- Vì muốn đuổi người dân khỏi nơi sinh sống để lấy quỹ đất đấu giá, chính quyền địa phương đã không cho hàng trăm hộ dân tiếp cận với nước sạch. Chuyện ngược đời này xảy ra ở một phường nội thành ở ngay quận Hà Đông (Hà Nội).


Không cấp nước sạch để dân phải tự di dời?

Cách đây không lâu, Báo VietNamNet có đưa tin chính quyền xã Phú Diễn (huyện Từ Liêm, Hà Nội) đuổi người dân bằng cách… cắt điện. Sự việc đã gây phản ứng dữ dội. Vì vậy, sau đó không lâu, chính quyền đã phải cung cấp điện trở lại cho người dân.

 

Cứ tưởng chuyện cắt điện gây khó khăn cho cuộc sống người dân chỉ là chuyện hi hữu, thì mới đây, một sự việc tương tự cũng xảy ra ngay trên địa bàn Hà Nội. Đó là việc hàng trăm hộ dân thuộc tổ 10,11,12 trên địa bàn phường Phú Lương (quận Hà Đông) đồng loạt bị chính quyền từ chối việc đấu nối đường ống cung cấp nước sạch để gây sức ép buộc những hộ dân phải di dời khỏi nơi họ đã sinh sống ổn định nhiều năm nay.

 
Có sổ đỏ nhưng ông Nguyễn Gia Thanh, tổ 12 vẫn bị gây khó trong việc đấu nối dung nước sạch
Ông Nguyễn Đăng Lung, tổ 11, thuộc phường Phú Lương cho biết: Trở thành công dân Thủ đô đã hơn 2 năm nay, người dân địa phương lúc nào cũng khao khát có nước sạch. Thế nhưng khi nước sạch về phường, hàng trăm hộ dân, trong đó có gia đình ông đã bị chính quyền từ chối đấu nối cung cấp, dù đường ống chính chạy qua hầu hết nhà của các hộ dân tại đây.

 

Theo ông Lung, việc chính quyền phường từ chối cho các hộ dân tại đây đăng ký mua nước sạch vì phường đang muốn lấy lại khu đất chính quyền UBND xã Phú Lương (huyện Thanh Oai, Hà Tây cũ) đã chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở từ năm 2003 để làm đất dịch vụ.

 

Thế nhưng, việc lấy lại khu đất mà hàng trăm hộ dân (có rất nhiều gia đình chính sách) đã sinh sống ổn định, có sổ đỏ đất ở từ gần chục năm nay, chính quyền lại tiến hành theo kiểu áp đặt, không hề có quy trình.

 
Ông Nguyễn Gia Thanh, sống ở tổ 12, phường Phú Lương cho biết: hai tháng trước gia đình nhận được giấy báo tháo dỡ nhà cửa để giao trả mặt bằng, ông đã nghĩ họ chỉ gửi nhầm thông báo. Thế nhưng, một tháng sau, lại nhận được giấy báo tương tự từ chính quyền phường thì ông và gia đình giật mình lo sợ. Bởi, đất ông và gia đình đang sống là đất ở có sổ đỏ, đã được chuyển đổi mục đích theo chủ trương của chính quyền xã Phú Lương (huyện Thanh Oai cũ) từ tháng 10 năm 2003.

 
Ngay sau khi nhận được thông báo giao trả mặt bằng đất ở, ông Thanh lại nhận được tin gia đình sẽ không được chính quyền cung cấp nước sạch.

 

Quá bất bình trước việc làm của chính quyền phường, ông Thanh đã lên tận uỷ ban phường để khiếu nại, nhưng ông chỉ nhận được trả lời đồng ý lắp đường nước sạch cho gia đình. Còn đơn khiếu nại việc thu hồi đất của gia đình thì đã lâu chính quyền chưa có hồi âm.

 

Dù đã được chính quyền đồng ý cung cấp nước sạch, nhưng ông vẫn rất bức xúc. Bởi, còn hàng trăm hộ dân khác sống trong khu vực và cạnh nhà ông tiếp tục bị chính quyền từ chối đăng ký cung cấp nước sạch, dù không ít hộ trong số đó cũng đã có sổ đỏ quyền sử dụng đất ở lâu dài.

 

Chính quyền đã làm sai quy trình?

 

Theo nhiều hộ dân sống tại tổ 10,11,12 phường Phú Lương, thì các hộ dân được chính quyền thông báo việc thu hồi đất để làm đất dịch vụ. Thế nhưng, theo Kế hoạch 185 (ngày 19/10/2010 của UBND quận Hà Đông), phường Phú Lương có 3 dự án đất dịch vụ, gồm: Khu đất dịch vụ khu Văn Nội, Đô thị Phú Lương và đô thị Kiến Hưng, thì cả ba dự án đều không nằm trong khu vực các tổ dân phố số 10,11,12, phường Phú Lương. Trong khi đó, việc tiến hành giải phóng mặt bằng và thu hồi đất, chính quyền chỉ đưa ra văn bản yêu cầu các hộ gia đình tự tháo dỡ mà không hề có những thoả thuận về quyền lợi của người dân trong việc giao trả mặt bằng.
 

