Trong buổi làm việc tại Thái Nguyên mới đây của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Thường trực Tiểu ban, các đại biểu đã đề xuất một số nội dung như có chính sách đầu tư để tạo mối liên kết vùng, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng và liên vùng; xử lý các vấn đề môi trường của vùng như vấn đề bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Cầu; có cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số...

{keywords}
Đề xuất có cơ chế chính sách đặc thù cho các tỉnh miền núi

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng kết quả của các địa phương trong giai đoạn 2011-2020 đúng với nhận định, tốc độ tăng trưởng của các địa phương tương đối nhanh, chất lượng tăng trưởng khá tốt, chuyển dịch kinh tế theo hướng giảm về nông nghiệp, tăng về công nghiệp-dịch vụ khá rõ ràng. Việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển có kết quả tích cực, mặc dù vẫn có sự chênh lệch giữa các tỉnh.

Phó Thủ tướng đề nghị bốn tỉnh tiếp tục đánh giá kỹ hơn về việc phát triển liên kết vùng trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển du lịch, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nghiên cứu phát triển các bước đột phá chiến lược.

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng ghi nhận những kết quả đã đạt được của Thái Nguyên, chỉ ra rằng ba tỉnh Bắc Kạn, Tuyên Quang và Lạng Sơn vẫn đang nằm ở dưới mức chỉ tiêu đặt ra và cần phải có những giải pháp để phát triển mạnh hơn nữa.

Đối với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Phó Thủ tướng đề nghị các tỉnh tiếp tục đóng góp thêm, trong đó cần nghiên cứu tầm nhìn đến năm 2045.

Những ý kiến đóng góp của các đại biểu đã được Tiểu ban Kinh tế-Xã hội tiếp thu, tổng hợp và hoàn thiện để phục vụ việc xây dựng văn kiện chuẩn bị Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Bài: Thanh Thủy - nhóm PV
Ảnh: Hữu Hải - Nhóm PV