Những năm gần đây nông dân Việt Nam đã vào google tìm kiếm các công nghệ mới trong nuôi trồng, canh tác, và thường xuyên lướt web tham khảo xu hướng tiêu dùng, tìm kiếm đối tác tiêu thụ đầu ra, cập nhật chính sách nông nghiệp mới.

Thu nhập trung bình 10 triệu/tháng nhờ internet

Ông Lê Quang Toàn (tiểu khu 11, phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới, Quảng Bình) tiếp cận được nhiều kiến thức nuôi trồng qua mạng internet. Với tinh thần ham học hỏi, ông Toàn đã biết sử dụng thành thạo Interrnet để tìm kiếm thông tin, kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi.

Với những thông tin nuôi chim trĩ tìm được qua mạng internet, ông Toàn đã tự mình xây dựng trang trại nuôi chim trĩ, nhím hiệu quả. Vườn cây cảnh của ông cũng đạt hiệu quả hơn. Mô hình nuôi trồng hiệu quả mang lại thu nhập ổn định 10 triệu đồng/ tháng cho ông Toàn.

{keywords}
Ảnh: Báo Quảng Bình

Những người nông dân biết lướt web như ông Toàn không còn hiếm ở Đồng Hới. Với thông tin tham khảo trên mạng, nhiều gia đình mạnh dạn áp dụng kĩ thuật chăn nuôi mới, tạo nên những trang trại nuôi chim trĩ thành công.

Thay vì phải tham gia những lớp học, hội thảo hay đến các nơi để học hỏi kinh nghiệm thực tế, thì nay, người nông dân có thể “khó đâu hỏi đấy” ngay qua mạng internet. Cách thức này giúp người nông dân giảm được thời gian, chi phí, trong khi luôn có thể tiếp cận được nguồn thông tin phong phú.

Câu lạc bộ thông tin của nông dân

Tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang) có 13 CLB Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin. Đến đây, người nông dân vừa có thể sử dụng máy tính để tìm kiếm, tham khảo thông tin về chăn nuôi sản xuất trên mạng internet, vừa cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm riêng của mình.

Như CLB Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin tại ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ đã hoạt động từ năm 2015. Bà con sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng quý để trao đổi kinh nghiệm sử dụng mạng internet và kinh nghiệm sản xuất. CLB hiện có 3 máy vi tính, trong đó có 1 máy do thành viên tự trang bị.

Từ những kinh nghiệm thực tế cùng kiến thức khoa học sản xuất, giá cả thị trường vật tư, nông sản được chia sẻ từ đài báo, mạng internet, người nông dân Long Mỹ đã áp dụng vào sản xuất, kinh doanh thực tế, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định. Ngay cả những chính sách của Đảng, Nhà nước về sản xuất nông nghiệp cũng nhanh chóng được bà con cập nhật.

{keywords}
Ảnh: báo Hậu Giang

Mô hình CLB Nông dân ứng dụng công nghệ thông tin đang được Hội Nông dân huyện Long Mỹ định hướng tiếp tục nhẩn rộng đến các xã, thậm chí là các ấp, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận kiến thức sản xuất khoa học, thông tin thị trường nông sản và chính sách nông nghiệp…

Lướt web chọn mùa vụ

Lâm Đồng đang trở thành mảnh đất của những nông dân công nghệ cao. Ngoài việc trồng cây theo các phương pháp sản xuất tiên tiến, trồng rau trong nhà kính… người nông dân Lâm Đồng còn “lướt web” để cập nhật thông tin, chọn trồng cây gì, trồng như thế nào để đạt năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường…

Thậm chí, những xu hướng tiêu dùng, chính sách liên kết, hội nhập… đều được người nông dân Lâm Đồng cập nhật liên tục thông qua mạng internet. Do đó, xu hướng nuôi trồng hướng đến tiêu chuẩn quốc tế không còn là điều gì xa lạ với những người nông dân công nghệ cao ở cao nguyên này.

Được biết, nhờ cập nhật công nghệ cao, ứng dụng công nghệ thông tin, nông dân Lâm Đồng đã có những định hướng sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường, thu được “tiền tỷ” từ định hướng nông sản sạch… Như anh Bùi Ngọc Cung (thôn Lạc Thạnh, xã Lạc Lâm) thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ trồng dưa leo baby trong giá thể, trồng ớt ngọt và hoa hồng môn trong nhà kính; ông Nguyễn Văn Dinh (xã Lạc Lâm) thu gần 1,5 tỷ đồng/năm nhờ trồng ớt ngọt và luân phiên các cây khác trong nhà kính.

Những người nông dân công nghệ cao biết sử dụng internet phục vụ sản xuất, kinh doanh đang tạo ra một nền tảng vững chắc giúp nông dân sẵn sàng với nền nông nghiệp 4.0.

D. An - Thu Trà (tổng hợp)