- Theo kết quả mới nhất, lần đầu tiên Việt Nam có 3 lĩnh vực lọt vào top 100 của Châu Á. Đó là lĩnh vực Khoa học Tự nhiên (vị trí 61) và Khoa học Sự sống và Y sinh (vị trí 84) của ĐHQG Hà Nội.

Kết quả do tổ chức xếp hạng ĐH Quacquarelli Symonds (thường được gọi tắt là QS) công bố bảng xếp hạng khu vực châu Á năm 2012.

Lĩnh vực Khoa học Tự nhiên của ĐHQG TP.HCM cũng lọt vào top 100 (vị trí 93). Bên cạnh đó, hai lĩnh vực khác là Công nghệ và Kỹ thuật (Engineering and Technology) và Khoa học xã hội và Quản lý (Social Sciences and Management) của ĐHQG Hà Nội vẫn tiếp tục nằm trong top 200 của Châu Á.

Về tổng thể ĐHQG Hà Nội xếp đồng hạng ở nhóm 201-250 (vị trí  213) trong các trường đại học Châu Á . Cần lưu ý rằng, châu Á có số lượng trường đại học đông đảo, khoảng 6500 trường, chỉ kém Châu Mỹ.

Nghiên cứu máy phát tín hiệu mã nhận biết chủ quyền quốc gia (nguồn: Bản tin ĐHQG Hà Nội số 247 (9/2011))

Trong bảng xếp hạng SCImago năm 2011 về 3.000 cơ sở nghiên cứu mạnh trên thế giới, hai ĐHQG cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng có tên trong danh sách.

Trong các bảng xếp hạng ĐH nói chung, thành tích nghiên cứu, đặc biệt là các công bố quốc tế trong hệ thống tạp chí ISI và Scopus có trọng số rất quan trọng. Trong điều kiện kinh phí nghiên cứu khoa học cho hai ĐHQG còn thấp hơn rất nhiều so với chuẩn mực khu vực, các kết quả xếp hạng trên rất đáng khích lệ.

Được biết, ĐHQG Hà Nội đang có chủ trương phát triển theo định hướng đại học nghiên cứu tiên tiến. Tỉ lệ cán bộ khoa học (giảng viên và nghiên cứu viên) trên tổng số sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh đã đạt được 1/15. ĐHQG Hà Nội không tăng quy mô đào tạo đại học chính quy, giảm quy mô đào tạo đại học không chính quy khoảng 20%/năm, để tăng qui mô đào tạo sau đại học và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo.

  • Bùi Tuấn

QS là một tổ chức xếp hạng đại học thế giới. Trước 2010, QS liên danh với tờ Phụ trương của Thời báo Giáo dục Đại học (Time Higher Eduction Surplement) của Anh Quốc để công bố bảng xếp hạng chung QS-THES. Tuy nhiên, từ 2010 đến nay 2 tổ chức này công bố độc lập các bảng xếp hạng là bảng xếp hạng QS và bảng xếp hạng cua THE.

Bảng xếp hạng của QS là một bảng có các tiêu chí xếp hạng được đánh giá là khá cân bằng, không thiên vị quá mức các đại học nghiên cứu.