khóc khi hay tin cậu con trai đỗ thủ khoa. Giọng cô ngậm ngùi: “Bố cháu bị dị ứng xi măng mấy năm nay. Biết thế nhưng vẫn phải đi làm thợ xây. Mình bị sỏi thận đã gần 5 năm. Hai vợ chồng sức khỏe yếu song vẫn phải động viên nhau sống, làm việc vì các con”. Ngoài 4 sào ruộng, mẹ em cũng nấu rượu kiếm thêm tiền nuôi hai chị em ăn học. Văn Chung
  • Phú Châu