Những vụ việc ở Vinashin, Vinalines và EVN đều có chung một điểm chỉ được phanh phui khi Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ vào cuộc. Còn trong cả quá trình sản xuất, kinh doanh, không mấy khi thấy vai trò và cảnh báo của ban kiểm soát.

Chính vì thế, một chuyên gia kinh tế bức xúc cho rằng, có hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật về giám sát, quản lý các DNNN, các tập đoàn, tổng công ty nhưng vẫn xảy ra những sự việc đáng tiếc mà thường khi kết quả rất ngiêm trọng mới bị phát hiện. Ở đây, vai trò giám sát nội bộ có vấn đề. Chúng ta chỉ cần làm đúng, làm đủ các quy định thì đã ngăn chặn được nhiều sai phạm. Đây chính là một là do lỗ hổng quản trị DNNN. Trên thực tế, những lỗ hổng này được đào sâu, khoét rộng ra bởi yếu tố con người và cách thức tổ chức đang biến Ban kiểm soát trở thành hình thức.

Thiếu trách nhiệm với đồng vốn

Một sự trùng lặp ngẫu nhiên trong các thương vụ sai phạm của Vinashin, Vinalines hay khoản đầu tư EVN Telecom của EVN hầu hết đều rơi vào giai đoạn 2007-2008. Tương ứng với thời kỳ này là sự ra đời của các tập đoàn và cũng là giai đoạn tăng trưởng nóng, các DNNN nhận được rất nhiều vốn đầu tư từ ngân sách.

Nói về điều này, ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giai đoạn 2006-2008, chủ sở hữu Nhà nước đã không thực hiện đầy đủ vai trò của mình. Thời điểm đó, chúng ta cho DNNN kinh doanh đa ngành. Với chủ trương như thế, cổ phiếu bán chạy, bất động sản lên giá... Điều đó đã khiến cho các tập đoàn, tổng công ty, DNNN chạy theo thị trường bong bóng, tìm kiếm lợi nhuận trước mắt quên đi sứ mệnh của mình. Có lẽ đó là nguyên nhân trực tiếp để dẫn tới trào lưu tìm kiếm "lợi tức tài chính" một cách đầy rủi ro.


Tuy nhiên, việc này chỉ được dừng lại khi Chính phủ ra tay, mà không có bất cứ một sự cảnh báo điều chỉnh nào từ kiểm soát nội bộ các tập đoàn. Ông Nguyễn Đình Cung nói rằng, từ câu chuyện này nhìn ra thực tế cho thấy quản trị Tập đoàn, Tổng công ty có vấn đề. Muốn giải quyết được vấn đề, cần phải thực hiện vai trò giám sát bên trong và bên ngoài.

Ông Cung phân tích, nhiều khi, người của chủ sở hữu không giám sát hết được nên doanh nghiệp biến báo, giấu giếm thông tin. Thế nên bên ngoài phải giám sát. Tức là người dân giám sát, phải công khai thông tin thì mới làm được. Nhưng điều kiện công bố thông tin chưa có. Tuy nhiên, khi chưa công bố thông tin thì khó giám sát lắm.

"Còn giám sát bên trong, luôn có những cái khó", ông Cung cho hay.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thẳng thắn nói: "Ở vụ Vinalines, tôi khẳng định rằng đã không hề có giám sát nghiêm túc ở đây. Nếu giám sát nội bộ nghiêm túc thì những việc làm sai đã được báo cáo lên cấp trên. Nhưng cấp trên của Vinalines cũng lại không giám sát nghiêm túc người dưới quyền của mình nên mới xảy ra tình trạng đó".

