Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện rà soát những văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án do HĐND, UBND tỉnh ban hành có liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung; đề xuất Chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt...

UBND tỉnh đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh bố trí 1 công chức làm đầu mối thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý DN vừa và nhỏ; tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt tập trung rà soát, xử lý các quy định liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với nội dung, tinh thần Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật hiện hành.

{keywords}
 

Đắk Lắk hiện là một trong những tỉnh tích cực triển khai nhiều chương trình, hành động thực tiễn để tạo điều kiện lợi cho các DN có điều kiện thuận lợi mở rộng sản xuất kinh doanh. Tiêu biểu là hoạt động Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp được tỉnh duy trì nhiều năm qua để lắng nghe, giải quyết những khó khăn của các dự án, các DN, đồng thời trao đổi các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh.

Tỉnh còn đặc biệt hỗ trợ DN vừa và nhỏ thực hiện chính sách thuế và chế độ kế toán; tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ, hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung; mở rộng thị trường; thông tin, tư vấn và pháp lý; phát triển nguồn nhân lực. Đắk Lắk đồng thời chú trọng hỗ trợ các DN vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp bằng việc rà soát, cung cấp thông tin sản phẩm hàng hóa có thương hiệu là đặc sản vùng miền, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu và thông tin các DN tiêu biểu của tỉnh để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến tháng 6/2020, tỉnh Đắk Lắk có 6.277 doanh nghiệp đang hoạt động (chiếm 30,5% khu vực Tây Nguyên, chiếm 0,8% cả nước). Đắk Lắk đang xếp thứ 22 cả nước về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động.

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh Đắk Lắk sẽ huy động vốn đầu tư toàn xã hội là 151.000 tỷ đồng, trong đó khu vực nhà nước chiếm 23%, còn 77% còn lại là huy động từ khu vực dân cư và từ các DN.

D. An