Ứng dụng tem điện tử thông minh truy xuất nguồn gốc nông sản, xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, gắn kết nông dân trong chuỗi sản xuất chương trình OCOP là cách Quảng Ninh nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương. 

Truy xuất nguồn gốc, minh bạch thương hiệu

Tháng 8/2017, Ban Xây dựng Nông thôn mới Quảng Ninh đã giới thiệu tới các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng tem điện tử thông minh trong quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP.

Thông qua tem điện tử thông minh này, đơn vị cung cấp giới thiệu tới người tiêu dùng các thông tin sản phẩm như nguồn gốc, đặc điểm, chủng loại, giá bán, doanh nghiệp sản xuất…, đồng thời hỗ trợ quản lý việc phân phối hàng hóa theo vị trí địa lý. Người tiêu dùng chỉ cần tải ứng dụng để quét mã tem trên sản phẩm trước khi mua hàng là có thể truy xuất đầy đủ thông tin nguồn gốc, hạn chế mua phải hàng giả, hàng hết hạn sử dụng và tiếp cận nhanh nhất chương trình khuyến mãi của nhà sản xuất.

Theo đại diện của Ban Xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh: Trong những năm qua, Quảng Ninh đã xây dựng thành công nhiều thương hiệu nông sản địa phương như: chả mực Hạ Long, miến dong Bình Liêu, mực ống Cô Tô, ba kích tím Ba Chẽ, chả mực Hạ Long, sá sùng Vân Đồn, na dai Đông Triều, cua biển Quảng Yên, ghẹ Trà Cổ, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên… Tuy nhiên, có hiện tượng các sản phẩm này bị xâm phạm quyền sở hữu, vi phạm nhãn mác.

Chính vì thế việc ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết hàng thật, đảm bảo uy tín cho thương hiệu nông sản Quảng Ninh.

Trước đó, ròng rã trong vài năm liền, Quảng Ninh kiên trì theo đuổi dự án “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý” cho các sản phẩm nông sản địa phương, để nâng cao nhận thức người dân, người tiêu dùng và tạo uy tín chung cho sản phẩm.

Gắn kết người dân trong chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ

Từ 2013, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong phong trào “Mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP)” và có cách làm sáng tạo riêng.

{keywords}

Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Sau 4 năm thực hiện chương trình này, Quảng Ninh đã phát triển 210 sản phẩm OCOP với sự tham gia của 180 tổ chức kinh tế sản xuất. Chương trình đã khẳng định nét riêng có của Quảng Ninh, là hướng đi đúng đắn góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

OCOP ở Quảng Ninh được thiết kế để người dân có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Từ đó không ngừng mở rộng và phát triển sản xuất. Chính quyền đóng vai trò bà đỡ, tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại..., từ đó chắp cánh cho sự phát triển.

{keywords}

Trong 4 năm qua, Quảng Ninh tập trung ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ lãi suất tiền vay, hỗ trợ ứng dụng công nghệ, mua sắm máy móc. Quảng Ninh cũng đã chủ động nghiên cứu ban hành bộ công cụ quản lý chương trình như: Xây dựng nhãn hiệu OCOP; Ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; Chu trình chuẩn OCOP (gồm 6 bước tiến hành).

Chính quyền địa phương cũng chủ động bỏ ra 300 tỷ đồng đầu tư thuê gian hàng, tổ chức hội chợ tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo điều kiện cho các đơn vị tham gia và nền tảng lâu dài cho chương trình. Nhờ hội chợ OCOP, mỗi tổ chức sản xuất đều tìm được cơ hội cho mình.

Bà Phạm Thị Thu Hiền, GĐ Cty TNHH SX và Thương mại thuỷ sản Quảng Ninh, cho biết: “Thay vì phải mất đến vài năm, thậm chí là nhiều hơn để tiếp cận thị trường, nhưng nhờ chương trình OCOP đã rút ngắn còn 1/3. Thực tế tôi chưa thấy sức mua ở đâu tốt như tại Hội chợ OCOP của Quảng Ninh, doanh thu gấp 10-15 lần các hội chợ khác...”.

Còn ông Phạm Minh Huy, chủ cơ sở giò chả Quang Dần (TP Móng Cái), cho biết: Nhờ chương trình OCOP tôi đã bước đầu khắc phục được hạn chế về điều kiện địa lý để từng bước tiếp cận với thị trường các vùng trung tâm tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Hiện mỗi năm cơ sở tiêu thụ khoảng 7-10 tấn giò chả các loại”...

Doanh thu đạt được từ chương trình cũng rất khả quan khi từ 2013-2016, giá trị hàng hóa OCOP tại Quảng Ninh thu được là hơn 670 tỷ đồng (gấp 3 lần kế hoạch).

Kết quả trong triển khai Chương trình OCOP Quảng Ninh đã trở thành mô hình điểm được Chính phủ nhân rộng ra toàn quốc giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu là nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP trở thành hàng hoá có thương hiệu, trong đó có những sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.

D.Minh