Trồng nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nông dân thoát cảnh được mùa mất giá, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hướng đến làm giàu bền vững.

Thu lãi lớn nhờ trồng đu đủ sạch

Vài năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã xây dựng mô hình trồng đu đủ sạch, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Các hộ trồng đu đủ thu lãi lớn, lên đến hàng trăm triệu đồng/ha.

Điển hình như gia đình anh Ngô Quốc Chiến (ấp Vĩnh An, xã Bình Giã, huyện Châu Đức). Đã trồng đu đủ trong nhiều năm, anh Chiến cho biết loại cây này dễ trồng, năng suất cao nhưng giá cả khá bấp bênh nên thu nhập không cao. Năm 2015, anh Chiến và một số hộ trồng đu đủ tại xã đã kết nối với DN để trồng đu đủ sạch theo hướng GlobalGAP.

Từ khi tham gia mô hình này, DN cam kết thu mua với giá khá cao, 10 ngàn đồng/kg, trước đây cao nhất anh Chiến chỉ bán được khoảng 7-8 ngàn đồng/kg, khi giá giảm mạnh chỉ còn 1-2 ngàn đồng/kg. Với 1ha đu đủ sạch 2.500 cây, mỗi cây cho khoảng 25kg trái, công ty thu mua cố định 10 ngàn đồng/kg, anh Chiến thu hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, lãi 400-500 triệu đồng/ha.

{keywords}
 

Tại xã Bình Giã đã thành lập tổ hợp tác, liên kết sản xuất đu đủ sạch GlobalGAP với diện tích 35ha. Sản phẩm sau khi thu hoạch được DN thu mua để đưa đi tiêu thụ, diện tích trồng đu đủ GlobalGAP ngày càng mở rộng, được công ty hướng tới xuất khẩu.

Tậu xe hơi nhờ trồng chanh GlobalGAP

Cũng nhờ trông cây chanh theo hướng GlobalGAP, nhiều nông dân ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thoát nghèo, sắm xe sang, có cuộc sống ngày một sung túc.

Ông Nguyễn Văn Khỏe (HTX Nông nghiệp Thạnh Phước) cho hay: gia đình có 1ha đất vườn trước kia chuyên trồng nhãn nhưng thu nhập không đáng kể do giá cả đầu ra bấp bênh. Thấy HTX trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao nên gia đình ông đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng. Nhờ trồng chanh mà ông xây được nhà cửa khang trang, sắm xe hơi bạc tỷ.

Tham gia HTX, ông Khỏe cũng như các thành viên thường xuyên được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật bảo đảm 4 tiêu chí: Kỹ thuật sản xuất, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, môi trường làm việc và truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó sản phẩm có năng suất cao, đảm bảo đủ điều kiện tiêu thụ.

{keywords}
 

Đến nay, HTX Thạnh Phước đã có 17,2 ha chanh không hạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn sinh học để xuất khẩu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận thương hiệu “Chanh không hạt Hậu Giang”. HTX cũng có 12 xã viên với diện tích canh tác 13ha chanh không hạt được công ty Hà Lan cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang Singapore.

Nếu năm 2004 khi mới thành lập, HTX Thạnh Phước có tới 11/17 hộ xã viên thuộc diện nghèo. Đến năm 2009, các xã viên đều thoát nghèo. 84 hộ xã viên trong HTX thuộc diện khá, giàu. Một số hộ xã viên có diện tích canh tác lớn, nắm vững quy trình kỹ thuật đạt mức thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Giúp người dân đứng vững trước cơn bão giá

Cũng nhờ đáp ứng chuẩn GlobalGAP mà nhiều người dân Bình Thuận đứng vững khi thị trường thanh long tại địa phương rớt giá thê thảm. Trong khi các nông dân khác ở địa phương đang điêu đứng vì giá cả, các vườn trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất đi Châu Âu vẫn bán được với giá cao, thậm chí không đủ hàng cung ứng.

Ông Trần Văn Trung ở xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: tại nhiều nơi trồng thanh long giá còn vài nghìn đồng, không có người mua nhưng ông và các hộ trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP vẫn có nguồn thu ổn định với giá 22.000 đồng/kg.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có khoảng 29.000 ha thanh long. Để phát triển thanh long theo hướng bền vững, thời gian qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo tập trung phát triển thanh long theo hướng nâng cao chất lượng, gắn với liên kết doanh nghiệp xuất khẩu, đến nay trên địa bàn tỉnh có trên 9.800 ha đạt chuẩn VietGAP và 262 ha được chứng nhận GlobalGAP.

Các vườn thanh long đã liên kết được với các đối tác xuất hàng đi qua nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha... Trong năm nay, đang đàm phán thêm thị trường Thụy Sỹ, Anh, Mỹ và thị trường nội địa là các siêu thị lớn trong nước.

Áp dụng chuẩn GlobalGAP không chỉ giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất, với sản phẩm phẩm đạt chất lượng và liên kết được với các đối tác xuất khẩu, được nước ngoài chấp nhận, nông dân không lo đầu ra, yên tâm sản xuất.

N.M - Thùy Vân - Văn Minh (tổng hợp)