Nữ tướng Việt những cái tên ấn tượng

Ngay đầu năm 2021, lần đầu tiên Công ty IBM Việt Nam thông báo bổ nhiệm nữ giám đốc điều hành (CEO) người Việt thay cho lãnh đạo người nước ngoài ở doanh nghiệp này trong suốt 25 năm qua.

Trên trang Facebook công ty, IBM Việt Nam trang trọng thông báo về việc công ty đã bổ nhiệm bà Phạm Thị Thu Diệp thay cho ông Tan Jee Toon nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc IBM Việt Nam. Bà Diệp trở thành "nữ tướng" đầu tiên của IBM sau 25 năm công ty hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Hiện nay, việc phụ nữ nắm giữ quyền điều hành một tập đoàn lớn không còn xa lạ. Giới đầu tư chứng kiến những nữ tướng lão luyện như bà Mai Kiều Liên - Vinamilk, bà Nguyễn Thị Nga - Tập đoàn BRG, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo - VietJet, hay bà Lê Thị Thu Thủy - Vinfast,...

{keywords}
Bà Phạm Thị Thu Diệp trở thành CEO nữ đầu tiên của IBM Việt Nam.

Tuy nhiên, trở thành CEO điều hành của một tập đoàn công nghệ nước ngoài vẫn khá hiếm.

Trước khi trở thành “thuyền trưởng” lèo lái một công ty công nghệ, bà Diệp từng là nhà quản lý cấp cao với hơn 23 năm kinh nghiệm trong ngành công nghệ thông tin. Bắt đầu sự nghiệp của mình tại công ty dịch vụ kỹ thuật chuyên nghiệp toàn cầu TRG International, bà cũng từng nắm giữ một số vị trí tại Exact, đơn vị cung cấp dịch vụ ERP và phần mềm đám mây cho khách hàng chuyên ngành kế toán.

Bà Diệp gia nhập IBM vào đầu năm 2011 và đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo khác nhau trong các mảng kinh doanh dịch vụ và phần mềm đám mây lai, với các vị trí như Giám đốc Quốc gia, Nhóm Điện toán đám mây và Phần mềm biết nhận thức.

Nếu như IBM là một tập đoàn công nghệ, thì Unilever cũng là một tập đoàn lớn không kém chuyên về các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình và thực phẩm, hoạt động tại hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Năm 2017, một phụ nữ Việt đã trở thành lãnh đạo cao nhất tại Unilever Việt Nam. Đó là bà Nguyễn Thị Bích Vân, nữ chủ tịch người Việt đầu tiên của công ty tốp đầu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh Việt Nam. Sau 24 năm làm việc tại đây, bà Nguyễn Thị Bích Vân đang gánh vác trọng trách trước một cỗ máy luôn có tăng trưởng ấn tượng.

Lê Diệp Kiều Trang là một cái tên cũng rất quen thuộc. Dù khá trẻ nhưng bà đã hai lần làm CEO của các tập đoàn nước ngoài tại Việt Nam. Kiều Trang có gần 2 năm là CEO của hai tập đoàn lớn: Facebook Việt Nam và Go-Viet, trước khi chọn một hướng đi mới cho mình.

“Cô gái vàng” với nhiều thành tích đáng nể trong suốt quá trình học tập đã trải qua vị trí lãnh đạo ở những tập đoàn lớn nhất thế giới tại Việt Nam.

Sau một thời gian giữ vị trí CEO Fossil Việt Nam, Lê Diệp Kiều Trang chọn Facebook nhằm phát huy kinh nghiệm của mình cả ở Việt Nam lẫn nước ngoài để kết nối cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn.

Tầm nhìn toàn cầu để vượt lên

Chia sẻ trên Forbes Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân cho hay, lãnh đạo trong môi trường đa quốc gia đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất lớn. Đó là phải hiểu được tầm nhìn của tập đoàn và xác định được vai trò của mình trong bức tranh đó là gì.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, nữ chủ tịch đầu tiên của Unilever Việt Nam.

Môi trường làm việc của tập đoàn đa quốc gia rất đa dạng nên yêu cầu cao về khả năng làm việc, giao tiếp, suy nghĩ trong môi trường đó. Để kích thích mọi người đưa ra những ý tưởng tốt đòi hỏi tài lãnh đạo, khả năng hiểu văn hóa đa quốc gia như thế nào nhưng cũng phải hiểu tính cá nhân của từng người để vừa tôn trọng vừa kết hợp những tài năng, dẫn dắt đội ngũ đi đến một mục tiêu chung trong cùng một khoảng thời gian.

Kỹ năng này không dễ vì càng nhiều nhân tài càng khó đi đến một đích chung. Khái niệm làm CEO ngày hôm nay không còn là ở vị trí "ra lệnh từ trên xuống mà là một người phục vụ cho bao nhiêu người khác", cần "định hướng, sau đó trao quyền lực cho nhân viên để họ ra quyết định mỗi ngày".

Trước đó, một số vị trí quan trọng tại các tập đoàn nước ngoài đã do các nữ doanh nhân Việt nắm giữ. Giữa năm 2015, bà Nguyễn Phương Anh làm giám đốc tiếp thị cho thị trường Việt Nam thuộc Google châu Á - Thái Bình Dương, chịu trách nhiệm giám sát và quản lý những hoạt động tiếp thị của Google trên tất cả sản phẩm cũng như chiến dịch thương hiệu.

Hay bà Nguyễn Mai Phương trở thành giám đốc thương hiệu trẻ nhất của Tập đoàn Unilever lúc mới 24 tuổi sau khi tham gia diễn đàn sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi lần thứ 9 tại Indonesia năm 2008.

Không chỉ nam doanh nhân Việt có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của các công ty đa quốc gia như CEO của HSBC hay Sanofi tại Việt Nam, thực tế cho thấy, nữ giới ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Tại các tập đoàn trong nước, CEO nữ góp phần quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp, như trường hơp nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo tại VietJet. Hãng hàng không có thị phần số 1 Việt Nam phát triển rực rỡ trong gần một thập kỷ qua. Trong năm khó khăn 2020, VietJet vẫn giữ nỗ lực giữ vững nền tảng để phát triển trong dài hạn. Đây là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020.

Trong nhiều năm qua, Bloomberg gọi tên CEO VietJet trong top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn là Chủ tịch HĐQT - cổ đông sáng lập của tập đoàn Sovico Holdings, đồng thời là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực Ngân hàng HDBank.

Trong ngành sản xuất, giới đầu tư cũng chứng kiến tài năng của nữ chủ tịch Vinfast Lê Thị Thu Thủy. Chỉ trong thời gian ngắn, bà Thu Thủy đã cho ra mắt bộ đôi sản phẩm ô tô đầu tiên của mình mang tên LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV tại Paris Motor Show 2018. Mới đây nhất là 3 dòng xe điện SUV thông minh đầu tiên là VF31, VF32 và VF33.

Những bước tiến nhanh tại VinFast giúp nhiều người tin tưởng hơn vào tương lai của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam. Bởi lẽ, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một công ty Việt Nam sản xuất ra ra được những chiếc xe hơi sang trọng, vừa đẹp về kiểu dáng vừa có chất lượng cao cùng tham vọng xuất khẩu ra thế giới.

V. Hà