Sau hơn 3 năm triển khai, chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua Bưu điện đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với 14.400 điểm, chi trả cho 2,9 triệu người và số tiền chi trả lên tới 8.000 tỷ đồng/tháng.

63 tỉnh, thành phố chi trả lương hưu qua Bưu điện

Từ năm 2011, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện thí điểm công tác chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng tại 12 Bưu điện, tỉnh, thành phố. Ngày 17/4/2013, Chính phủ tiếp tục cho phép Bưu điện Việt Nam và Bảo hiểm xã hội phối hợp triển khai, mở rộng công tác chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua Bưu điện trên phạm vi toàn quốc.

{keywords}

Đến nay, công tác chi trả lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua Bưu điện đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố. Tổng số điểm chi trả do bưu điện thực hiện là hơn 14.400 điểm, số người hưởng lên tới 2,9 triệu người, số tiền chi trả là 8.000 tỷ đồng/tháng.

Cầm sổ hưu và số tiền vừa được nhận trên tay, ông Đinh Văn Thủy, xã Sủ ngòi, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Mỗi lần đến lấy lương chỉ cần chờ khoảng từ 5 đến 6 phút. Số tiền nhận lương chúng tôi luôn nhận đầy đủ, thậm chí còn được làm tròn thêm trăm đồng. Dù số tiền với từng người nhận không lớn, nhưng nếu nhân lên với hàng triệu người trên cả nước thì chắc chắn số tiền Bưu điện bỏ ra để bù vào sẽ không hề nhỏ”.

Chị Trần Thị Hồng Nhạn, cán bộ chi trả của Bưu cục Hưng Lợi cho biết, “bưu cục chi trả hơn 300 suất lương hưu. Dù là 12h trưa hay 6h tối, nếu còn các cô chú, các bác đến lĩnh thì chúng tôi vẫn làm việc bình thường, phát hết mới nghỉ. Với một số trường hợp ốm đau bệnh tật, những trường hợp người hưởng hơn 80 tuổi không thể đến điểm chi trả, chúng tôi tổ chức chi trả tại nhà miễn phí”.

Ứng dụng CNTT trong chi trả lương hưu

Để hỗ trợ công tác quản lý cũng như việc chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội được nhanh chóng, chính xác và an toàn, Bưu điện Việt Nam hiện đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này.

Nhiều đơn vị đã tổ chức chụp hình ảnh người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận thay và lưu vào hệ thống, tạo được mã định danh cho từng người hưởng (tạo mã vạch) và in sẵn trên sổ lĩnh lương hưu.

{keywords}

Khi người hưởng đến xuất trình sổ, nhân viên chi trả chỉ cần quét mã vạch in sẵn trên sổ thì hệ thống sẽ truy xuất dữ liệu người hưởng (không phải tìm kiếm thủ công trên danh sách như phương thức cũ), rút ngắn thao tác kiểm tra chứng minh nhân dân.

Anh Trần Quốc Huy, Bưu điện Trung tâm 2, TP. Hà Nội cho biết: “Khi chi trả, nhân viên bưu điện căn cứ vào số sổ bảo hiểm xã hội và ảnh của đối tượng nhận lương hưu trên phần mềm để thực hiện việc chi trả đúng đối tượng và đúng số tiền. Phần mềm cũng giúp theo dõi lịch sử chi trả lương hàng tháng, qua đó, nhân viên bưu điện thực hiện các thủ tục chi trả rất nhanh chóng và có độ chính xác cao trong việc quản lý dòng tiền”.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn giúp tăng hiệu quả hoạt lý hoạt động chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Ngay sau khi nhân viên bưu điện thực hiện việc chi trả tiền cho người lĩnh lương hưu, số liệu được cập nhật ngay trên hệ thống thông tin của mạng lưới Bưu điện Việt Nam, các cấp lãnh đạo và các địa phương đều biết thực tế đã chi trả được bao nhiêu tiền, ở từng phường, từng địa phương, người nào đã nhận và người nào chưa được nhận.

Chi trả người có công qua Bưu điện

Hiện cả nước có 1,3 triệu người có công với cách mạng. Nhằm thực hiện phương thức chi trả theo hướng nhanh, gọn, chính xác, an toàn, giúp cho các cơ quan quản lý có thể thực hiện các chế độ, chính sách một cách thuận tiện và minh bạch hơn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Quảng Nam (từ tháng 8/2015) và tỉnh Đồng Nai (từ tháng 11/2016).

Thực tế hiện nay, tại nhiều địa phương có đối tượng là người hưởng cùng lúc hai chế độ: trợ cấp ưu đãi Người có công và chế độ Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên người lĩnh chế độ phải đi tới hai nơi, vừa mất thêm thời gian mà lại gia tăng chi phí đi lại.

Từ thành công của việc chi trả lương hưu, chi trả trợ cấp xã hội... đặc biệt trên cơ sở thực hiện thí điểm tại hai tỉnh: Quảng Nam, Đồng Nai, nhiều ý kiến cho rằng nên tổ chức chi trả trợ cấp ưu đãi người có công kết hợp cùng với chi trả lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội qua bưu điện.

Doãn Phong