Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. 

Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Đến nay, sau hơn 01 năm triển khai, Chương trình OCOPđã có những kết quả vượt bậc cả về số lượng sản phẩm tham gia chương trình, mẫu mã, chất lượng được từng bước khẳng định, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng quê gắn với bảo tồn văn hoá và đặc trưng của mỗi vùng miền.

Trong 58/63 tỉnh ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch/Đề án thực hiện Chương trình,  có 19 tỉnh ban hành Kế hoạch, 32 tỉnh ban hành Đề án, 5 tỉnh ban hành cả Đề án và Kế hoạch. Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa OCOP đến năm 2020 là 3.715 sản phẩm. Trong đó nhóm Thực phẩm có 2.123 sản phẩm, nhóm Đồ uống có 387 sản phẩm, nhóm Thảo dược có 260 sản phẩm, nhóm Vải may mặc 100 sản phẩm, nhóm Lưu niệm, nội thất trang trí, có 657 sản phẩm và nhóm Dịch vụ, du lịch và bán hàng có 188 sản phẩm.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng Mỹ Đức có thể vừa trồng sen làm du lịch vừa kết hợp lấy tơ sen dệt lụa để tạo thành ngành nghề chính của địa phương (ảnh: LAD)

Tổng nguồn lực huy động dự kiến đạt gần 9.559 tỷ đồng. Đã có 08 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng và có Quyết định công nhận cho 374 sản phẩm OCOP, trong đó có 08 sản phẩm 5 sao, 134 sản phẩm 4 sao, 132 sản phẩm 3 sao.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Thị Nguyệt đoàn Hưng Yên về sản phẩm OCOP tại phiên chất vấn chiều ngày 6/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ quyết định mới gần đây từ ngày 7/5/2018. Đây là một chủ trương lớn, đúng nhưng rất cần thời gian. 18 tháng qua phải khẳng định là các tỉnh đã làm được rất nhiều việc.

Một là, hệ thống quản lý, điều hành của chương trình OCOP đồng bộ, chúng ta đã hình thành từ Trung ương, đến tỉnh đến huyện.

Hai là, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành bộ tiêu chí phân dạng, căn cứ vào tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản xuất hàng hóa của Việt Nam, căn cứ 17 khuyến nghị của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, căn cứ 169 tiêu chí mà Liên hợp quốc khuyến nghị ta đưa vào hết, đã ban hành được.
Ba là, 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã phê duyệt được đề án chương trình. Đây cũng là một cố gắng rất lớn.

Bốn là, huy động được 6.100 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia cùng với bà con nông dân.

Năm là, đã tổ chức ba cấp Trung ương, tỉnh, huyện cho trên 20.000 CEO được tập huấn kỹ thuật, tiến tới để hình thành những chủ nhân của chuỗi sản xuất đó và đã có 10 tỉnh tổ chức đánh giá phân hạng công nhận cho 494 sản phẩm của OCOP. Theo kế hoạch, đến năm 2020, chúng ta sẽ có 3749 sản phẩm.

“Chúng tôi cho rằng đây là một chủ trương đúng và chúng ta triển khai rất quyết liệt, rất đáng biểu dương các tỉnh và các lực lượng tham gia công tác này”. Theo Bộ trưởng, hơn 1 năm mà làm được một khối lượng công việc như vậy là rất tốt.

Song, trong thời gian tới sẽ phải có sự phối kết hợp để cố gắng làm đến đâu, chắc đến đấy, tránh việc chạy theo số lượng, không đảm bảo được chất lượng hàng hóa, Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Còn ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh về cây sen và ứng dụng một trong những tiến bộ mới để phát huy ngành nghề cũng như đưa sản phẩm rất thân thiện môi trường , đó là sản phẩm tơ từ cây sen. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường xin biểu dương chị em phụ nữ rất khéo tay, sáng tạo.

Chỗ chị Khánh, chị Thuận ở Mỹ Đức cùng nhóm tác giả này đã sáng tạo ra một sản phẩm rất thân thiện môi trường , dùng tơ của cây sen cộng với bàn tay khéo léo của phụ nữ Việt Nam để ra được những sản phẩm lụa thiên nhiên 100% rất quý. “Chúng tôi rất hoan nghênh ý tưởng và sức sáng tạo này. Chúng tôi xin nhất trí đề nghị “của Hà Nội đưa vào sản phẩm OCOP trong chương trình phát triển nông thôn mới”, ông nói.

“Vừa qua Thủ tướng cũng nhận được một chiếc khăn tặng  Bộ trưởng cũng nhận được một khăn tặng, mùi rất thơm, đến hôm nay vẫn còn th ơm. Rất hoan nghênh việc này”, Bộ trưởng chia sẻ.
Theo Bộ trưởng Cường, trước hết mở rộng cách làm tơ sen ra Mỹ Đức, sau này mở rộng ra một số huyện phía Nam của thành phố Hà Nội . 

Đây là vùng trũng trong tái cơ cấu nông nghiệp, không gì bằng là tập trung hình thành cây sen. Theo đó, thay bằng chuyện hàng năm cứ mất tiền bơm nước để giữ cho lúa thì bây giờ biến vùng đó thành một vùng trồng sen làm du lịch kết hợp với làm tơ sen. Nếu làm tốt thì đây trở thành nghề chính đón du lịch vào rất tốt.

Bài: Trần Hồng Kiên - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Hồng Phúc - nhóm PV