Ngoài việc xử lý tận gốc vấn đề tham nhũng, tập trung giáo dục cho các thế hệ để có được kiến thức sâu rộng, thúc đẩy đào tạo tiếng Anh trở thành một ngôn ngữ thông dụng tiện cho tiếp cận thị trường toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực tay nghề cao, đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế trong thời kỳ đổi mới công nghệ, Singapore còn áp dụng nhiều biện pháp nổi bật khác trong chính sách xúc tiến thương mại, hành chính...

{keywords}
So sánh năng suất lao động của Việt Nam với một số nước, trong đó có Singapore. Ảnh: Hải quan

 

Trọng dụng nhân tài

Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, chế độ trọng dụng nhân tài đã được Đảng Nhân dân hành động (PAP) tin dùng làm chủ thuyết phát triển đất nước. Nó được mở rộng ra cả trong tuyển chọn lãnh đạo chính trị, trở thành nguyên tắc hoạt động của nền công vụ, nguyên lý vận hành của hệ thống chính trị, xã hội Singapore. Thủ tướng Lý Quang Diệu cho rằng, phải có một nền văn hóa trọng dụng nhân tài để xây dựng một nền công vụ hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

Chính phủ muốn động lực vươn tới sự xuất sắc lan tỏa và bao trùm mọi giai tầng, muốn người dân thấy rằng cơ hội bình đẳng dành cho mọi người bất kể nguồn gốc xuất thân, gia thế, địa vị, chủng tộc, tôn giáo hay giới tính… Thủ tướng Diệu từng nói, “tôi không cho phép bất kỳ thành viên gia đình nào không có tài năng được giữ chức vụ quan trọng, bởi đó sẽ là thảm họa đối với Singapore và di sản của tôi”.

Năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn tại Mỹ, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhận được câu hỏi rằng, việc ông lên làm lãnh đạo Singapore có phải là nhờ ảnh hưởng của cha ông hay không. Đáp lại, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng khái nói: “Ở Singapore, chúng tôi trả lương cao để thu hút người tài nhất làm trong chính phủ và bản thân tôi cũng phải chứng minh được điều đó”.

{keywords}
Tỷ lệ giữa kim ngạch thương mại so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Singapore cao hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới. Nguồn: WB

Tiến sĩ Hùng cho rằng, minh chứng về trọng dụng nhân tài vì sự hùng cường của đất nước dễ dàng thấy cả trong lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Văn bia ở Quốc Tử Giám đã khắc rõ: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lớn lao, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà càng xuống thấp. Bởi vậy, các bậc Vua tài giỏi đời xưa, chẳng có đời nào lại không chăm lo nuôi dưỡng và đào tạo nhân tài bồi đắp thêm nguyên khí”.

Chiến lược kinh tế, xã hội

Trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến sĩ Bùi Ngọc Sơn thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định, Singapore có chiến lược xuất khẩu rất thông minh với lộ trình rõ ràng.

Thực tế, các tài liệu nghiên cứu cho thấy, vào giữa những năm 1970, Singapore tập trung khuyến khích đầu tư vào khu vực công nghiệp, thiết bị y tế điện tử, linh kiện ô tô... Giai đoạn 1980-1990, Singapore tập trung phát triển điện tử và vận tải biển. Tới những năm 2000, nước này chuyển qua các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ tài chính....

Theo Tiến sĩ Sơn, Việt Nam đã và đang đi trên con đường xuất khẩu nguyên liệu thô, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng lao động lớn như dệt may, nông thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam cần thay đổi cơ cấu xuất khẩu dệt may, giảm bớt tỷ lệ gia công. Ngoài ra cần kể tới hướng đi mới là gia công phần mềm.

