Tại cuộc tranh luận trực tiếp ngày 3/10, Tổng thống Obama “mất điểm” so với đối thủ Mitt Romney. Không khó để lý giải kết quả này, khi mà một trong những vấn đề chính được đưa ra “tỉ thí” là tình trạng nền kinh tế Mỹ vốn được cho là điểm yếu lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.


Bức tranh màu xám

Năm 2008, ông Obama tiếp quản nền kinh tế trong giai đoạn gặp nhiều khủng hoảng và khó khăn. Nhưng sau 4 năm thực hiện, lời hứa “thay đổi” của ông Obama vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân Mỹ.

Thời điểm ngay trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng, mức thâm hụt ngân sách liên bang tăng mạnh, vượt ngưỡng 1.000 tỷ đô la Mỹ đồng thời đẩy nợ quốc gia của Mỹ lên tới 16.000 tỷ đô la.

Con số này tăng gấp bốn lần so với các tổng thống tiền nhiệm. Nếu tính theo bình quân, mỗi người Mỹ phải gánh chịu số nợ khoảng 50.000 đô la, trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức trên 8% kéo theo sự tăng trưởng trì trệ của nền kinh tế. Đây chính là một áp lực lớn cho Obama. Do vậy, khi bị đối thủ “bắt trúng thóp” và khôn khéo tung ra những đòn công kích mạnh mẽ, Tổng thống đương nhiệm lập tức rơi vào thế lúng túng và bị động.

Bất cập cũ còn đó, những chính sách tranh cử của ông Obama lại tiếp tục bị phe đối lập chỉ trích là “không khác biệt và không nổi trội so với 4 năm trước”.

Ngược lại, hình ảnh Mitt Romney cố gắng xây dựng là một nhà quản lý kinh tế dày dạn kinh nghiệm. Ứng viên Đảng Cộng hòa hoàn toàn tự tin ở điểm này, bởi trước khi bước chân vào chính trường, ông Romney đã có nhiều năm giữ cương vị giám đốc điều hành của một trong những công ty đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới Bain Capital; cũng như từng “giải thoát” Thế vận hội mùa đông Salt Lake 2002 khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính.

Tổng thống Obama và ứng viên phe Cộng hòa Mitt Romney

Những “hành trang” này đã đánh đúng vào tâm lý và giúp ông Romney chiếm được lòng tin cùng sự ủng hộ của không ít cử tri Mỹ. Đương nhiên, họ có quyền hy vọng một khi đắc cử, Mitt Romney sẽ giúp kinh tế Mỹ “vượt khó” như khi ông điều hành các công ty của mình. Thêm vào đó, việc lựa chọn Paul Ryan cho vị trí phó Tổng thống cũng không nằm ngoài mục tiêu củng cố chính sách kinh tế. Xây dựng những chính sách kinh tế đối lập hẳn với phía Tổng thống Obama, nhà chính trị - doanh nhân này “vẽ” ra những định hướng như tạo hàng triệu việc làm hay giảm thuế để cân bằng ngân sách hay tăng cường mở cửa kinh doanh,…

Tuy nhiên, ứng cử viên Đảng Cộng hòa cũng vấp phải phản ứng từ người dân rằng chính sách kinh tế “khắc nghiệt” của họ chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của người giàu, trong khi, đáng lẽ không được phép quên bài học từ cuộc “biểu tình 99-1” tại phố Wall cách đây chỉ hơn một năm. Sẽ không có được sự ủng hộ từ 99% người dân Mỹ nếu chỉ đưa ra những chính sách kinh tế “ở trên” chăm chăm thỏa mãn cho 1% còn lại.

Ngược lại, “điểm cộng” trong chính sách của Tổng thống Obama đó là ôn hòa hơn và hướng tới tới số đông dân chúng. Do vậy, mặc dù Mitt Romney tạm dẫn ở phiên tranh luận đầu tiên nhưng đây vẫn chưa thể là đòn “knock – out” dành cho đối thủ - ông Obama.

Lật ngược thế cờ?

Mặc dù có chút “đuối sức” trước những đòn tấn công liên tiếp trên trường kinh tế, nhưng dường như những lời cáo buộc của Mitt Romney vẫn không xóa được sự thực là nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu phục hồi khá tích cực nhờ các chính sách “vì số đông” của ông Obama.

Như cả 2 ứng cử viên đã biết từ khi bước vào cuộc chạy đua đến Nhà Trắng, việc làm vẫn luôn được xem là “nước cờ chiến lược” cho đối phương, thành hay bại sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi nhân tố này.

Dù bị Romney dẫn trước với tỉ lệ 1-0 thì đương kim Tổng thống vẫn không hề “lép vế” khi số người có việc làm đã tăng lên trong tháng 9 vừa qua. Theo thống kê của Phòng Lao động Mỹ cho biết, số người thất nghiệp đã giảm từ 8,1% xuống 7,8% và đạt mức thấp kỉ lục trong ngày 5/10 vừa qua, gây bất ngờ cho những ai đang căng thẳng dõi theo biến động của thị trường này.

Bên cạnh đó, một minh chứng nữa cho sự phục hồi này là những bước chuyển mình của thị trường bất động sản. Mặc dù số lượng các ngôi nhà bán ra không ổn định trong tháng 7 và tháng 8, khi có chút sụt giảm trong tháng 8 vừa qua với việc giảm 1000 căn trên tổng số 374000 căn bán ra vào tháng 7, nhưng nhìn chung cho tới thời điểm này thì đây vẫn là xu hướng tăng trưởng so với thời gian cùng kì năm ngoái.

Không thể phủ nhận rằng: làm kinh tế là một thế mạnh của ông Romney nhưng các chính sách an sinh xã hội có thể sẽ là tất cả những gì thần may mắn có thể giúp cho vị đương kim Tổng thống lật ngược thế cờ.

Là một người được dân chúng tín nhiệm bởi những chính sách đối ngoại đúng đắn, mà cụ thể việc rút quân khỏi Irag đã thay đổi hình ảnh một quốc gia “hiếu chiến” thành một nước Mỹ “chuộng hòa bình” càng khiến ông Obama tự tin trên con đường tái tranh cử.

Mặt khác, với Mitt Romney, ai cũng nhận rõ các chính sách kinh tế mà ông dự định triển khai sẽ phục vụ cho 1% còn lại của nước Mỹ, như vậy xã hội Mỹ sẽ ra sao nếu 99% kia trở nên bất ổn? Trong khi ông Obama lại quan tâm đến 99% và được đánh giá khá tốt bằng những chính sách năng lượng xanh hay an sinh xã hội của mình.

Cuộc đua đã gần tới hồi kết, các đại cử tri Mỹ sẽ bỏ phiếu cho ai để đảm bảo các lợi ích kinh tế, đối ngoại và xã hội đan xen nhau một cách hài hòa? Câu trả lời sẽ không còn quá xa…

Thủy Tâm - Hoài Thương