- Bàn dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) chiều 5/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhấn mạnh tổ chức công đoàn phải chủ động xác lập và khẳng định vai trò của mình đối với người lao động và doanh nghiệp.

Phải thuyết phục được công nhân

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng lưu ý việc ban hành luật này phải được xem xét trong bối cảnh mới khi Việt Nam đã là thành viên WTO, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và kinh tế thị trường được thúc đẩy, các thành phần kinh tế khác nhau bình đẳng trước pháp luật…, tình hình và đối tượng điều chỉnh đã khác đi, cùng với nhiều chính sách đã thay đổi.
Khi đã được thuyết phục về vai trò của công đoàn, chính người lao động sẽ đấu tranh để có công đoàn trong doanh nghiệp mình. Ảnh minh họa: Minh Thăng
Theo ông Hùng, công đoàn phải xác lập được vị thế thực chất ở các doanh nghiệp, chứ không chỉ đơn giản là căn cứ trên các quy định văn bản giấy tờ.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì cho rằng công đoàn không thể chỉ tuyên truyền suông mà phải thực sự cho người lao động thấy lợi ích của họ khi trở thành công đoàn viên.

Khi đã thuyết phục được công nhân về vai trò của mình thì công đoàn không cần phải vận động để được thành lập mà chính người lao động sẽ đấu tranh để có công đoàn trong doanh nghiệp mình”, ông Hiển nói.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu phân tích thêm rằng luật ban hành ra phải trở thành động lực không chỉ để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn phải khiến người sử dụng lao động, các ông chủ, cảm thấy phấn khởi, hấp dẫn, lôi kéo được sự đồng tình, ủng hộ của họ.

Bên cạnh chăm lo, bảo vệ lợi ích cho công đoàn viên, tổ chức công đoàn cũng có trách nhiệm giáo dục, động viên họ chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, có nhiều cải tiến, sáng kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra lợi nhuận”, ông Lưu nói.

Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển thấy dự thảo luật nhấn mạnh nhiều đến quyền của tổ chức công đoàn mà chưa rõ nét quyền của người lao động và doanh nghiệp.

3 quyền này cần phải được thể hiện hài hòa. Sự tồn tại của doanh nghiệp cũng là lợi ích của người lao động, bảo vệ người lao động cũng phải tôn trọng quyền của doanh nghiệp”, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách nói.

Ông Uông Chu Lưu đồng tình rằng đọc dự thảo luật vẫn cảm thấy công đoàn giống như đối trọng với chủ doanh nghiệp.

Thế thì làm sao các chủ doanh nghiệp ủng hộ, sao có thể yêu cầu họ đóng 2% tổng quỹ tiền lương, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, công nhân lên đến cả vạn người?”, ông Lưu đặt câu hỏi.

Minh bạch kinh phí

Quy định trong dự thảo về “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động” là điểm nhiều thành viên UBTVQH lưu tâm.

Không phản đối quy định này, song Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý yêu cầu cơ quan soạn thảo là Tổng Liên đoàn lao động làm rõ căn cứ quy định mức đóng góp kinh phí này, cách chi ra sao, có gì khác giữa các loại hình doanh nghiệp…

“Với các đơn vị hưởng lương từ ngân sách, việc trích 2% quỹ lương thực chất là trích ngân sách cho công đoàn, trong khi công đoàn đương nhiên được ngân sách đảm bảo kinh phí hoạt động theo luật… Với doanh nghiệp tư nhân, việc này tạo ra áp lực chi phí dẫn đến ‘rào cản’ đối với việc thành lập và hoạt động của công đoàn”, ông Lý phân tích.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, điều cần xem xét là viêc quản lý và sử dụng nguồn kinh phí này.

“Thực tế kiểm tra cho thấy những nơi ít công nhân và quỹ lương thấp thì công đoàn rất thiếu kinh phí hoạt động, những nơi đông công nhân và quỹ lương cao thì kinh phí cho công đoàn dùng không hết, dẫn đến dùng không đúng”, bà Chuyền nói.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này phải minh bạch, rõ ràng để công bằng với các chủ doanh nghiệp từ nhà nước đến tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề xuất giải trình theo hướng đây không phải kinh phí cho tổ chức công đoàn hay những người lãnh đạo công đoàn, mà là kinh phí, cùng với nguồn hỗ trợ từ ngân sách và lệ phí đoàn viên, phục vụ, bảo vệ, chăm lo cho phúc lợi của người lao động, hỗ trợ những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu một lần nữa khẳng định dự thảo Luật Công đoàn, cùng với Bộ luật Lao động, được QH và nhân dân, trong đó có 15 triệu người lao động, rất quan tâm, cần được bàn một cách nghiêm túc, kỹ càng.

“Những sửa đổi, bổ sung phải khắc phục được tất cả các tồn tại, bất cập của thực tế áp dụng luật và yêu cầu của đời sống”, ông Lưu nhấn mạnh.

Chung Hoàng