Ông Thành nhấn mạnh, "biết sai mà không giải quyết, không sửa, không điều động những cán bộ công tâm về làm việc. Rõ ràng, trong các sai phạm ở các tập đoàn, tổng công ty, lỗi không phải nằm ở chuyện quy định thiếu chặt chẽ mà do những người có trách nhiệm quyết định nhân sự, trách nhiệm giám sát dòng vốn của Nhà nước đã không làm hết trách nhiệm của mình", ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

Tự vô hiệu hóa mình

Tại một cuộc hội thảo về quản trị DNNN mới, TS Nguyễn Đình Tài thuộc Viện Ngiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay, chủ sở hữu Nhà nước đã không thực sự trở thành chủ sở hữu chuyên nghiệp, có xu hướng tách biệt ra khỏi cơ cấu quản trị của doanh nghiệp.

Một cuộc điều tra trước đây của IFC chỉ ra rằng, việc thực hiện quyền chủ sở hữu Nhà nước kém hiệu quả đến mức 63% ý kiến cho rằng, DNNN ở Việt Nam không có chủ sở hữu thực sự.

Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ về cơ chế giám sát của chủ sở hữu Nhà nước như Bộ quản lý ngành giám sát thực hiện các dự án đầu tư của công ty mẹ, Bộ Tài chính thực hiện giám sát tình hình quản lý, sử dụng vốn, Bộ Kế hoạch và đầu tư giám sát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà chủ sở hữu giao... Nhưng, việc giám sát này hầu hết căn cứ vào các báo cáo hành chính của DNNN mang tính chất thống kê hơn. Tính xác thực của các báo cáo này còn bị bỏ ngỏ khi đa số các công ty Nhà nước không thực hiện kiểm toán độc lập.

gioi thieu

Người ta kỳ vọng vào các ban kiểm soát nội bộ nhưng theo phân tích của TS Nguyễn Đình Tài, bộ máy này lại do các HĐQT hoặc HĐTV lập ra. Nhiều thành viên trong Ban kiểm soát ở các Tổng công ty, Tập đoàn lại kiêm nhiệm chức vụ Kế toán trưởng, Phó Tổng giám đốc. Nhiều trường hợp, ban kiểm soát này chỉ là người đóng dấu cho HĐQT hay HĐTV và giám đốc khi cần thiết...

Rõ ràng, cơ chế như vậy khiến cho Ban kiểm soát không còn là một thể chế độc lập, có chuyên môn và cân bằng được quyền lực của HĐQT hay HĐTV. Họ chỉ như người lao động làm công ăn lương trong công ty Nhà nước. Theo đó, một quan niệm chung đang cản trở hoạt động kiểm soát là vị trí của các kiểm soát viên trong các Tập đoàn, Tổng công ty là cấp dưới, hoàn toàn phụ thuộc HĐQT, HĐTV.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh, mô hình quản trị ở các Tập đoàn, Tổng công ty là 3 trong 1. Bộ vừa là chủ sở hữu, vừa ban hành chính sách, vừa kiểm soát thị trường cho nên khi điều hành sẽ xung đột lợi ích. Ví dụ như câu chuyện giá điện, Bộ Công Thương vừa là cơ quan chủ sở hữu của EVN, vừa kiểm soát EVN và vừa ban hành chính sách giá điện.

Với một cơ cấu tổ chức như vậy, động lực tố giác những sai phạm trong các Tập đoàn, Tổng công ty như ở Vinashin, Vinalines sẽ bị triệt tiêu. Quyết sách của các bộ chủ quản đối với các đơn vị này sẽ thiếu sự công tâm, khách quan. Những kiến nghị về công khai thông tin DNNN, tách bạch chức năng chủ sở hữu Nhà nước và chức năng quản lý Nhà nước... nói nhiều nhưng đến nay không được thực hiện.

Chính vì thế, việc giám sát hoạt động của các DNNN lớn được đầu tư bằng tiền Ngân sách này gần như bỏ trống và mọi sai phạm sẽ chỉ phanh phui khi Thanh tra hay kiểm toán vào cuộc. Hậu quả là nguy cơ thiệt hại kinh tế lên tới hàng nghìn tỷ đồng trở thành sự đã rồi.

Phạm Huyền