Đây là sự kiện thường niên do Roche Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ chuyên viên xét nghiệm y khoa nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.

Trước bối cảnh bình thường mới tại Việt Nam và thế giới, chương trình năm nay được tổ chức trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho khách tham dự. Nội dung đa dạng với những chia sẻ từ chuyên gia đầu ngành về các cải tiến mới trong việc nâng cao chất lượng xét nghiệm và định hướng phát triển cho tương lai phòng xét nghiệm thế kỷ 21.

Sự thay đổi trong phương thức tổ chức cũng tạo điều kiện để mở rộng chương trình đến nhiều nhân viên y tế hơn, không chỉ trong nước mà còn đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Sáu báo cáo được trình bày tại CPC XII tập trung vào các chủ đề chính gồm: Phương pháp học của phép đo khối phổ, chia sẻ về đo Calci huyết thanh, tầm quan trọng của Procalcitonin giúp ích cho quyết định lâm sàng, các thống kê về ngoại kiểm, hành trình triển khai một xét nghiệm mới và giá trị PTH ở bệnh nhân suy thận mạn.

BS. Qadeer Raza - TGĐ Roche Việt Nam cho biết: “Là tập đoàn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực chẩn đoán, Roche thấu hiểu rằng kết quả xét nghiệm chất lượng là điều trọng trong việc giúp cải thiện việc chăm sóc sức khỏe bệnh nhân và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi vinh dự khi chương trình CPC được tổ chức thành công hàng năm, hỗ trợ các chuyên viên xét nghiệm y khoa trên cả nước nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.”

“70% quyết định y khoa được đưa ra dựa vào kết quả xét nghiệm. Việc nhân viên y tế thường xuyên được cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới là hết sức cần thiết. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Roche Diagnostics Việt Nam, các cá nhân và tổ chức y khoa đã đồng hành cùng chương trình CPC trong suốt thời gian qua” - PGS.TS.BS Hoàng Thị Bích Ngọc, Chủ tịch Hội Hóa sinh y học Việt Nam chia sẻ.

{keywords}
 

Khóa Tập huấn Hóa sinh lâm sàng và Kỹ thuật y học tổ chức lần đầu vào năm 2009. Đây là chương trình được Roche Việt Nam khởi xướng và phối hợp cùng các đối tác trong và ngoài nước thực hiện, để cập nhật kiến thức và kỹ năng chuyên môn đến các cán bộ phòng xét nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả phòng xét nghiệm tại Việt Nam.

Từ những ngày đầu của chương trình đến nay, CPC đã nhận được sự ủng hộ và bảo trợ của nhiều tổ chức y khoa uy tín trong và ngoài nước như: Liên đoàn Hóa sinh lâm sàng quốc tế (IFCC), Liên đoàn Hóa sinh lâm sàng châu Á - Thái Bình Dương (APFCB), Hội Kỹ thuật Xét nghiệm Y khoa TP.HCM (HAMLT), Hội Hóa sinh y học Việt Nam (VACB) và các tổ chức chăm sóc sức khỏe khác.

Các bài báo cáo của CPC XII 2020 sẽ được ghi lại và đăng trên trang điện tử của Liên đoàn Hóa sinh Lâm sàng Quốc tế (IFCC) (www.ifcc.org) để giúp nhiều chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm có cơ hội tiếp cận, học hỏi nguồn tài liệu bổ ích này.

Thúy Ngà