Mỹ sẽ điều các máy bay tối tân nhất của mình là F-35 tới căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật và tăng cường đáng kể hiện diện quân sự tại Philippines.

Mỹ tăng cường tập trận chung với các đồng minh trong khu vực châu Á là Philippines và Nhật Bản, Hàn Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai các máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 tới căn cứ không quân Mỹ ở Iwakuni tại quận Yamaguchi của Nhật vào năm 2017.

Như vậy, Nhật sẽ là nơi những chiếc máy bay đắt tiền và hiện đại nhất của Mỹ triển khai ở nước ngoài.

Hãng tin Kyodo của Nhật cho rằng việc xem xét triển khai các máy bay chiến đấu này là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm tái cân bằng lại vị thế toàn cầu và hiện diện nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh Mỹ đang kiện toàn quân đội.

Đề cập về kế hoạch củng cố sự hiện diện và tiềm lực của Mỹ trong khu vực, ông Panetta phát biểu rằng kế hoạch này của Washington bao gồm 'việc triển khai các máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên ở nước ngoài là tới Iwakuni vào năm 2017'.

Căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại  Iwakuni cách Bắc Kinh 1537km và cách Bình Nhưỡng 790km.

Trong khi đó, cùng tháng này Mỹ tuyên bố rằng họ sẽ tăng số lượng binh sĩ, máy bay chiến đấu và tàu thuyền luân phiên tới Philippines. Tuyên bố này được đưa ra trong kỳ Đối thoại Chiến lượng song phương Philippines - Mỹ hôm 11-12/12 vừa qua tại Manila.

Tạp chí Diplomat cho biết hai quốc gia đang được kỳ vọng sẽ ký kết một kế hoạch tập trận quân sự chung kéo dài 5 năm trong các cuộc họp tới đây.

"Hiện vẫn chưa có thảo luận cụ thể [về trang thiết bị quân sự]... (đã có) các tham vấn chính sách và các chi tiết cụ thể sẽ được các nhóm làm việc về kỹ thuật xác định" - Thứ trưởng Quốc phòng Philippines nói trong buổi đối thoại thường niên.

Mỹ đã giúp Philippines xây dựng quân đội và các lực lượng an ninh suốt nhiều năm liền, cũng như hỗ trợ tài chính để đổi lấy sự hiện diện lớn hơn của Mỹ tại quốc gia này.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama nhậm chức, Washington đã 'rót' cho Manila không dưới 700 triệu USD.

Tuy nhiên, theo phóng viên John Glaser của tờ AntiWar, việc Mỹ hiện diện ở Phippines quan trọng với chính quyền Obama tới mức mà có vẻ như Manila sẽ còn tiếp tục nhận thêm các khoản trợ giúp tài chính nữa, cùng với đó là tăng cường hỗ trợ quân sự. Nhưng Mỹ sẽ không bao giờ thừa nhận rằng mục đích chính của họ là duy trì vị thế siêu cường của mình trong khu vực.

Mỹ tuyên bố rằng sự hỗ trợ về mặt quân sự này của Washington là nhằm giúp đỡ Manila phản ứng trước các thảm họa thiên nhiên thường xuyên xảy ra tại Phililppines. Để trấn an Trung Quốc, Mỹ nhấn mạnh vào bản chất nhân đạo của hiện diện quân sự của mình, đặc biệt là sau khi cơn bão Bopha đã khiến hơn 900 người Philippines thiệt mạng gần đây.

Với một lượng lớn tàu chiến, máy bay chiến đấu và quân đội, Mỹ đang có được một sự thiết lập lớn hơn nữa trong khu vực đông Á, mà trước tiên là tại các quốc gia đồng minh thân cận nhất.

  • Lê Thu (theo RT/Kyodo)