Tăng mạnh

Hàng loạt cổ phiếu blue-chips tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều 11/6. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong đó có nhóm ngân hàng và chứng khoán hồi phục thần tốc và giúp các chỉ số đi lên. VN-Index tăng hơn 28 điểm lên trên ngưỡng 1.350 điểm. Giao dịch diễn ra vẫn sôi động và thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao.

“Thị trường quay đầu tăng bùng nổ. Sự ức chế vì nghẽn mạng vẫn còn đó. Nhưng sức hấp dẫn của các cổ phiếu và dòng tiền còn rất lớn giữa lúc chưa có kênh nào hấp dẫn hơn. Thị trường hồi là điều khó tránh khỏi cho dù sự thận trọng đã lên cao”, ông Lâm Trần, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ.

Chứng khoán tăng giá bất chấp áp lực lạm phát có dấu hiệu gia tăng. Giá xăng dầu bán lẻ được điều chỉnh tăng thêm 600 đồng/lít.

“Xăng dầu tăng giá, lạm phát tăng lên nhưng dường như không mấy ai quan tâm. Tiền vẫn đổ vào chứng khoán. Cổ phiếu có lẽ vẫn là kênh đầu tư số một trong bối cảnh hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch, việc mở rộng kinh doanh khó khăn. Đồng USD suy giảm, thị trường vàng ảm đạm, còn thị trường bất động sản hạ nhiệt”, ông Tuấn Hùng, một nhà đầu tư trên sàn SSI đánh giá.

Theo ông Hùng, lạm phát tăng nhưng tiền vẫn phải có đích đến. Cũng theo nhà đầu tư này, lạm phát tại Mỹ lên mức cao nhất trong 13 năm qua, tăng lên mức 5% theo công bố mới nhất nhưng cũng không ảnh hưởng tới chứng khoán. Cổ phiếu Mỹ vẫn lên đỉnh cao mới.

{keywords}
Dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào thị trường.

Trong phiên giao dịch cuối tuần, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán Việt Nam đua nhau bứt phá từ đó củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Cổ phiếu Vietinbank (CTG) thậm chí tăng trần 7% lên 52.900 đồng/cp. Cổ phiếu Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tăng 6,6% lên 50.100 đồng/cp. Nhiều mã ngân hàng cũng tăng giá rất mạnh như: Techcombank tăng 5%; HDBank tăng 5,3%...

“Sự hưng phấn lan tỏa khắp thị trường bất chấp giao dịch vẫn khó khăn. Hệ thống sàn HOSE chưa thể thông suốt cho tới tháng sau khi FPT đưa vào vận hành phần mềm mới, với công suất cao hơn”, nhà đầu tư Lâm Trần chia sẻ.

Một điểm giúp thúc đẩy thị trường hồi phục nhanh hơn là việc khối ngoại trở lại mua ròng hàng trăm tỷ đồng. Chốt phiên khối ngoại mua ròng hơn 640 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần phiên trước. Đây được xem là một tín hiệu tích cực sau một quãng thời gian dài khối này bán ròng, tổng cộng hơn 30 nghìn tỷ đồng, trong hơn 5 tháng đầu năm.

VN-Index có thể lên 1.400 điểm

Trong một báo cáo mới nhất, Dragon Capital cho rằng định giá cổ phiếu ngân hàng và TTCK Việt Nam vẫn rất hấp dẫn dù đã tăng mạnh. Theo tổ chức này, xu hướng tăng của TTCK Việt Nam đang trở nên bền vững nhờ thiếu các kênh đầu tư thay thế cũng như định giá cổ phiếu ở mức rẻ.

Cũng theo Dragon Capital, mặc dù làn sóng Covid-19 mới lây lan mạnh trong giai đoạn cuối tháng 5, thị trường vẫn duy trì đà tăng tích cực khi cả điểm số lẫn thanh khoản đều lập kỷ lục mới.