{keywords}
Singapore xếp thứ hai toàn cầu về môi trường kinh doanh. Ảnh: WB

Về tỷ giá hối đoái, theo ông Sơn, với chính sách thắt chặt tiền tệ trong nước, Việt Nam tránh được căng thẳng không đáng có với các quốc gia khác, gia tăng vị thế trên trường quốc tế. Còn đối với nhu cầu phải đẩy mạnh xuất khẩu tạo nguồn vốn tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, Việt Nam có thể sử dụng một số chính sách trợ cấp xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển. Đây cũng là chính sách mà Singapore đã áp dụng rất thành công và đạt được tăng trưởng vượt bậc.

Trong một bài phân tích, Tạp chí Tài chính cho biết, Singapore đang phấn đấu để trở thành trung tâm thương mại và dịch vụ lớn nhất thế giới. Họ đang tự xây dựng thành trung tâm về quản lý vốn và dịch vụ ngân hàng cá nhân. Với lợi thế về cơ chế luật lệ rộng mở, thông thoáng, minh bạch và việc sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong giao dịch quốc tế, Singapore đã tạo ra một sân chơi tuyệt vời để thu hút giới tài chính quốc tế đổ về kinh doanh, tạo ra một lượng lợi nhuận khổng lồ.

Một kinh nghiệm khác, theo Tiến sĩ Sơn, là Singapore đã rất quan tâm, chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại nhằm đa dạng hóa thị trường, mở rộng đến các thị trường chưa được khai phá. Ông Sơn cho rằng, Việt Nam trước mắt cần tập trung tăng cường mối quan hệ thương mại với các thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu và Trung Quốc. Đây là những đối tác giúp Việt Nam tiêu thụ được các mặt hàng xuất khẩu và đem đến những lợi ích căn bản như nguồn vốn ODA, FDI và chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các thị trường tiềm năng khác cũng cần được quan tâm.

{keywords}
Đất nước Singapore sạch, đẹp là ấn tượng đầu tiên đối với những ai đến đây. Ảnh: Agoda

Ở một góc nhìn khác, theo Tạp chí Tài chính, thế giới gọi Singapore là công viên trong thành phố. Một điều khá thú vị, Thủ tướng Lý Quang Diệu sau khi đến thăm quan Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ 20, nhìn thấy con đường Cổ Ngư (Đường Thanh Niên bây giờ) với những hàng cây xanh mướt, đã mang chính mô hình cây xanh ở Việt Nam về áp dụng. Singapore hiểu sâu sắc rằng, cây xanh là môi trường sống còn của họ, chính vì vậy mà bây giờ đất nước họ xanh, sạch và đẹp.

Ấn tượng đầu tiên cho những ai đặt chân đến Singapore, là sự sạch sẽ. Tất cả nhà cửa, đường phố… đều sạch bong. Để có điều này, trước tiên là do có các quy định nghiêm minh của pháp luật trong tiết chế các hành vi nhân sự. Bên cạnh đó, người dân nơi đây ý thức đến mức có thể gọi là văn minh tự giác trong mọi sinh hoạt đời sống. Chính từ ý thức tự giác này mà chính phủ tiết kiệm được rất nhiều chi phí để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, xử lý vi phạm…

Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng, hiện Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với thời điểm Singapore hóa rồng. Dân số của Việt Nam đông hơn, lại đang trong thời kỳ dân số vàng với 70% dưới 35 tuổi. Diện tích của Việt Nam lớn hơn, tài nguyên thiên nhiên nhiều và phong phú hơn. Trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam cũng rất tốt... "Bởi vậy, rõ ràng nếu không hóa rồng là do chúng ta không chịu hóa rồng, chứ không thể nói rằng chúng ta không có điều kiện", Tiến sĩ Hùng nhận định.

Lê Minh (Tổng hợp)

Singapore từ đói nghèo đến thịnh vượng

Singapore từ đói nghèo đến thịnh vượng

Với diện tích vẻn vẹn 725km vuông, không có tài nguyên thiên nhiên... nhưng Singapore lại có nền kinh tế phát triển mạnh, tỷ lệ việc làm và tuổi thọ cao hơn nhiều nước lớn.