Không có chuyện cứ nuôi vạn gà lãi 35 triệu

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), năm 2019, trừ chăn nuôi lợn giảm 13,8%, còn hầu hết các loại vật nuôi, thủy sản đều tăng trưởng cao so với năm 2018. Đáng chú ý, đàn gia cầm hiện đã đạt 467 triệu con, sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm đạt khoảng 1.278,6 ngàn tấn, trong khi đó sản lượng trứng gia cầm cũng đạt khoảng 13,3 tỷ quả. Có những địa phương, đàn gia cầm tăng trưởng hai con số như: Bến Tre gần 40%, Trà Vinh tăng 52%; các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Giang cũng có đàn gia cầm tăng cao.

{keywords}
Tốc độ đàn gia cầm tăng quá nhanh do dân mở rộng quy mô chăn nuôi

Cục Chăn nuôi nhận xét, năm qua, đàn gia cầm có tốc độ tăng trưởng cao, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Khi dịch bệnh ở lợn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và trứng tăng mạnh. Do đó, người chăn nuôi gia cầm đã mở rộng quy mô đàn.

Đề cập tới vấn đề này, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, với mức tăng trưởng như trên và tăng liên tục là vấn đề đáng lo ngại. “Đã qua thời cứ tăng trưởng là được biểu dương. Các địa phương giờ phải ngồi tính toán lại, rà soát đàn thật kỹ. Bởi mùa nóng sắp đến, người dân ăn ít thịt đi, sản phẩm ế mà vẫn tăng trưởng như bây giờ thì lại giải cứu”, Bộ trưởng Cường dự báo.

Người đứng đầu ngày nông nghiệp nhấn mạnh, phải rà soát số lượng tổng đàn, thông báo tới người chăn nuôi. Theo ông, trước đây tăng trưởng như vậy thì được, còn giờ thì phải xem xét, tính toán lại để điều tiết cho cân đối với cung cầu thị trường.

Phải hiểu hôm qua tăng trưởng là ưu điểm, nhưng hôm nay vẫn tăng trưởng từng đó thì lại là mối lo. Không có chuyện đơn giản cứ nuôi 1 vạn con gà sẽ được lãi 35 triệu đồng. “Tăng đàn nhanh, hộ nhỏ lẻ nuôi nhiều lại thiếu kiến thức chăn nuôi. Khi dịch bệnh xảy ra nguy cơ lây lan cực kỳ lớn”, Bộ trưởng nói.

Giá gia cầm lao dốc

Thực tế, ở nước ta hiện nay, “giải cứu” nông sản là chuyện phổ biến, năm nào cũng có vài cuộc “giải cứu” trái cây, rau quả. Năm 2017, nước ta cũng phải kêu gọi giải cứu thịt lợn vì thừa cung.

Với gia cầm, dù chưa đến mức phải kêu gọi giải cứu nhưng việc tăng đàn ồ ạt dẫn đến thừa cung khiến giá giảm là câu chuyện khá phổ biến. Hiện nay, giá gia cầm trên cả nước đồng loạt lao dốc, nhiều nơi thậm chí giá rẻ hơn rau.

{keywords}
Giá gà đang giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, thừa nhận, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, lượng tiêu thụ giảm nên giá gà đồi Yên Thế kể từ sau Tết giảm 10.000-20.000 đồng/kg tùy loại.

Hiện trứng gà có giá 1.200 đồng/quả, trứng vịt 1.700 đồng/quả. Cả hai loại trứng này đều giảm 400 đồng/quả. Tương tự, giá vịt thương phẩm cũng chỉ đạt 25.000 đồng/kg, giảm 15.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nguyên nhân là bởi ảnh hưởng của do dịch bệnh Covib-19.

Theo các chủ trang trại nuôi gia cầm, thủy cầm lấy trứng ở Bắc Giang, với giá cả như hiện tại người nuôi chỉ hòa mà không có lãi. Nếu tình trạng này kéo dài, nhiều chủ nuôi sẽ bị thua lỗ.

Các trang trại chăn nuôi gà quy mô lớn ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng than thở, giá gà, vịt từ sau Tết Nguyên đán đến nay giảm liên tục.

Trước Tết giá gà lông trắng (gà công nghiệp) trọng lượng 2-2,5 kg/con dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg, sau Tết rớt giá còn 21.000-22.000 đồng/kg, đến nay chỉ còn 12.000-13.000 đồng/kg, tức giảm 50% trong chưa đầy một tháng. Riêng gà nặng 3-4 kg/con - tức gà quá lứa, giá có 10.000 đồng/kg.

Với mức giá bán chỉ bằng khoảng 1/2 giá thành sản xuất, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, người nuôi gia cầm đang lỗ nặng. Lý do khiến giá gà, vịt đợt này giảm sâu là bởi học sinh nghỉ học dài ngày, nhiều nhà máy xí nghiệp cũng chưa hoạt động trở lại nên các bếp ăn tập thể đồng loạt cắt giảm thực phẩm.

Tâm An