Sở dĩ TTCK tăng trưởng bùng nổ, vượt qua những áp lực trong tháng 5, là nhờ dòng tiền từ các nhà đầu tư mới (F0) ồ ạt đổ vào. Trong tháng 5, số lượng nhà đầu tư cá nhận tiếp tục bùng nổ với 113.500 tài khoản mở mới.

Bên cạnh đó, dòng vốn vay ký quỹ vượt mức kỷ lục 112.000 tỷ đồng góp phần đẩy thị trường đi lên.

{keywords}
Nhóm ngân hàng, chứng khoán bứt phá.

Còn theo MSCI, một số luật có hiệu lực vào đầu năm 2021 tạo cơ sở pháp lý cho các kế hoạch phát triển thị trường như tái cơ cấu 2 sở giao dịch chứng khoán Việt Nam thành một Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VSE), đồng thời thành lập Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), chứng chỉ lưu ký không biểu quyết (NVDR) và các động thái khác có thể cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.

Mặc dù có nhấn mạnh đến sự cố của HOSE trong báo cáo đánh giá thị trường Việt Nam nhưng tổ chức này giữ nguyên các đánh giá tích cực về TTCK Việt Nam.

Theo chuyên gia chứng khoán Phan Văn Nhân, TTCK sẽ vượt ngưỡng 1.400 điểm trong nửa cuối năm, nhiều khả năng là trong tháng 8, khi mà hệ thống giao dịch mới với công suất lớn hơn của FPT được đưa vào thay thế cho hệ thống bị nghẽn hiện tại của HOSE. Và dòng bank và chứng khoán vẫn là chủ lực cho đợt tăng giá mới. Đây là 2 dòng được đánh giá sẽ có kết quả kinh doanh tốt.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nhân, trong thời gian ngắn trước mắt, sự thận trọng sẽ khiến thị trường khó đi lên. Nhiều khả năng thị trường sẽ hồi phục về đỉnh cũ 1.360-1.370 điểm rồi chỉnh và kiểm tra lại ngưỡng 1.280-1.300 điểm.

Theo đó, thị trường chưa đủ lực để vượt ngưỡng 1.400 điểm vào thời điểm hiện nay do nhóm bank cũng không còn quá hấp dẫn trong ngắn hạn. Hơn thế, sự ức chế do nghẽn mạng sẽ gây rủi ro cho dòng tiền.

Theo ông Nhân, VN-Index càng lên cao thì định giá càng kém hấp dẫn, càng cần lực tiền mạnh hơn để đẩy. Nhưng cú sập từ 1.370 về 1.300 trong 3 phiên vừa qua đã làm các nhà đầu tư cảnh giác hơn ở vùng giá cao.

Đa phần cổ phiếu ngân hàng ở vùng giá 1.370 điểm vừa rồi đã không còn rẻ trong ngắn hạn, đặc biệt là các bank nhỏ với chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (PE) và giá trên giá trị sổ sách (PB) cao. Thậm chí một số bank còn cao hơn PB của “hoa hậu” Vietcombank.

Một khi hiện tượng nghẽn lệnh tại HOSE được giải quyết cùng với những thông tin tốt từ kết quả kinh doanh quý II (đặc biệt nhóm ngân hàng và chứng khoán) được công bố, thì thị trường sẽ có động lực để bứt phá lên.

Trước đó, Dragon Capital cũng cho rằng, hệ thống giao dịch tắc nghẽn là trở ngại lớn với TTCK Việt Nam vào lúc này.

M. Hà

Tỷ USD tắc nghẽn kéo dài: Hứa xong vẫn tắc, tắc xong lại hứa

Tỷ USD tắc nghẽn kéo dài: Hứa xong vẫn tắc, tắc xong lại hứa

Thị trường chứng khoán chứng kiến những phiên tụt giảm mạnh trong bối cảnh tình trạng tắc nghẽn tiếp tục xảy ra. Đây là vấn đề diễn ra nhiều năm qua, cơ quan quản lý hứa xử lý nhưng rồi vẫn như cũ.