Hương Trà quê Thái Bình, đang thuê trọ ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai (Hà Nội). Trà làm nhân viên kế toán cho một công ty tư nhân, lương 15 triệu đồng/tháng. 

Trà chia sẻ, ngay từ ngày còn là sinh viên, hàng tháng bố mẹ cho tiền ăn học cô đã luôn lập kế hoạch chi tiêu cụ thể từng khoản để tránh tiêu âm, phải xin thêm. Sang năm năm thứ hai, cô đi làm thêm, không cần bố mẹ gửi tiền nuôi học nữa.

Ra trường, sau năm đầu tiên, từ năm thứ 2 đi làm Trà nhận được mức lương 9 triệu đồng/tháng. Khi đó, công việc công ty nhàn hơn nên Trà tranh thủ buổi tối nhận làm thêm sổ sách báo cáo thuế cho 2 công ty nhỏ bên ngoài. Mỗi tháng, cô kiếm thêm 6-7 triệu đồng. Dần dần, lương chính trên công ty của Trà được 15 triệu đồng/tháng.

{keywords}
Khi nhận lương, Trà không giữ tiền trong tài khoản mà tham gia chơi hụi. Ảnh minh họa

Do áp lực công việc nhiều, cô bớt làm thêm, mỗi tháng chỉ nhận làm cho một công ty với thù lao 4 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập của Trà đều đặn là 19 triệu đồng.

Trà kể ngay từ khi đi làm, cô đã quy định rõ chỉ tiêu tương đương với 8 triệu đồng, còn lại để dành để tích lũy đầu tư.

Mới nghe qua nhiều người sẽ thắc mắc, chỉ với 8 triệu đồng làm sao cô có thể chi tiêu đủ ở  đất Thủ đô. Song, Trà chia sẻ, với kế hoạch chi tiêu nguyên tắc và tiết kiệm của mình, bao năm nay cuộc sống của cô vẫn rất ổn.

Cụ thể, các khoản chi tiêu của Trà như sau:

Phòng trọ + điện nước 1,5 triệu đồng. Mặc dù đã đi làm và có nguồn thu nhập ổn định nhưng Trà vẫn đề cao phương châm tích kiệm. Cô cùng 2 người bạn thân thuê chung một phòng trọ giá 3 triệu đồng bao gồm cả điện nước, chia đều mỗi người đóng 1 triệu đồng/tháng.

Tiền ăn: 2 triệu đồng. Công ty Trà hỗ trợ ăn bữa trưa cho nhân viên, còn lại hai bữa sáng tối cô và các bạn cùng phòng trọ góp tiền lại nấu chung. Góp chung như vậy đi chợ vừa rẻ mà lại mua được nhiều đồ, làm được nhiều món hơn.

Ngoài ra, tiền xăng xe đi lại: 300.000 đồng; cà phê giao lưu bạn bè, cưới hỏi, sinh nhật: 1,5 triệu đồng; quần áo, mỹ phẩm: 1,2 triệu đồng. Các chi phí dự phòng phát sinh đề phòng khi ốm đau hoặc có việc gấp: 1 triệu đồng 

Khoản chi phí phát sinh này, có tháng dùng tới, có tháng không nhưng dồn vào tài khoản tích để cho chủ động chi tiêu.

{keywords}
65% thu nhập Trà dùng để chơi hụi, đầu tư tích lũy

Như vậy, sau khi chi tiêu Trà còn 11 triệu thu nhập thường xuyên tiết kiệm, công thêm thưởng và thu nhập tăng thêm hàng tháng ở cơ quan mỗi năm được hơn 3 tháng lương, khoảng gần 50 triệu nên cô bổ sung để nâng khoản tiết kiệm hàng tháng lên 12.5 triệu/tháng. Còn lại cô dồn lại trong tài khoản khi cần cho chi phí quan hệ đối ngoại hay Tết lễ, về quê... hoặc khi có đủ 1 món cỡ 20 - 30 triệu chuyển qua tiết kiệm online... nói chung là không cố định.

Cô gái trẻ này chia sẻ, khi có tiền cô không giữ tiền trong tài khoản mà tham gia chơi hụi. “Mỗi năm mình chơi 3 hụi, với ba mục tiêu rõ ràng. Một hụi mình dành để mua vàng, một hụi để lấy vốn đầu tư kinh doanh, một hụi mình để mua bảo hiểm”, Trà kể.

