Điểm danh top 3 giàu nhất

Giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) không ai khác vẫn chính là tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng. Cái tên tiếp theo là nữ tướng Nguyễn Phương Thảo và người chiếm số 3 là 1 cái tên cũ trở lại - Trịnh Văn Quyết

Tính tới cuối phiên giao dịch 31/12/2019, ông Vượng trực tiếp và gián tiếp sở hữu gần 1,87 tỷ cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup, trị giá tổng cộng khoảng 214,5 ngàn tỷ đồng (tương đương 9,2 tỷ USD), tăng gần 21% so với năm trước, tương đương tăng 36,7 ngàn tỷ (gần 1,6 tỷ USD).

Còn theo Forbes, tính tới cuối 2019, ông Vượng sở hữu khối tài sản là 7,6 tỷ USD.

Tốc độ tăng tài sản của ông Vượng gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong cả năm 2019 (chỉ số tăng khoảng 7,7%).

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục vị trí số 1 và bỏ cách rất xa người xếp thứ 2 tới khoảng 7 lần.

Năm 2019, ông Vượng ghi nhận rất nhiều thay đổi, nhất là sự bứt phá trong lĩnh vực sản xuất ô tô Vinfast cũng như lĩnh vực công nghệ với nhiều dòng tiện thoại mới và sự ra mắt của TV. 

{keywords}
Tới cuối 2019, theo Forbes ông Phạm Nhật Vượng có 7,6 tỷ USD, còn theo tài sản tính trên sàn là 9,2 tỷ USD.

Nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet (VJC) và Phó chủ tịch HDBank cũng ghi nhận một năm tăng tài sản khá tốt. Tới cuối 2019, bà Thảo ghi nhận khối tài sản nếu tính theo cổ phiếu VJC và HDB trên sàn đạt 30,6 ngàn tỷ đồng (1,3 tỷ USD), tăng khoảng 20% so với năm trước.

Còn theo Forbes, khối tài sản của bà Thảo lớn hơn khá nhiều, chốt 31/12 ở mức 2,7 tỷ USD nhờ khối tài sản không chỉ ở VietJet, HDBank mà còn ở đế chế Sovico Holdings, nơi bà là chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn trong top 1.000 người giàu nhất hành tinh và là nữ doanh nhân số 1 Đông Nam Á.

Xếp thứ 3 và vượt nhiều cựu tỷ phú USD khác là ông Trịnh Văn Quyết. Ông Quyết là chủ tịch Tập đoàn FLC với khối tài sản ước tính khoảng 20,5 ngàn tỷ đồng (880 triệu USD).

Kết thúc phiên giao dịch 31/12/2019, nếu tính theo lượng cổ phiếu niêm yết được sở hữu trực tiếp bởi cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết sở hữu quy mô tài sản vốn hóa đạt 6.504 tỷ đồng. Gần 90% số tài sản này đến từ hơn 312 triệu cổ phiếu ROS, phần còn lại chủ yếu đến từ hơn 150 triệu cổ phiếu FLC. 

Tuy nhiên, để phản ánh chính xác khối tài sản thực sự mà doanh nhân này đang sở hữu, cần phải tính cả số cổ phần ông Quyết đang nắm giữ tại hai doanh nghiệp hiện có kế hoạch niêm yết trong năm 2020: Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt, tức Bamboo Airways (BAV) và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FHH).

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Quyết tại Bamboo Airways hiện là 39,08%, còn tại FLCHomes là 52,49%, với giá trị vốn hóa trên thị trường OTC đến cuối ngày 31/12/2019 được ước tính đạt ít nhất 14.000 tỷ đồng.

Với việc tính thêm giá trị cổ phần nắm giữ tại Bamboo Airways và FLCHomes, tổng tài sản vốn hoá của ông Trịnh Văn Quyết tính đến 31/12/2019 ước trên 20,5 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất TTCK Việt Nam 2019.

{keywords}
Ông Trịnh Văn Quyết lọt top 3 giàu nhất.

2019 là một năm bận rộn của ông Trịnh Văn Quyết khi Bamboo Airways chính thức cất cánh. Trong năm đầu tiên, BamBoo đã mở 34 đường bay nội địa và quốc tế, thực hiện gần 20 nghìn chuyến bay, phục vụ gần 3 triệu lượt hành khách với tỷ lệ đúng giờ trung bình 94%, cao nhất ngành hàng không Việt Nam. 

