Trong 5 năm qua, Việt Nam đã thu hút được sự hỗ trợ to lớn về tài chính và kỹ thuật trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu từ các nhà tài trợ quốc tế. Sự hỗ trợ này đang được kéo dài cho 5 năm tiếp theo.

{keywords}
Biến đổi khí hậu làm gia tăng cường suất, tần suất lũ các vùng dân cư đang "chung sống với lũ lụt". (Ảnh: TTXVN)

Tinh thần nội dung đó đã được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày trong cuộc họp của Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuối tháng 9/2014 vừa qua ở Hà Nội. Chương trình nói trên được thành lập nhằm bảo đảm cho việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, Chiến lược Tăng trưởng xanh.

Chương trình này, về sau gọi đầy đủ là “Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu SP-RCC”, được thông qua vào tháng 12/2008. Riêng Chiến lược Quốc gia về Biến đổi Khí hậu được phê duyệt vào tháng 12/2011 và Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng Xanh được phê duyệt vào tháng 9/2012. Chương trình đã cho phép tạo dựng một khung đối thoại giữa các đối tác phát triển và Chính phủ Việt Nam xoay quanh chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu.  

Chương trình được đề xuất ban đầu bởi hai tổ chức, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Cơ quan hợp tác phát triển Nhật Bản (JICA). Sau đó, nhiều đối tác phát triển khác đã tham gia như WB (Ngân hàng Thế giới), CIDA (Cơ quan phát triển quốc tế Canada), K-Eximbank (Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc), DFAT (Cơ quan phát triển Quốc tế Australia). Thời gian thực hiện các dự án của Chương trình bắt đầu từ năm 2010 và kết thúc năm 2015.

Song song với khoản hỗ trợ ngân sách, AFD dành cho Chính phủ Việt Nam hỗ trợ kỹ thuật góp phần vào xác định các mục tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiêu quả trong ngành thép, và lập kế hoạch hành động về hiệu quả năng lượng cho các tòa nhà của thành phố Đà Nẵng, hay các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm Pháp – Việt về theo dõi chi tiêu công dành cho khí hậu và năng lượng tái tạo.

{keywords}
Thiên tai tàn phá nhà dân. (Ảnh: TTXVN)

Chương trình đã thu hút được gần 1 tỷ USD từ 6 nhà tài trợ JICA, AFD, CIDA, WB, K-Eximbank, DFAT và nhiều hỗ trợ kỹ thuật khác cho Việt Nam nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh hỗ trợ về mặt tài chính, từ năm 2009, các nhà tài trợ và Chương trình Hỗ trợ Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, nói chung, đã phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành nhiều văn bản và triển khai thực hiện 252 hành động chính sách, những việc làm quan trọng, góp phần hiện thực hóa chủ trương chung của Chính phủ VN về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Trong đó, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) là trụ cột trong chính sách hỗ trợ phát triển chính thức của Pháp. AFD đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và sẽ kỷ niệm 20 năm hoạt động tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2014 này. Tổng cam kết hỗ trợ phát triển chính thức của AFD dành cho Việt Nam đạt mức 1,5 tỷ EUR, cho toàn bộ 70 dự án.

Riêng trong giai đoạn đầu 2006 – 2013, AFD đã dành cho Việt Nam các khoản tài trợ với tổng số tiền 382 triệu EUR cho 14 dự án nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu trong các lĩnh vực giao thông công cộng, năng lượng… và nhằm thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu như chống lũ lụt, thủy lợi, nông nghiệp bảo tồn.

Và ngày 30/09/2014, tại Hà Nội, ông Jean-Noël Poirier, Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã cùng với ông Trương Chí Trung, Thứ trưởng Bộ tài chính Việt Nam và ông Rémi Genevey, Giám đốc văn phòng Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam đã ký kết thỏa ước tín dụng cho khoản vay trị khoản tiền 20 triệu Euro dành cho kỳ thứ 4 của “Chương trình Hỗ trợ ứng phó với  biến đổi khí hậu SP-RCC”.

{keywords}
Trồng rừng ngập mặn ở Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: TTXVN)

Tin từ Văn phòng Chính phủ ngày 28-9 còn cho biết, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, Chính phủ cho phép sử dụng 3000 tỷ đồng vốn vay ODA thông qua Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu SP-RCC để đầu tư các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2015.

Theo đó, nguồn vốn này sẽ được đầu tư cho 16 dự án chuyển tiếp đã được bố trí vốn Chương trình SP-RCC từ các năm trước, tập trung cho các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn (trong đó bao gồm cả các hạng mục trồng rừng của các dự án thuộc danh mục Chương trình SP-RCC). Chính phủ lưu ý, cần ưu tiên cho các dự án trồng rừng ngập mặn ven biển; các dự án đê biển xung yếu ứng phó với biến đổi khí hậu, có tác động trực tiếp đến khu vực dân cư.

Về giai đoạn 2016-2020 sắp tới, Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhận định, đây là giai đoạn quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, Việt Nam cần hoàn thành các mục tiêu chiến lược đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2016-2020.

Vị đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khẳng định, Bộ này sẽ ủng hộ việc tiếp tục duy trì Diễn đàn đối thoại chính sách trong khuôn khổ Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn 2016-2020 để giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu mới.

Tuy nhiên, để phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016- 2020 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình hiện tại và dựa vào các bài học kinh nghiệm rút ra trong giai đoạn vừa qua, theo ông, Việt Nam cần thảo luận để xác định những nội dung chính cần tập trung thực hiện và cải tiến phương pháp để chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau năm 2015 thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Tại cuộc họp, các nhà tài trợ cũng đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện các chính sách về biến đổi khí hậu cũng như triển khai các dự án cụ thể. Chính vì thế, các nhà tài trợ cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong tương lai.

Minh Trần (tổng hợp)