Trong giai đoạn tới sẽ có 3 chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình giảm nghèo bền vững; Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình phát triển triển kinh tế xã hội vùng dân tộc, vùng núi.

Do đó, cần phải đào tạo nhóm nhân lực để thực hiện chương trình mục tiêu. Trong quá trình triển khai đào tạo phải theo nguyên tắc chỉ đào tạo cho lao động nông thôn khi xác định được việc làm và mức thu nhập. Trước khi đào tạo cần thông tin cụ thể đến người dân về công việc sau khi đào tạo, mức lương…

Đào tạo phải xác định được việc làm, thu nhập

Trao đổi về công tác đào tạo nghề nông thôn, ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định, dù đạt nhiều kết quả tích cực, vượt mục tiêu đề ra, song công tác đào tạo nghề nông thôn còn có nhiều hạn chế.

Ông Tiến dẫn chứng, nhiều địa phương phân bổ kinh phí đào tọa nghề cho lao động nông thôn với mức rất thấp, chỉ là mức hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương đều lấy mức hỗ trợ để áp vào làm chi phí.

Thêm nữa, nhìn lại giai đoạn 10 năm thực hiện đề án có thể thấy ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn còn dàn trải. Trong đó, nhiều địa phương còn quá chú trọng vào đào tạo tiếp tục làm nghề cũ, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng.

Bởi vậy, cần phải rà soát lại danh mục đào tạo nghề nông nghiệp.

Hiện Bộ NN-PTNT đang chỉ đạo tiếp tục đào tạo nghề gắn với vị trí làm việc của doanh nghiệp nông nghiệp. Song, muốn làm được điều này phải có cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là khi đầu tư phải gắn với nông nghiệp công nghệ cao.

Bởi, khi doanh nghiệp vào đầu tư, họ sẽ đưa khoa học kỹ thuật vào vào sản xuất, đảm bảo đầu ra, ký hợp đồng với hộ nông dân, hoặc tuyển nông dân vào làm việc. Lúc đó xuất hiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cần gì đào tạo đó thì mới có hiệu quả.

Ngoài ra, khi đào tạo nghề nông thôn cần thiết phải gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển hợp tác xã kiểu mới. Tuy nhiên, ông Tiến lưu ý cần xác định nghề thế nào. Bởi, mếu làm lệch, mất chữ tín thì rất khó thuyết phục bà con nông dân tham gia. Còn nếu xác định đúng thì sẽ huy động được các nguồn lực khác, doanh nghiệp và người dân sẽ cùng tham gia đào tạo.

Riêng với ngành nghề phi nông nghiệp, ông Tiến cho rằng cần tập trung đào tạo theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp làm việc trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mở rộng việc giao cho doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo, gắn tuyển sinh với tuyển dụng.

{keywords}
Theo ông Tiến, khi đào tạo nghề phải gắn với chuỗi giá trị thông qua HTX kiểu mới hoặc doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Chi hơn 17.000 tỷ đồng cho đào tạo nghề

Theo báo tổng kết 10 năm triển khai đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong giai đoạn vừa qua, kinh phí từ các nguồn đã bố trí được 17.107 tỷ đồng cho hoạt động đào tạo nghề nông thôn, đạt 65,8% mức dự kiến 11 năm của Đề án 1956.

Cụ thể, giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí thực hiện trên 8.000 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch kinh phí giai đoạn. Trong đó, ngân sách trung ương chiếm 72%. Sang giai đoạn 2016-2019, tổng kinh phí bố trí đạt hơn 8.000 tỷ, bằng 73% kế hoạch, ngân sách trung ương chiếm 35%, còn lại ngân sách địa phương và các nguồn khác chiếm 65%.

Nhờ nguồn ngân sách trên, qua 10 năm thực hiện đề án đã có gần 10 triệu người được học nghề. Trong đó, có 5,6 triệu người được đào tạo trình độ sơ cấp, đạt 85% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo chung cả nước từ 28% năm 2009 tăng lên đạt gần 60% vào thời điểm hiện nay.

Đáng chú ý, tất cả các địa phương đều hoàn thành và vượt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo (một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới) từ 15-20%. Đặc biệt, các vùng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, mức vượt từ 30-40% so với tiêu chí đặt ra.

Về chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, năm 2009, lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ 51,5%, đến thời điểm hiện nay, số lao động làm nông nghiệp xuống còn 35,4%. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của người dân, người dân đã hiểu được học để có việc chứ không để lấy bằng, nên số người tham gia đào tạo tăng cao.

Châu Giang