Hơn 1.000 đầu mối tham gia kết nối tiêu thụ

Theo báo cáo về tình hình sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ của Tổ Công tác 970 (Bộ NN-PTNT), tính đến hết ngày 16/8, có 1.166 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký được kết nối tiêu thụ qua Tổ Công tác. Trong đó, mặt hàng rau củ có 317 đầu mối; trái cây 302 đầu mối; thủy hải sản, chăn nuôi 423 đầu mối; lương thực 72 đầu mối; các mặt hàng khác 52 đầu mối.

Phần lớn các đầu mối đăng ký kết nối là các HTX, Tổ hợp tác, hộ gia đình và trang trại. Cùng với đó còn có doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ, các chợ đầu mối…

Tổ Công tác 970 cũng cho biết, trang web kết nối cung cầu sản phẩm tại địa chỉ htx.cooplink.com.vn của đơn vị này đã giúp đẩy nhanh tiến độ kết nối và mua bán nông sản khi người mua và người bán tự tìm được số điện thoại và thông tin sản phẩm cần mua và cần bán trên web. Theo đó, có 1.009 đơn vị đăng ký bán (77,6%), 206 đơn vị đăng ký mua (15,8%), 47 cơ quan hỗ trợ của nhà nước (3,6%) và 39 tổ chức hỗ trợ mua bán cho nông dân (3%).

{keywords}
Kết nối cung cầu trực tuyết giúp nông dân, HTX bán được hàng trăm ngàn tấn nông sản (ảnh: TL)

Ngoài ra kết nối qua “sàn giao dịch” trên, Tổ công tác đã ứng dụng mạng zalo và email vào việc gửi thông tin các đầu mối cung cấp đến các tiểu thương tại chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn của TPHCM, hệ thống nhân viên mua hàng các siêu thị.

Theo thống kê, mỗi ngày Tổ công tác kết nối tiêu thụ thành công trên 40 đơn hàng với sản lượng 200-400 tấn, chủ yếu là khoai lang, chuối, nhãn, dừa uống nước, thủy sản (tôm càng xanh, tôm thẻ, cá tra, cá rô phi), các loại rau gia vị, hàng rau củ quả (chủ yếu dưa leo, củ sắn, bầu, bí…).

Đáng nói, trong quá trình hoạt động, đơn vị này cũng đã kết nối thành công được những đơn hàng thuỷ sản với khối lượng 1.000-2.000 tấn cho các đối tác doanh nghiệp nước ngoài. Sau đó hướng dẫn các HTX, doanh nghiệp cung ứng về việc sơ chế, đóng gói để đảm bảo yêu cầu từ phía khách hàng.

“"Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy hải sản thông qua trang "sàn giao dịch" kết nối cung cầu để nhờ Tổ Công tác kết nối xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng cao để xuất khẩu trong tương lai, đơn vị này cho biết.

Đáng chú ý, nông sản có chứng nhận VietGAP hay cao hơn khi đăng ký đầu mối qua Tổ công tác đều được kết nối tiêu thụ thành công 100% và gần như không đủ hàng để bán. Ngoài ra, báo cáo không đầy đủ của các tỉnh, trung bình có 30 đơn vị/ngày/tỉnh được bán hàng thành công nhờ các thông tin của Tổ công tác 970.

Dự báo, lượng hàng hóa được tiêu thụ thông qua Tổ sẽ tiếp tục tăng nhanh khi tiểu thương các chợ đầu mối lớn tại TP HCM được hoạt động trở lại. Nhiều tiểu thương đã liên hệ các đầu mối đặt hàng.

Lập sàn thương mại kết nối nông sản

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), thành viên của Tổ Công tác 970 cho biết, nhờ sự phối hợp kịp thời giữa các tổ công tác đặc biệt của các bộ, ngành, trong đó có Tổ công tác 970, những khó khăn trong lưu thông hàng hoá nông sản tại các tỉnh thành phía Nam dần được tháo gỡ.

Theo ông, từ các đầu mối đăng mua bán nông sản vừa qua, Tổ công tác đang xây dựng một trung tâm kết nối tiêu thụ nông sản trực tuyến của Bộ NN-PTNT ở khu vực phía Nam với sự tham gia của các đơn vị thuộc Bộ. Hiện đang hoàn thiện đề án với mục tiêu duy trì và nâng cấp trung tâm lên cấp vùng

“Chúng tôi cũng gợi ý các địa phương thành lập các tổ công tác, không chỉ ứng phó trong mùa dịch mà có thể ứng phó với những biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh khác. Tổ cũng có thể kết nối, tiêu thụ nông sản”, ông Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tùng, khi Tổ Công tác 970 kết thúc nhiệm vụ lần này, trung tâm kết nối nông sản trực tuyến sẽ đi vào hoạt động. Các đơn vị là HTX, Tổ hợp tác, doanh nghiệp... có thể đăng ký thông tin vùng sản xuất, sản lượng, thông tin mua bán lên website. Từ đó hình thành cơ sở dữ liệu lâu dài về vấn đề này.

“Chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là trung tâm bán hàng của tương lai, có nghĩa mọi người có thể đặt hàng từ khi xuống giống. Đây sẽ là một hình thức mới, đóng góp vào các hình thức kết nối, cung ứng nông sản trước đây nhưng chủ yếu là tự phát. Với trung tâm này sẽ định hình cung cầu nông sản rõ hơn, và mọi tổ chức, cá nhân có thể tham gia”, ông Tùng chia sẻ.

Chia sẻ về tình hình tiêu thụ nông sản khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, ngành nông nghiệp chưa từng trải qua giai đoạn khó khăn như hiện nay. Chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản bị đứt gãy một cách nghiêm trọng. Song, đây là dịp để nhìn lại câu chuyện kết nối cung cầu.

Bộ trưởng lưu ý, cùng với chú trọng vào sản xuất, làm ra sản lượng lớn, các địa phương còn phải tăng tính kết nối. Quan trọng hơn, phải thay đổi trong tư duy kết nối cung cầu.

Đánh giá cao sáng kiến của Tổ Công tác 970 về việc thí điểm mô hình sàn giao dịch nông sản vừa sản xuất, vừa tiêu thụ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu triển khai nhanh mô hình này để các tỉnh cập nhật thông tin, biết trong khâu cung ứng tắc ở chỗ nào.

Thông qua sàn kết nối trực tuyến, doanh nghiệp cũng không cần tới trực tiếp vùng nguyên liệu mà vẫn nắm bắt được tình hình sản xuất, mua bán nông sản. Trên sàn nông sản trực tuyến này sẽ để doanh nghiệp, HTX cùng tham gia, cùng cho ý kiến về hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản.

Đây cũng là cách để minh bạch được mọi thông tin từ sản xuất tới thị trường. Từ đó, dự báo trước được các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, sẽ giải quyết được một phần bài toán ùn tắc, nơi thừa bán giá thấp, chỗ thiếu bán giá cao, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hà Giang