Đang ở trọ 1 mình, chị Nguyễn Thị Quỳnh Mai (Cổ Nhuế, Hà Nội) phải dùng 7 - 8 tháng mới hết 1 bình gas. Nhưng do bất cẩn để một nhóm người lạ dán số điện thoại mới vào bình và bóc số cũ đi, chị Mai đành phải gọi gas theo số điện thoại đó khi đã dùng hết.

{keywords}
Người dùng nên gọi tới các cơ sở uy tín để được sử dụng gas tốt

Gọi tới cơ sở này để hỏi mua gas thì giá rẻ hơn chỗ cũ. Thế nhưng, khi gọi của cơ sở này thì chỉ sau 2,5 tháng, bình gas của nhà chị Mai đã hết.

"Thấy khó hiểu, bởi tôi vẫn ở 1 mình và lượng sử dụng cũng không khác tháng trước. Lúc gas hết tôi còn không tin, chỉ nghĩ là có vấn đề nên gọi nhân viên của cơ sở đó đến sửa. Tuy nhiên, nhân viên lại thông báo rằng gas hết chứ không phải bị hỏng và mang sẵn bình gas theo xe để thay", chị Mai cho biết thêm.

Cũng gặp tình trạng tương tự, nhưng nhà chị Nguyễn Thanh Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) có 3 người, nên thời gian sử dụng gas trung bình khoảng 2,5 tháng. Do thường xuyên theo dõi nên chị nắm được lịch thay gas của gia đình.

Theo chị Thủy, nếu tháng nào dùng nhiều thì gas cũng chỉ hết sớm hơn khoảng 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, khi cơ sở gas chị hay gọi dừng hoạt động, chị Thủy phải gọi sang cơ sở khác thì thời gian sử dụng chỉ vỏn vẹn 1 tháng.

"Ngỡ ngàng vì gas hết quá nhanh, tôi bỏ bình ra lắc thử thì nghe tiếng lạo xạo như có cát ở trong. Bình vẫn còn khá nặng nhưng bật bếp nhiều lần vẫn không ra lửa", chị Thủy cho hay. 

Giải thích về tình trạng trên, anh N.H.H. một thợ làm gas ở Hà Nội đã bỏ nghề cho biết, bình gas nghe tiếng lạo xạo ở bên trong có thể do khi hàn bình làm van, mạt sắt rơi vào trong khiến người dùng có cảm giác nghe như cát.

Song, theo anh H, một số cơ sở kinh doanh gas lậu cũng cho cát vào để tăng trọng lượng bình. Ngoài ra, một số cơ sở kinh doanh gas lậu chuyên nghiệp còn cắt bình ra để hàn sắt vào trong.

Theo đó, các cơ sở này sẽ cửa vỏ ra rồi hàn khung sắt trong ruột. Một bình gas thông thường có 12kg gas thì nay chỉ còn 8kg, 4kg còn lại là sắt.

{keywords}
Thông số được dập trên vỏ bình

Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao về việc, một số cơ sở cho nước vào trong bình để tăng trọng lượng rồi bán cho khách. Nhưng rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh gas cho biết, không những không có việc này, mà đây thậm chí lại là chiêu trò của khách mua gas. 

Theo chủ một cơ sở kinh doanh gas ở Hà Nội, khách dùng hết gas đã bơm nước vào để bán lại bình và gas thừa cho các đại lý. Một số người kinh doanh nấu cỗ sự kiện cũng sử dụng phương thức này để kiếm thêm. Nếu đại lý không kiểm tra cẩn thận thì sẽ thiệt hại không nhỏ. 

Song, chủ cơ sở này cũng cảnh báo, các cơ sở kinh doanh gas lậu, thiếu uy tín cũng có thể sử dụng các biện pháp gian lận như vậy để tăng lợi nhuận. Người dùng cần nắm được một số thông tin cơ bản để tránh bị lừa.

Theo đó, chủ cơ sở kinh doanh gas này cho biết, khi mua gas người tiêu dùng phải cân bình gas đó lên. Khối lượng chuẩn của bình gas sẽ bằng số cân của vỏ (được ghi trên bình) cộng với 12kg gas. Sai số chỉ khoảng 150g, bởi nếu thiếu 200g gas thôi thì đại lý cũng sẽ trả lại đầu mối cung cấp.

"Khi dùng hết gas, người dùng nên cân lại vỏ gas để biết khối lượng có đúng như trên vỏ. Nếu số cân lớn hơn thông số ghi trên vỏ thì không nên gọi gas của cửa hàng đó nữa, thậm chí có thể phạt", chủ cơ sở cho hay.

Ngoài ra, người dùng gas cũng có thể mua loại bình gas trong suốt với giá 500.000 đồng để tiện theo dõi. Đây là loại bình chống cháy, siêu nhẹ, hơn nữa người dùng có thể theo dõi được lượn gas còn hay hết và có tạp chất bên trong không.

Để tránh bị lừa, người tiêu dùng cũng nên sử dụng của các cơ sở kinh doanh uy tín, lâu năm.

(Theo Dân Trí)