'Vụ người thổi còi Snowden' đang trở nên nghiêm trọng và rối ren hơn nữa khi quan hệ quốc tế giữa các quốc gia bị sứt mẻ và chia thành hai phe ủng hộ và chống Mỹ. Sự việc đã vượt ra ngoài phạm vi của một vụ rò rỉ thông tin tình báo.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Hình minh họa chương trình nghe lén của NSA và các quốc gia châu Âu. Ảnh: Economist

Hai đầu chiến tuyến

Hôm 2/7, trong một hội nghị tại Moscow, Tổng thống Bolivia Evo Morales đã đùa rằng ông có thể giúp Snowden tị nạn chính trị. Câu nói chơi này đã khiến cho chuyên cơ của Tổng thống Morales bị hoãn bay 12 giờ đồng hồ tại Vienna và bị lục soát.

Sự việc dấy lên làn sóng phẫn nộ tại các quốc gia Mỹ Latinh khi nhiều lãnh đạo khu vực này đã lên tiếng ủng hộ ông Morales và chỉ trích Mỹ cũng như châu Âu.

Mặc dù thông tin mà Snowden cung cấp về việc Mỹ nghe lén các đồng minh thân cận khiến nhiều quốc gia bàng hoàng và đòi lời giải thích, nhưng thực tế thì châu Âu vẫn rất 'nặng tình' với Mỹ.

Điều này thể hiện rõ khi nhiều quốc gia trong đó có Pháp đã đóng cửa không phận không cho chuyên cơ của Tổng thống Morales bay qua vì nghi chiếc máy bay có chứa chấp Snowden.

Hành động thất thố này đã tạo nên một rào cản nữa giữa Mỹ cũng như châu Âu với các nước Mỹ Latin khi nhiều lãnh đạo quốc gia đã lên tiếng sẵn sàng cho Snowden tị nạn chính trị chỉ nhằm thể hiện thái độ phản đối cách hành xử đối với Tổng thống Bolivia.

Chỉ riêng một nhân vật bị cho là 'phản bội nước Mỹ' đã khiến cho các quốc gia chia thành hai hàng, một bên là các đồng minh châu Âu đứng về phía Mỹ, bên còn lại là các quốc gia Nam Mỹ bị 'xúc phạm' và tuyên bố ủng hộ Snowden.

Edward Snowden đã gửi đơn xin tị nạn chính trị tới 27 quốc gia, và hiện đã có ba quốc gia trả lời sẵn sàng đáp ứng 'người thổi còi' của Mỹ, đó là Bolivia, Nicaragua và Venezuela.

Đồng minh nghi kị

Trong khi đó, cụm từ 'tai ương dồn dập' đã xuất hiện đúng lúc trong vốn từ vựng chính thức của Đức suốt tuần qua. Ở Pháp cũng sử dụng cụm từ tương tự như vậy.

Các quốc gia như Nhật, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải tiêu hóa những chuyện liên quan về bản chất và quy mô của chương trình do thám của Mỹ đối với họ.

Những tài liệu mà cựu nhân viên của nhà thầu của CIA Edward Snowden tiết lộ cho tờ Tấm gương (Đức) và Người Bảo vệ (Anh) nói rằng chương trình của Cơ quan Anh ninh Quốc gia Mỹ (NSA) 'có thể và thường nhắm vào các dấu hiệu' của khoảng 30 quốc gia ở 'bên thứ ba' mà Mỹ có quan hệ thân thiết.

Ngoài các mục tiêu trên, Mỹ còn do thám trụ sở ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels. Những quốc gia đồng minh 'bên thứ hai' được NSA miễn trừ là Australia, Anh, Canada và New Zealand.

Thông tin tiết lộ rằng thậm chí các quốc gia đồng minh thân cận còn do thám lẫn nhau thậm chí không gây ngạc nhiên bằng những gì mà các chính trị gia có thể thừa nhận. Những người trong cuộc khiến cả thế giới mệt mỏi biện hộ rằng một hoạt động gián điệp không chỉ là việc không thể tránh khỏi trong các cuộc đàm phán - nó làm tăng tốc các cuộc đối thoại.

Mỹ công khai xếp Pháp cùng với Israel và Nga là mối đe dọa do thám trên mạng. Chỉ có Trung Quốc là tệ hơn. Ecuardor hôm 2/7 cho biết là họ đã tìm thấy một con 'rệp' (nghe lén) ở sứ quán của họ tại London. Đây là nơi đang bao bọc cho đồng minh của Snowden là nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange.

Câu trả lời chính thức của Mỹ lúc này rất súc tích, nói rằng Mỹ đúng là có các cơ quan tình báo và hoan nghênh thảo luận với các đồng minh của mình.

Những quả bom nổ chậm

Một mâu thuẫn sâu sắc hơn thế tập trung vào việc NSA có thể khai thác từ kho dữ liệu khổng lồ để tìm ra các manh mối về tội phạm và khủng bố.

Cơ sở pháp lý cho việc này lúc nào cũng rắc rối, thường là bí mật và đôi khi rất hời hợt. Những cách mà dữ liệu đi vòng quanh thế giới không hoàn toàn trùng khớp với quyền hạn xét xử của một quốc gia.Việc xác định mức độ áp dụng bảo vệ pháp lý như thế nào rất phức tạp.

Nội dung của các cuộc trao đổi riêng tư của người dân trong nước có thể được cung cấp thường xuyên chỉ khi nào có lệnh của tòa, trong khi 'dữ liệu khổng lồ' của họ - gồm có hướng đi và nguồn gốc của chúng - lại ít tin cậy hơn. Nhưng thậm chí việc tích trữ dữ liệu khổng lồ như vậy có thể vi phạm nghiêm trọng tới quyền riêng tư của cá nhân.

Những lo ngại như vậy đầy rẫy ở Mỹ. Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper đảm bảo với các nghị sĩ ở Mỹ rằng NSA không hề thu thập thông tin của 'hàng triệu người dân Mỹ'. Đến khi các tiết lộ của Snowden cho thấy NSA thực tế có một kho dữ liệu khổng lồ về công dân Mỹ, Clapper lại xin lỗi, và nói rằng câu trả lời dạo trước của ông là 'sai sót': khi ông nghĩ về luật quản trị thông tin tình báo quốc tế, trong đó có việc cấm thu thập dữ liệu về công dân Mỹ, và quên đi mất Đạo luật Yêu nước với điều khoản 215 cho phép FBI có những quyền hành bao quát chung.

Nhưng, nỗi lo sợ ở châu Âu lúc này là, một khi mà Mỹ có quá nhiều dữ liệu trong tay, ai có thể nói rằng các thông tin này sẽ không bị hiểu sai, rò rỉ hay là dùng sai mục đích? Hôm nay, những thông tin này có thể giúp bắt những kẻ khủng bố và tội phạm, nhưng ngày mai thì đó sẽ trở tành một phần trong nền chính trị quyền lực của Mỹ (hoặc thậm chí vì lợi ích thương mại).

Các nhà hoạch định chính sách của châu Âu đã nhận được rất nhiều sự đảm bảo trước khi họ đồng ý chia sẻ dữ liệu về hoạt động chuyển tiền và các danh sách hành khách hàng không với Mỹ. Giờ đây, các thành viên Nghị viện châu Âu đang đe dọa hoãn thỏa thuận này.

Lê Thu (theo Economist, Reuters, AP, RT)