Hụi mua vàng: Chiếm 60% khoản tích lũy, tương đương 7,5 triệu đồng/tháng

“Mình rủ mọi người trong công ty chơi hụi theo hình thức tiết kiệm, hỗ trợ nhau chứ không tính lời lãi gì. Công ty có 12 người chơi, mỗi tháng 7,5 triệu, tức tới lượt mỗi người sẽ lấy về 90 triệu. Số tiền này mình dành để mua vàng tích lũy. Còn nhớ năm 2016, giá vàng là 36 triệu, tới lượt nhận hụi, mình mang tiền đi mua luôn 2,5 cây vàng. Mình theo dõi giá vàng, cứ lên thì bán ra, thấp lại mua vào để ăn chênh lệch”, Trà nói.

Hụi đầu tư kinh doanh: Chiếm 30%, tương đương 3,7 triệu đồng/tháng

Trà tham gia hụi cùng nhóm bạn thân 6 người. Mỗi tháng góp 3,7 triệu đồng, một năm quay vòng hai lần. Mỗi lần lấy được 22,2 triệu, một năm được 44,4 triệu đồng. Khoản này gọi là kinh doanh nhưng thực chất cũng là tiết kiêm. Chỉ lấy đầu tư khi các bạn hay bản thân cô được mua ưu đãi cổ phiếu hay cho cơ quan vay theo hình thức huy động vốn nội bộ ngắn hạn với lãi suất khá hơn thị trường. Không lãi nhiều nhưng chắc chắn nên mỗi năm cô cũng kiếm thêm được một khoản nhỏ.

Hụi đầu tư mua bảo hiểm: 10%, tương đương 1,25 triệu đồng/tháng

Mỗi tháng Trà dành 1,25 triệu đồng để tham gia chơi hụi với các thành viên xóm trọ. Một năm, cô dành ra được 15 triệu đồng để mua bảo hiểm nhân thọ.

Sau 5 năm kiên trì tích lũy đầu tư, tới giữa năm 2020, cô tích lũy được 12 cây vàng cùng 400 triệu trong tài khoản. Đến cuối tháng 7/2020, giá vàng lên mốc 58 triệu đồng/lượng, Trà bán cả 12 cây vàng được 696 triệu đồng. Cô dồn tiền tất cả tiền được gần 1,1 tỷ đồng đồng để mua một mảnh đất nhỏ ở cuối Hà Đông có diện tích 45m2, với giá 1,1 tỷ đồng.

Đến tháng 1/2021, có người hỏi mua mảnh đất đó với giá 1,5 tỷ đồng, cô quyết định bán đi mua một căn chung cư nhỏ ở Hà Đông với giá 1,6 tỷ đồng.

Trà cho hay, sau khi mua nhà cô vẫn tiếp tục duy trì 3 quỹ chơi hụi như cũ để tích lũy đầu tư. Tuy nhiên, cô gái trẻ này lưu ý, khi chơi hụi, cần tìm những người thật sự uy tín, đáng tin cậy để lập hụi, tránh tình trạng bị “bùng hụi”. Khi có hội hụi nào giải tán, cô sẽ bỏ tiền vào từng thẻ ngân hàng riêng để tới hạn rút ra mua vàng.

Cũng nhờ cách chi tiêu, tích lũy đầu tư này mà bước sang tuổi 28, Trà đã có nhà riêng, bảo hiểm nhân thọ và một khoản tiền dự phòng lúc rủi ro nên trong mùa dịch này, Trà không phải quá lo lắng về tài chính cá nhân.

Hiện có không ít bạn trẻ lo lắng về việc chi tiêu hàng tháng sẽ thiếu hụt, chi nhiều hơn thu hoặc loay hoay muốn tìm một giải pháp để ngoài những khoản chi tiêu bắt buộc, vẫn có một khoản tiết kiệm, đầu tư hiệu quả.

Theo các chuyên gia tư vấn tài chính, điều này không khó nếu phân bổ thu nhập mỗi tháng theo 3 quỹ: Chi tiêu cơ bản, thiết yếu trong cuộc sống: 35-40% tổng thu nhập; Tiết kiệm và đầu tư dài hạn: 40-50% tổng thu nhập; Tiết kiệm và đầu tư dài hạn: 10-20% tổng thu nhập

Thu Giang

Lương 30 triệu cuối tháng hết sạch, vợ chồng trẻ khổ sở xin 'viện trợ' quê

Lương 30 triệu cuối tháng hết sạch, vợ chồng trẻ khổ sở xin 'viện trợ' quê

Mùa dịch trong nhà không có khoản dự phòng, 3 tháng nay, vợ chồng trẻ quê Sóc Trăng đang sống ở TP.HCM khổ sở trông chờ viện trợ từ quê.