UBND tỉnh Bình Dương chiều nay (27/7), có văn bản mới về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.
Khu vực trung tâm TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) chiều ngày 27/7 |
Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh ký ban hành.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu người dân không ra đường từ 18h đến 6h sáng hằng ngày, trừ trường hợp cấp cứu, công vụ hoặc theo yêu điều phối để phòng, chống dịch. Thời gian áp dụng bắt đầu từ 18h ngày mai (28/7) cho đến khi có thông báo mới.
Cụ thể, các trường hợp được lưu thông, hoạt động trong thời gian hạn chế như sau: Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng và các cán bộ, công chức giúp việc cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương.
Các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; Lãnh đạo các Sở, ngành; các cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc trực tiếp cho lãnh đạo Tỉnh ủy và Lãnh đạo UBND tỉnh...
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài của tỉnh và của các cơ quan Thường trú của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch, bệnh; phương tiện đưa đón công nhân tại các DN đang thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến": phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, các nhà thuốc.
Ngoài ra, Bình Dương cũng sẽ thành lập một đội phản ứng nhanh, có sự tham gia của lãnh đạo công an tỉnh nhằm xử lý các tình huống liên quan.
Để đảm bảo việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, tỉnh Bình Dương sẽ tiếp tục đưa vào sử dụng thêm hai bệnh viện dã chiến tại Trường đại học Việt - Đức quy mô 3.000 giường và 800 giường tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.
Cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng ký văn bản hỏa tốc về việc khẩn trương triển khai các biện pháp thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người dân không ra đường kể từ 18h ngày hôm trước đến 6h hôm sau, trừ các trường hợp như đã nêu trên.
UBND tỉnh Đồng Nai tối nay (27/7) đã ban hành văn bản về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu người dân không ra đường từ 18h đến 6h ngày hôm sau. Thời gian thực hiện từ 18h ngày 28/7 đến hết ngày 1/8.
Các nhóm đối tượng được hoạt động, lưu thông trong khung giờ hạn chế, cụ thể:
Các trường hợp cấp cứu, cứu hỏa, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ quan nhà nước có giấy xác nhận của Thủ trưởng cơ quan về việc phân công nhiệm vụ công tác.
Các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch...
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn yêu cầu các cá nhân, hộ gia đình kinh doanh tạm dừng các dịch vụ cung cấp đồ ăn, thức uống chế biến sẵn (kể cả mua hàng mang về) từ 0h giờ ngày 29/7.
Năm tỉnh miền Tây yêu cầu người dân không ra đường sau 18h
Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long.... vừa ban hành văn bản yêu cầu người dân không ra đường sau 18h. Tỉnh Bến Tre còn quy định thêm giờ đi chợ cho người dân.
Xuân An