Trong những năm gần đây, xu hướng trang bị nhà thông minh đang được nhiều gia đình quan tâm chú ý.

Khái niệm nhà thông minh "smarthome" đã được các tập đoàn công nghệ như Microsoft hay Google đề cập đến từ lâu. Khi nhắc tới nhà thông minh, người ta thường nghĩ tới những căn hộ với đầy đủ tính năng hiện đại, bếp tự nấu cơm, robot tự dọn dẹp nhà cửa, con người không phải động tay vào bất cứ việc gì. Trên thực tế, với trình độ khoa học công nghệ hiện nay, smarthome vẫn chưa đủ thông minh để tự làm mọi việc 100% nhưng cũng đã giảm bớt phần nào sự vất vả cho gia chủ.

Ở Việt Nam, căn hộ thông minh mới được các công ty bất động sản nhắc tới nhiều trong 3-4 năm gần đây. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, tính năng thông minh cũng là một điểm nhấn tạo sự khác biệt trong mắt khách hàng. Dù vậy các căn hộ này phần lớn mới chỉ được trang bị các tính năng thông minh cơ bản như: khóa vân tay, chống trộm, cảm biến nhiệt độ báo qua điện thoại v.v...

{keywords}
Loa thông minh, trợ lý – quản gia trong căn nhà hiện đại. Ảnh: PcMag

Thực ra, không cần phải đợi đến chủ đầu tư, mỗi người chúng ta đều có thể tự biến căn nhà của mình trở thành "nhà thông minh" hết sức dễ dàng với số tiền đầu tư không quá lớn.

Việc đầu tiên bạn cần làm là lựa chọn một chiếc loa thông minh, đây sẽ là trợ lý ảo giúp bạn điều khiển các vật dụng khác trong nhà qua giọng nói.

Trên thị trường hiện tại đang có 2 sản phẩm nổi bật đó là Google Home và Alexa Echo. Với giá tiền bắt đầu từ trên 1 triệu đồng, bạn đã có một chiếc loa thông minh để có thể trò chuyện cả ngày. Hiện tại, người dùng mới chỉ có thể giao tiếp với loa bằng tiếng Anh, phiên bản tiếng Việt có thể sẽ được nâng cấp vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để cho trẻ nhỏ trong nhà luyện tập nói tiếng Anh một cách tự tin. Khi kết nối với Internet, người dùng có thể hỏi chiếc loa này đủ thứ thông tin như thời tiết, giao thông...

Đi theo Google Home và Alexa Echo là các thiết bị tương thích đi kèm trong hệ sinh thái.

Giá rẻ và hữu dụng nhất phải kể đến là bóng đèn và ổ cắm điện thông minh. Bóng đèn, ổ cắm sẽ giao tiếp với loa Google, Alexa qua mạng Wifi. Chỉ cần ra lệnh: "Google, bật đèn phòng khách" là yêu cầu của bạn sẽ được thực hiện.

{keywords}
Bật đèn qua giọng nói. Ảnh: IKEA

Còn đối với ổ cắm, khi điều khiển bật/tắt ổ cắm qua giọng nói người dùng sẽ bật/tắt được các thiết bị đang cắm vào đó như quạt, bình nước nóng.

Giá bộ thiết bị bóng đèn, ổ cắm thông minh chỉ ở mức vài trăm ngàn đồng.

Loa thông minh còn có thể kết nối với rất nhiều thiết bị khác trong gia đình như tivi, điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh v.v... Với những tivi đời cổ, không có kết nối mạng Internet hoặc không chạy hệ điều hành Android, ta có thể gắn thêm Android box để sử dụng được tính năng này. Giá của Android Box chỉ khoảng trên 1 triệu đồng.

Điều may mắn là ta không phải mua tất cả các đồ gia dụng đời mới, có tính năng "smart" để tương thích với loa trợ lý. Trên thị trường đã có những thiết bị trung gian làm thay nhiệm vụ này.

{keywords}
Đóng, mở cửa bằng giọng nói. Ảnh: AppleInsider

Với những người hay quên, thường xuyên làm mất chìa khóa có thể đầu tư một bộ khóa cửa thông minh, điều khiển qua giọng nói. Tất nhiên, chỉ có gia chủ mới có quyền ra lệnh cho khóa đóng/mở.

Ngoài ra, các thiết bị như camera, robot hút bụi cũng hoạt động rất hiệu quả và bổ trợ cho tính thông minh của căn nhà.

Ngoài hai ông lớn là Google và Alexa, tại Việt Nam cũng có một số công ty cung cấp dịch vụ nhà thông minh. Những sản phẩm đến từ Việt Nam có ưu điểm lớn nhất là sử dụng giao tiếp bằng tiếng Việt. Dù vậy, số thiết bị tương thích đi kèm lại không phong phú được như hệ sinh thái của Google hay Amazon.

Hoàng Hiệp