Từ còn lúng túng không nắm được thế cơ bản của cây cảnh, sau lớp dạy nghề kỹ thuật bonsai tổ chức theo Đề án 1956, ông Nguyễn Văn Ngộ và Võ Thanh Hải (Bến Tre) đã trở thành những nghệ nhân về cây cảnh với thu nhập lên đến hơn 100 triệu đồng/năm.

Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (Đề án 1956) với mục tiêu đào tạo nghề cho 11 triệu lao động nông thôn đã giúp những người nông dân như ông Ngộ và anh Hải không những có kinh tế bền vững mà còn có cơ hội làm giàu.

Đổi đời nhờ nghề cây cảnh

Lúc mới vào nghề ông Nguyễn Văn Ngộ và anh Võ Thanh Hải (ấp Phước Xuân, xã An Khánh, huyện Châu Thành, Bến Tre) gặp nhiều khó khăn khi không nắm được những kỹ thuật, thế cây cơ bản trong nghệ thuật cây cảnh.

Khi Đề án 1956 về với Bến Tre, ông Ngộ và anh Hải đã có cơ hội tham gia vào lớp học nghề kỹ thuật bonsai, cây cảnh do Chi hội Nông dân đã phối hợp Hội Sinh vật tổ chức. Lớp học không chỉ cung cấp những lý thuyết về kỹ thuật và còn tạo điều kiện thực hành thực tế cho các học viên.

Sau lớp học ngắn hạn, ông Ngộ và anh Hải đã trở thành những “chuyên gia” trong việc bứng, uốn, tỉa cành, sửa dáng cho các loại cây cảnh và bonsai như mai vàng, kim quýt, mai chiếu thủy… Hiện thu nhập của cả 2 người dao động từ 200 - 300 nghìn đồng/người/ngày, thậm chí với những loại cây có giá trị cao, tiền công có thể lên đến 400 - 500 nghìn đồng/người/ngày.

{keywords}
Nghệ nhân sửa kiểng nghệ thuật nhờ học nghề từ Đề án 1956. Ảnh: bentre.gov.vn

Ông Ngộ chia sẻ, nhờ có lớp học nghề từ Đề án 1956, ông đã học hỏi và trao đổi các kỹ thuật chỉnh sửa có thẩm mỹ cao. Ông Ngộ quyết tâm bám nghề đến khi không còn sức khỏe lao động nữa mới thôi.

Cùng tham gia lớp học nghề với ông Ngộ và anh Hải còn có 35 người dân ở ấp Phước Xuân, trong đó có khoảng 10/35 hộ dân tham gia nghề sửa dáng hình cây cảnh chuyên nghiệp, số còn lại tham gia mua bán cây cảnh, thu nhập ổn định, phát triển kinh tế.

Thành triệu phú từ học nghề ấp trứng gia cầm

Năm 2012 chị Ngô Thị Minh Nguyệt (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) mạnh dạn đăng ký tham nghề lớp dạy nghề chăn nuôi gia cầm theo Đề án 1956. Với chứng chỉ nghề trong tay, chị Nguyệt tự tin đầu tư 2 lò ấp trứng, cung ứng 2.000 con gia cầm giống và trứng vịt lộn ra thị trường.

Cùng việc cung ứng cám chăn nuôi, thuốc thú y cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn, bình quân thu nhập của gia đình chị Nguyệt sau khi trừ chi phí đạt 60 - 70 triệu đồng/năm.

Chị Nguyệt chia sẻ, chính nhờ những kiến thức cơ bản như chọn trứng, thời gian ấp nở đến quy trình làm mát để gà nở chất lượng… học được từ lớp dạy chăn nuôi, chị đã áp dụng thành công vào mô hình gia đình.

Được biết, sau mỗi lớp học ở huyện Tam Nông, đoàn cán bộ Trung tâm dạy nghề còn thực hiện khảo sát, đánh giá lại chất lượng dạy nghề được bà con áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Gia đình chị Nguyệt chỉ là 1 trong nhiều triệu phú nông dân làm giàu từ nghề ấp nở giống gia cầm trên địa bàn huyện.

{keywords}
Mô hình ấp trứng của gia đình chị Ngô Thị Minh Nghuyệt - khu 10 xã Hương Nộn - Tam Nông. Ảnh: phutho.gov.vn

Sau 5 năm triển khai đồng loạt ở nhiều địa phương triển cả nước, Đề án 1956 đã chứng minh được những hiệu quả nhất định trong việc thay đổi nhận thức của người nông dân cũng như mở ra nhiều cơ hội để người dân tìm được nghề nghiệp thích hợp, ổn định kinh tế, nâng cao đời sống vật chất. Đến nay, hàng nghìn hộ dân không chỉ thoát nghèo nhờ nghề được học mà không ít người/hộ gia đình còn đạt được mức thu nhập lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2009 nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt đích nhắm 11 triệu lao động nông thôn được học nghề vào năm 2020 các đơn vị thực hiện đề án sẽ tập trung triển khai nhân rộng mô hình dạy nghề thí điểm đã đạt hiệu quả, dạy nghề gắn với doanh nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh, huyện điểm, xã xây dựng nông thôn mới.

B. An (tổng hợp)