Ngày 27/7, UBND tỉnh Bến Tre có công văn về việc quy định khung giờ của một số hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre quy định, khung giờ người dân không được ra đường (trừ trường hợp cấp cứu, đi mua thuốc trị bệnh, thi hành công vụ, chuyên chở hàng hóa thiết yếu… và các vấn đề cấp thiết khác) là từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau.
Khung giờ đi chợ từ 6h - 10h và từ 14h - 17h hàng ngày. Các quy định trên được áp dụng toàn tỉnh, bắt đầu từ 6h ngày 28/7.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu hệ thống chính trị, các tổ chức đoàn thể triển khai đi mua hàng hóa thiết yếu, thực phẩm giúp người dân để hạn chế tối đa việc đi lại.
Lực lượng công an các tỉnh, thành miền Tây ra quân nhắc nhở, xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng |
UBND tỉnh Tiền Giang cũng có công văn về việc giới hạn thời gian ra đường. Theo đó, từ hôm nay cho đến hết ngày 1/8, người dân trên địa bàn tỉnh không được ra đường từ 18h đến 6h.
Các trường hợp được ra đường trong khung giờ nói trên gồm: Cấp cứu, lực lượng thực hiện, phục vụ, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Lực lượng công an, quân sự, biên phòng… thực hiện nhiệm vụ; công nhân vệ sinh môi trường, đô thị xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Các cửa hàng xăng dầu thuộc Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng trực tiếp quản lý để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.
Các phương tiện vận chuyển từ địa phương khác đi ngang qua địa bàn tỉnh trên các tuyến quốc lộ thì thực hiện theo quy định của Bộ GTVT và Bộ Y tế nhưng không được dừng, đỗ.
Tương tự, trưa 27/7, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long có công văn yêu cầu người dân không ra đường từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau.
Các trường hợp được phép hoạt động, ra khỏi nhà trong khu giờ nói trên là: Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng, chống dịch; lực lượng phòng chống thiên tai.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh; lực lượng phát hành báo.
Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; xử lý sự cố về điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật.
Các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, xe đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch; đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện "1 cung đường - 2 điểm đến".
Xe vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hoá xuất nhập khẩu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu; các trường hợp cấp thiết khác (tùy theo tình hình thực tế).
UBND tỉnh Hậu Giang vừa có văn bản quy định thời gia ra đường. Cụ thể, từ 18h hôm trước đến 5h hôm sau, người dân không ra đường, trừ trường hợp cấp cứu, lực lượng làm công tác phòng, chống dịch…
Trước đó, tỉnh Bạc Liêu đã yêu cầu hạn chế tối người dân ra đường ban đêm (từ 18h đến 5h sáng).
Tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), UBND TP tuy chưa hạn chế người ra đường từ sau 18h nhưng đã có văn bản đề nghị các cơ sở kinh doanh cửa hàng tiện ích, các cửa hàng Vinmart+, Bách Hoá Xanh, siêu thị Vincom Plaza, Coopmart… trên địa bàn không mở cửa kinh doanh, mua bán, phục vụ khách hàng sau 18h từ ngày 26/7 cho đến khi có văn bản khác của thành phố.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM và tỉnh Bình Dương về đón công dân người Cần Thơ về.
Theo đó, UBND TP Cần Thơ đề nghị TP.HCM và Bình Dương phân công cơ quan đầu mối lập danh sách các công dân là người Cần Thơ có nhu cầu về. Tạo điều kiện xét nghiệm tập trung cho các công dân nói trên trước khi về Cần Thơ.
UBND TP Cần Thơ sẽ bố trí xe đến địa điểm tập kết do TP.HCM và Bình Dương chỉ định để đón công dân, đưa về khu cách ly tập trung tại thành phố. Khả năng TP Cần Thơ sẽ đón 400 công dân về từ TP.HCM và 600 người về từ Bình Dương
Hoài Thanh
Tỉnh đầu tiên ở miền Tây hạn chế người dân ra đường ban đêm
Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu yêu cầu hạn chế tối người dân ra đường ban đêm, từ 18h đến 5h sáng trong thời gian giãn cách xã hội.