FLCHomes mới ra mắt nhưng đã nắm 1 quỹ dự án lên đến con số 300. Mới đây, FLCHomes công bố lợi nhuận sau thuế 2019 đạt 216 tỷ đồng

Top 10 nhiều biến động, tổng tài sản vượt 15 tỷ USD

Top 10 người giàu nhất trên TTCK năm 2019 có nhiều biến động. Ngoài sự xuất hiện trở lại của ông Trịnh Văn Quyết, thì còn là sự xuất hiện của hai tỷ phú USD hồi đầu năm cũng như những biến động vào cuối năm.

Đầu tháng 3/2019, Việt Nam chính thức có thêm hai tỷ phú USD tầm cỡ toàn cầu mới: ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch HĐQT Ngân hàng Techcombank) và ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan).

{keywords}
Nhiều tỷ phú Việt có tốc độ tăng tài sản nhanh hơn tốc độ tăng của VN-Index.

Với sự xuất hiện của ông Hùng Anh và ông Quang, danh sách tỷ phú USD Việt Nam vào đầu 2019 có 6 người, gồm ông Vượng Vingorup, bà Thảo VietJet, ông Trần Bá Dương Thaco (lọt danh sách Forbes từ đầu 2018), ông Trần Đinh Long.

Tuy nhiên, ông Trần Đình Long sau đó đã rớt khỏi danh sách và gần đây là ông Nguyễn Đăng Quang cũng không còn là tỷ phú USD sau thương vụ thâu tóm mảng bán lẻ của ông Phạm Nhật Vượng.

Tính tới ngày cuối năm, theo số cổ phiếu trên sàn, ông bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng xếp ở vị trí thứ 4 với gần 17,4 ngàn tỷ đồng (750 triệu USD). Ông Trần Đình Long ở vị trí thứ 5 với 16,5 ngàn tỷ đồng (710 triệu USD).

{keywords}
10 tỷ phú Việt có tổng tài sản vượt 15 tỷ USD, trong đó phần lớn thuộc về ông Phạm Nhật Vượng.

Ông Hồ Hùng Anh xếp ở vị trí thứ 5 với 14,9 ngàn tỷ đồng (640 triệu USD). Tuy nhiên, theo xếp hạng của Forbes tới hết 31/12, ông Hùng Anh có khối tài sản là 1,4 tỷ USD. Ông đang là chủ tịch Techcombank nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp.

Ông Nguyễn Đăng Quang xếp vị trí thứ 7 với 14,5 ngàn tỷ đồng (620 triệu USD); còn bà Phạm Thúy Hằng (Phó chủ tịch Vingroup) xếp thứ 8 với 11,6  ngàn tỷ đồng.

Hai vị trí cuối cùng là ông Bùi Thành Nhơn (chủ tịch Novaland với 11,4 ngàn tỷ đồng) và ông Hồ Xuân Năng (8,4 ngàn tỷ đồng)

2019 cũng là năm mà nhiều tỷ phú Việt ghi dấu những thương vụ và dự án lớn, điển hình là các thương vụ đình đám của đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu như: Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Thị Phương Thảo.

Ông Phạm Nhật Vượng cuối năm ghi dấu ấn chưa từng có với cú xoay mình, dồn lực vào lĩnh vực công nghiệp (sản xuất ô tô, xe máy động cơ đốt trong và điện), công nghệ (điện thoại, TV,... ).

Trong khi đó, tỷ phú “gốc Đông Âu” Nguyễn Đăng Quang cùng với Masan vươn mình sang nhiều lĩnh vực mới, trong đó có cú ra mắt của ngành chế biến thịt mát Meat Life trị giá 10 tỷ USD và đưa cổ phiếu MML lên sàn cũng như thâu tóm mảng bán lẻ Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Nữ tỷ phú số 1 Đông Nam Á, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo thì tham vọng biến Vietjet trở thành hãng hàng không toàn cầu, đồng thời phát triển mạnh Ngân hàng HDBank (gộp của 3 ngân hàng trước đó).

Cặp tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang ngày càng giàu lên nhanh chóng với hai đế chế Masan và Techcombank. Sự bứt phá của Masan là rất lớn.

Với ông Trịnh Văn Quyết, 2019 cũng là một năm bận khi Bamboo Airways chính thức vận hành, trong một thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 

Tham vọng của các tỷ phú Việt cũng rất lớn. Trong năm 2020, Bamboo Airways của ông Quyết đăt mục tiêu nắm giữ 30% thị phần hàng không, mở 85 đường bay nội địa và quốc tế với kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau niêm yết. Vinfast của ông Vượng muốn vươn ra thị trường Mỹ, trong khi MeatLife của ông Quang muốn giữ vị trí số 1 thị trường thịt 10 tỷ USD.

V. Hà