Củng cố chất lượng lao động

Là người dân tộc, lấy chồng và sinh sống ở xã Cổ Đông, Thị xã Sơn Tây, chị Nông Thị Duyên (sinh năm 1995) gặp khó khăn do không có việc làm. Năm ngoái, chị đã mạnh dạn học nghề may công nghiệp. Chính nhờ quyết định này đã làm cho chị đổi đời. Sau 3 tháng học nghề, chị Duyên đã có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Cổ Đông có dân số hơn 18.000 người, chủ yếu làm nông nghiệp. Hiện nay, xã có hơn 1.400 hộ, chiếm khoảng 30% tổng số hộ dân trên địa bàn được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, học nghề, tìm việc làm…, với số dư nợ lên tới hơn 28 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã có 45 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo ở Cổ Đông giảm từ 1,57% vào thời điểm đầu năm 2019, xuống còn 0,52% vào thời điểm giữa tháng 10-2019. Một trong những đòn bẩy để đạt được thành tựu này là nhờ Cổ Đông tập trung mở nhiều khóa đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp thiết thực, hut hút đông đảo học viên.

{keywords}
Nhiều nông dân đổi đời sau khi học nghề

Đơn cử, nghề may công nghiệp, nghề đơn giản, phù hợp với lao động nữ nông thôn. Đây là nghề được nhiều người lựa chọn nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang triển khai trên địa bàn huyện.

Sau một thời gian ngắn tham gia khóa học, nhiều chị em nông dân ở huyện Mỹ Đức đã tìm được việc làm tại các cơ sở may trong vùng, thu nhập ổn định 3 - 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với lúc làm nông nghiệp. 

Kết quả thu được như vậy, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, Mỹ Đức còn nhận được sự hỗ trợ thiết thực của thành phố. Được biết năm 2019, thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 16.000 lao động nông thôn, nâng tổng số người được hỗ trợ đào tạo nghề lên khoảng 200.000 người trong giai đoạn 2009-2019. Sau học nghề, hơn 80% người lao động có việc làm, thu nhập cao hơn.

Kết quả này cũng góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thành phố từ 8,43% vào cuối năm 2009, xuống còn dưới 0,5% vào cuối năm 2019; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 31,4% cuối năm 2009, lên 67,5% vào cuối năm nay.

Qua khảo sát, nhờ được hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển giao khoa học, kỹ thuật đã có nhiều hộ vượt lên thoát nghèo, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nhàn rỗi khác có thêm thu nhập ổn định.

Nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp rất lớn

Lao động nông thôn đổi đời nhờ có việc làm ổn định sau đào tạo nghề không phải câu chuyện của riêng Mỹ Đức, riêng Hà Nội. 

Theo dự báo giai đoạn 10 năm tiếp theo (2020 - 2030) nhu cầu đào tạo nghề nông nghiệp của lao động động khu vực nông thôn rất lớn, biến động từ 3,5 triệu đến 6 triệu lượt người học. Đến năm 2025 tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm 30% và tiếp tục giảm xuống còn 20% vào năm 2025 và 15% vào năm 2035. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh.

Tỷ lệ lao động nông thôn cần có sự đột phá, phát triển nhanh, nhất là nhóm có chuyên môn kỹ thuật (cần đến 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2035).

Để đáp ứng nhu cầu này, theo Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT), thời gian tới cần phải xem đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp đột phá đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các chương trình, đề án, dự án trọng điểm mà ngành nông nghiệp đang triển khai thực hiện như: Đề án phát triển mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP); Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đến năm 2020.

Bên cạnh đó, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần bám sát nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2030 ở địa phương, vùng miền để hoạch định cơ cấu nghề, chương trình, nội dung đào tạo nghề cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình xã viên, nông dân nghèo trong cả nước.

Đồng thời, hệ thống các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và các chính sách khác như tín dụng, đất đai, hỗ trợ hạ tầng, thương mại hóa sản phẩm cần phải được điều chỉnh một cách đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau nhằm phát huy tốt đa hiệu quả đào tạo nghề, giúp cho người học áp dụng tốt nhất kiến thực học được vào sản xuất kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bản thân.

Đào tạo chuyển đổi ngành nghề và tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn cần theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, giúp nông dân thực sự trở thành người làm chủ trong sản xuất nông nghiệp, rút dần lao động nông nghiệp chuyển đổi sang công nghiệp dịch vụ.

Dành tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu nghề cho các nội dung đào tạo về kỹ năng sử dụng máy móc cơ giới hóa đồng ruộng, chế biến nông sản, công nghệ hiện đại, nghề quản lý trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, kế toán trong lĩnh vực nông nghiệp...

Bảo Anh