 Nhiều người dân mong ngóng được dùng nước sạch nhưng khi có đường ống dẫn nước chạy qua, hàng trăm hộ dân không được quyền đấu nối!
Theo ông Nguyễn Văn Hà, một gia đình chính sách sống ở tổ 12, thì cho đến hiện tại, mặc dù các hộ dân đã nhận được 2 giấy thông báo tháo dỡ và thu hồi của chính quyền, nhưng người dân cũng chỉ “nghe nói” việc giải phóng và thu hồi để lấy đất đấu giá hay đất dịch vụ gì đó. Trong khi quyền lợi người dân trên địa bàn và mức độ bồi thường ra sao, người dân vẫn chưa hề được biết.


Trao đổi với phóng viên việc giải phóng mặt bằng khu dân cư thuộc tổ 10,11,12 phường Phú Lương, khi cuộc sống người dân đã ổn định hàng chục năm nay mà không hề phục vụ cho dự án nào, ông Tạ Đình Quang, Chủ tịch UBND phường chỉ cho biết: phường đang thực hiện Chương trình 09, ngày 21/4/2009 của thành phố Hà Đông (nay là quận Hà Đông) về quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn. Theo đó, những hộ dân vi phạm đất nông nghiệp sẽ kiên quyết bị xử lý.

 

Mới đây, trong buổi làm việc với PV, ông Vũ Hoàng Tâm, Phó chánh Văn phòng UBND quận Hà Đông cho biết: Dù người dân khẳng định khu dân cư nằm trên đất ruộng đã chuyển đổi mục đích, nhưng trên giấy tờ, khu dân cư thuộc tổ 10,11,12 phường Phú Lương vẫn là khu đất nông nghiệp.

 

Tuy nhiên, ông Tâm cũng thừa nhận một số hộ dân nằm rải rác đã có sổ đỏ QSD đất ở và việc xử lý những hộ này ra sao thì phải… cấp cao hơn là thành phố mới có câu trả lời!

 

Thế nhưng, theo tìm hiểu của PV, thì việc xử lý khu đất đã chuyển đổi mục đích thuộc tổ 10,11,12 đã được quy định rất rõ trong Thông tư 241 (Thông tư hướng dẫn thực hiện Chương trình 09) của Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hà Đông.

 

Theo hướng dẫn tại Thông tư 241: Nếu diện tích vi phạm (trước khi Chương trình 09 ra đời, ngày 21/4/2009) phù hợp quy hoạch, là khu dân cư thì chính quyền sẽ lập quy hoạch, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật. Tiếp đó, UBND thành phố sẽ xử lý theo quy định Luật đất đai và Nghị định 84/NĐ-CP của Chính phủ.

 

Theo nhiều hộ dân sống tại tổ 10,11,12 phường Phú Lương thì họ sẵn sàng giao trả mặt bằng, nếu khu vực nằm trong quy hoạch hoặc có dự án và được chính quyền thoả thuận, đền bù thoả đáng. Thế nhưng, việc đòi mặt bằng và tiếp theo là thu hồi đất của chính quyền dường như không đúng quy trình khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân điêu đứng, bị mất nhiều quyền lợi.

 

Đặc biệt, khao khát được sử dụng nước sạch theo chương trình cấp nước sạch của chính quyền thành phố không biết đến khi nào người dân nơi đây mới được thụ hưởng?
 

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Ngày xưa việc cấp phép xây dựng chặt chẽ hơn bây giờ. Nếu không được phép của địa phương thì người dân không thể ầm ầm xây nhà 3,4 tầng được.
 

Cũng theo ông Võ, việc chính quyền thu hồi đất phục vụ dự án thì phải xem dự án ấy đã được quy hoạch chưa. Còn quy hoạch thì quy hoạch như thế nào? Rồi trình tự thủ tục của dự án và cấp nào phê duyệt? Ngay việc thu hồi đất bán đấu giá thì cũng phải có dự án bán đấu giá đất được thành phố phê duyệt.
 

Nhưng tiếp đó, trình tự thu hồi như thế nào cũng là một câu chuyện không đơn giản. Trong đó, công việc đầu tiên chính quyền phải làm là phổ biến về dự án như thế nào, cơ chế thu hồi ra sao? Rồi quyết định thu hồi, phổ biến về chủ trương thu hồi đất, phương án bồi thường tái định cư ra sao, ý kiến người dân thế nào?

 

Hoàng Nguyên