- Thực trạng già nua của KTT không thể không cải tạo; UBND TP.Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; chủ đầu tư đã lập quy hoạch chi tiết, lên phương án tái định cư, đền bù, hỗ trợ… cho các đơn vị, tổ chức và các hộ dân hiện đang sinh sống tại vị trí khu đất. Vì sao dự án vẫn chậm triển khai?

Bài 1: Khu đất vàng giữa Thủ đô thành “dự án chết”?

Dự án xây dựng lại khu tập thể và cải tạo, sắp xếp lại trụ sở làm việc tại địa chỉ số 30A Lý Thường Kiệt – 33 Hàng Bài đang sắp thành "dự án chết", khi nó bị chậm tiến độ từ năm 2011 đến nay.

“Ủng hộ, nhưng cần công khai minh bạch”

Như VietNamNet đã thông tin, dự án xây mới KTT và sắp xếp, cải tạo văn phòng làm việc tại địa chỉ 30A – 33 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang chậm tiến độ gần hai năm qua.

Việc chậm tiến độ trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống người dân và các tổ chức đang sinh sống, làm việc tại đây.

{keywords}
KTT được xây dựng từ thời Pháp thuộc đang nằm trong dự án cải tạo, xây mới.

Thời điểm hiện tại, 24/38 hộ dân đã di dời, tạm cư sang chỗ ở mới để trả đất cho dự án. 4/5 tổ chức, đơn vị cùng đã di chuyển sang trụ sở tạm .

Trao đổi với VietNamNet, ông Bùi Tất Bí (sống tại phòng 45, tầng 3 KTT) – một trong số những hộ dân chưa di dời, cho hay: rất nhiều hộ dân bức xúc về việc chủ đầu tư và chính quyền sở tại không cung cấp thông tin công khai, minh bạch về dự án cho người dân được biết?!

Các hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi UBND quận Hoàn Kiếm, UBND TP.Hà Nội để yêu cầu cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề mà người dân quan tâm.

{keywords}
Thời điểm hiện tại, 24/38 hộ dân đã di dời để trả đất cho dự án.

Các ông bà Đoàn Thị Vân, Trần Văn Cương… cũng có chung kiến nghị: chủ đầu tư và chính quyền các cấp của quận Hoàn Kiếm cần trao đổi rõ những vấn đề mà người dân còn thắc mắc, như phương án đền bù, phương án tái định cư tại chỗ hay “nhà đổi nhà”.

Bà Vân cho biết: “Chúng tôi đồng tình với chủ trương của thành phố nhưng chủ đầu tư cần đối thoại với các hộ dân để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho gia đình chúng tôi”.

Theo ông Bí: hầu hết các hộ dân sinh sống tại KTT này đã được vài chục năm. Họ đều là cán bộ, nhân viên công tác tại các đơn vị thuộc Tổng cục Du lịch trước đây, được cơ quan cấp nhà để ở.

“Mặc dù được xây dựng từ thời Pháp, tuy nhiên, chúng tôi thấy KTT này vẫn còn vững chắc, chưa xuống cấp. Nếu UBND quận có chủ trương cải tạo, xây mới lại khu chung cư thì cần bàn bạc và được sự chấp thuận của tất cả chúng tôi” – ông Bí nói.

{keywords}
Dự án chậm tiến độ gần hai năm qua đã gây ảnh hưởng đến đời sống, công việc của các hộ dân, tổ chức... sinh sống và hoạt động tại địa chỉ này.

Cho rằng không được công khai thông tin về dự án, nhiều vấn đề sai quy trình, thời hạn (như việc gửi các văn bản, thông báo đến người dân), các hộ dân đã có đơn khiếu nại gửi UBND quận Hoàn Kiếm và TP.Hà Nội trong thời gian gần 2.

Ngày 26/4/2013, UBND quận Hoàn Kiếm đã có QĐ 710 về việc giải quyết khiếu nại của công dân. Theo QĐ này, UBND quận Hoàn Kiếm ra quyết định giữ nguyên việc triển khai thực hiện dự án; giao Hội đồng BTGPMB, UBND phường Hàng Bài; Ban BTGPMB quận sao gửi các văn bản thông báo tới các hộ dân.

UBND quận Hoàn Kiếm cũng hướng dẫn các hộ dân nếu chưa đồng ý với QĐ giải quyết khiếu nại có thể khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được QĐ 710.

Ngày 20/8/2013, UBND TP.Hà Nội tiếp tục giao Thanh tra TP.Hà Nội xem xét, kết luận đơn của 14 hộ dân khiếu nại QĐ số 710; thành lập tổ xác minh của Thanh tra TP để trả lời đơn thư khiếu nại công dân.

Song hành với những chỉ đạo này, ngày 08/12/2014, UBND TP.Hà Nội có QĐ 6515 về việc giải quyết đơn thư khiếu nại. Theo đó, Hà Nội đồng ý giữ nguyên nội dung QĐ 710 của UBND quận Hoàn Kiếm, đồng thời hướng dẫn các hộ dân nếu không chấp thuận có quyền khởi kiện hành chính.

