Cụm từ “dự án xanh” được nhiều chủ đầu tư lạm dụng để tăng khả năng bán hàng. Tuy nhiên, để đầu tư một dự án xanh thực sự hiện nay đội chi phí rất lớn nên chỉ có vài doanh nghiệp dám làm.

Lạm dụng từ “xanh”

Khảo sát các dự án mở bán trong thời gian gần đây tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, số dự án được quảng cáo là “xanh” đang tràn ngập. Từ cây xanh, không gian xanh, tới cuộc sống xanh,... với những hình ảnh cây cối, cảnh quan bắt mắt được chủ đầu tư sử dụng trong các thiết kế tờ rơi bán hàng. Tuy nhiên, từ những hình ảnh đẹp trên quảng cáo tới dự án là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Thực tế, việc đầu tư dự án theo các tiêu chí xanh sẽ làm tăng chi phí ban đầu. Do vậy, nhiều nhà đầu tư chưa mặn mà với việc lựa chọn ứng dụng các giải pháp kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước mới có khoảng 60 công trình được chứng nhận là công trình xanh. Số lượng này vẫn còn khiêm tốn, chủ yếu mới ở các phân khúc nhà ở thương mại cao cấp. 

{keywords}
Dự án theo tiêu chí xanh là xu hướng tất yếu

Ông Đỗ Đức Đạt, TGĐ Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thủ đô cho biết, thực tế tại công trình áp dụng giải pháp xanh đều làm tăng chi phí đầu tư ít nhất 3%.

Lấy ví dụ, khi chủ đầu tư sử dụng hệ thống pin mặt trời làm đội chi phí 3,7 tỷ đồng, khiến mỗi căn hộ tăng chi phí thêm gần 4 triệu đồng; phụ trội 8,37 triệu đồng/căn hộ khi đầu tư pin năng lượng mặt trời trong tổng mức tăng 8,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cái lợi của các dự án xanh là tiết kiệm 50% tiêu thụ năng lượng so với thiết kế ban đầu mà không làm tăng chi phí. “Lợi ích rõ ràng nhất của công trình xanh là giảm chi phí vận hành, thường chiếm hơn 80% chi phí đầu tư, làm gia tăng giá trị tài sản; mức hoàn vốn đầu tư nhanh chóng. Công trình xanh thu hút nhiều khách hàng, đẩy nhanh khả năng tiêu thụ,... ”, bà Vũ Thị Kim Thoa, Trưởng đoàn Tư vấn của Chương trình Năng lượng sạch USAID Việt Nam, đánh giá.

Theo ông Trần Ngọc Quang, Tổng  Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, Việt Nam phát triển công trình xanh chậm hơn các nước trong khu vực 15 năm. Hiện các chủ đầu tư, các nhà tư vấn, và cả người tiêu dùng chưa quan tâm nhiều đến công trình xanh. Nhà nước mong muốn song mới chỉ dừng lại chính sách ban đầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, dự án bất động sản tại khu đô thị đang chiếm phần lớn các công trình xây dựng, ý thức và hiểu biết trong các doanh nghiệp phát triển BĐS trong tiết kiệm năng lượng, xây dựng công trình xanh chắc chắn sẽ đóng góp một phần rất lớn trong giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Nhà giá rẻ có cần tiêu chuẩn xanh?

Đầu tư công trình xanh liệu có tăng giá bán nhà đang là vấn đề mà nhiều người mua nhà giá rẻ đặt câu hỏi. Bởi từ trước tới nay, công trình xanh thường được cho là xa xỉ, chi phí đầu tư lớn. Tuy nhiên, đây lại là phân khúc cần phải đầu tư. 

{keywords}
Người mua nhà vẫn quan tâm tới giá hơn là các yếu tố khác

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho rằng, nhà ở giá thấp và trung bình chưa được quan tâm ứng dụng các thiết kế xanh, công nghệ thông minh và tiết kiệm năng lượng, trong khi đây lại chính là phân khúc có số người sử dụng nhiều nhất, tiêu tốn nhiều năng lượng nhất. Triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình sẽ tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Đây cũng là định hướng phát triển của Bộ Xây dựng đối với phân khúc nhà ở giá thấp và trung bình tại Việt Nam.

PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, tiêu chí xanh gắn với nhà giá thấp là cần thiết. Theo ông Chung, việc tăng mật độ, làm căn hộ nhỏ sẽ ảnh hưởng đến áp lực cơ sở hạ tầng, quy hoạch. Tuy nhiên, khi gắn với công trình xanh làm giảm chi phí thường xuyên, tạo ra cân bằng và làm thay đổi nhận thức ở nhà giá thấp vẫn có cuộc sống tốt.

Mặc dù vậy, ông Chung cho rằng, có những giải pháp xanh thì phải tăng thêm chi phí, nhưng phải cân nhắc không để đội chi phí quá cao.

Liên quan tới vấn đề giá thành, ông Trần Như Trung, Phó tổng giám đốc Capital House, chia sẻ: “Chúng tôi có thể chịu được 1-2 dự án, nhưng khi điều chỉnh tăng giá thì đương nhiên người mua chỉ chọn những nơi giá thấp hơn. Do vậy, cần có sự tuyên truyền để nâng cao nhận thức, dần dần cầu sẽ chuyển sang những công trình xanh. Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích, ghi nhận đánh giá và phân biệt các công trình xanh”.

Kiến trúc xanh ngày càng phổ biến trên thế giới và là xu thế tất yếu mà loài người phải hướng đến nhằm phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Kiến trúc xanh thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên thiên nhiên

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch hiệp hội BĐS Việt Nam, khẳng định, công trình xanh phải là công trình đạt hiệu quả cao nhất sử dụng năng lượng, cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Bên cạnh đó còn là mang đến cho người dân một cuộc sống thoải mái nhất, môi trường sống tốt nhất. Công trình xanh mang ý nghĩ rất lớn đối với cuộc sống hiện đại, đây là một nhu cầu bức thiết, chúng ta dứt khoát phải làm.

Duy Anh