Đặt câu hỏi, nếu không chấp thuận với các QĐ trả lời đơn thư khiếu nại của quận Hoàn Kiếm và UBND TP.Hà Nội; đã được hai cơ quan trên hướng dẫn có thể khiếu kiện ra Tòa hành chính, nhưng tại sao không có hộ dân nào khiếu kiện, ông Bí cho biết: “Chúng tôi đang cư trú hợp pháp, lâu dài, không có nhu cầu chuyển đổi… nên không việc gì phải khiếu kiện”.

Bên cạnh đó, 24 hộ dân đã di dời, trả đất cho dự án từ tháng 9/2012 cũng đã có đơn “thúc tiến độ” gửi UBND quận Hoàn Kiếm và chủ đầu tư.

Trong đơn này, các ông bà Trần Thanh Hà, Đào Thế Hùng, Nguyễn Đình Quân, Đoàn Văn Nghị, Nguyễn Bá Phương… đều khẩn thiết yêu cầu chính quyền quận và chủ đầu tư trả lời cho người dân về tiến độ dự án sau khi chậm tiến độ gần hai năm; yêu cầu quận và chủ đầu tư phải tiếp tục hỗ trợ cho các hộ dân trong thời kỳ đi thuê nhà để chờ dự án bàn giao…

Chủ đầu tư “kêu” bị gây sức ép?

Theo phương án về tái định cư, hỗ trợ, bồi thường, tạm định cư cho các tổ chức, hộ dân… trong thời gian thi công dự án, Cty CP tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu (gọi tắt là Cty Toàn Cầu) đã trình xin ý kiến và được sự chấp thuận của các Sở, ban ngành và Hà Nội.

{keywords}
Nằm ở vị trí đất vàng của Thủ đô, nếu thành công, đây sẽ là một trong số ít những dự án nằm trong chủ trương cải tạo các KTT, chung cư cũ trên địa bàn TP.

Dự án được thực hiện theo phương án “nhà đổi nhà”: chủ sử dụng nhà, đất không phải trả tiền khi được bố trí tái định cư (trường hợp diện tích bố trí cao hơn diện tích thu hồi đã quy đổi, các hộ dân chỉ phải nộp tiền theo suất đầu tư xây dựng không vượt quá 15 triệu đồng/m2). Chủ đầu tư sử dụng phần diện tích còn lại (sau khi đã tái hoàn trả) để kinh doanh hoàn vốn.

Tại tờ trình số 541/TTr-BCĐ ngày 09/8/2011 của Ban chỉ đạo GPMBTP gửi UBND TP.Hà Nội, chính sách tái định cư được áp dụng cho các hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện được tái định cư, bố trí chỗ ở theo phương án: các hộ dân sẽ tái định cư tại chỗ với diện tích bằng 1,5 lần diện tích hợp pháp cũ được cấp thẩm quyền xác nhận; cộng với hệ số chuyển tầng (tăng 10% diện tích TĐC cho một tầng cao và không quá 50% diện tích.

Tổng cộng các hộ gia đình, cá nhân sẽ được bố trí tái định cư khi cộng với hệ số chuyển tầng với diện tích bằng từ 1,65 – 2,25 lần diện tích cũ (tùy vị trí tầng bốc thăm). Phần diện tích này không phải trả cho chủ đầu tư.

Đối với phần diện tích gác xép được quy đổi với hệ số 0,2 để cộng vào phần diện tích hợp pháp. Phần diện tích nhà tắm, vệ sinh chung tại tầng 1 (của cả KTT) được chủ đầu tư phân bổ vào diện tích hợp pháp theo đề nghị, nguyên tắc thống nhất chung của các hộ.

Đối với các hộ sử dụng thuộc sở hữu nhà nước nếu có khả năng và đủ điều kiện mua nhà sẽ áp dụng theo NĐ 61/CP, nghĩa là chủ sử dụng nhà sẽ phải nộp tiền mua nhà tại thời điểm ký kết HĐ mua phần diện tích đang sử dụng hợp pháp cũ tại thời điểm ký kết.

Trong thời gian thi công dự án, các hộ dân, tổ chức được chủ đầu tư hỗ trợ di chuyển chỗ ở, hỗ trợ ổn định đời sống; được bố trí tạm cư tại tổ 28 phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng; hỗ trợ vận chuyển di dời hai chiều đi – về.

Với các hộ, cá nhân tự lo tạm cư, chủ đầu tư sẽ hỗ trợ kinh phí thuê nhà với trường hợp tự nguyện bàn giao mặt bằng là 500.000 đồng/người/tháng, không quá 5 triệu đồng/hộ/tháng hoặc 2 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, khác với những gì người dân nói, đại diện chủ dự án cho biết: một số hộ dân đang “gây sức ép” với doanh nghiệp. Họ không chấp thuận phương án đền bù, tái định cư mà yêu cầu được “mua đứt, bán ngọn” với giá tiền từ 4 – 5 tỷ đồng cho một căn hộ có diện tích 20m2 hợp pháp, vài ba m2 cơi nới, lấn chiếm.

“Mức giá trên là không thể chấp nhận được, bởi tính ra, giá trị một m2 nhà lên tới trên dưới 200 triệu đồng/m2. Đây là dự án xã hội hóa, cải tạo KTT cũ bị xuống cấp hư hỏng theo chủ trương chung của TP chứ không phải dự án thương mại. Chính sự bất hợp tác này đã gây tổn thất rất lớn cho chúng tôi” – đại diện chủ đầu tư nói.

Kiên Trung