Hiện dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo đạt trên 1.036 tỷ đồng, chiếm 22,43% tổng dư nợ và là chương trình có tỷ lệ dư nợ cao nhất của Ngân hàng CSXH tỉnh.

Đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn chính sách này là hộ gia đình từng là hộ nghèo, hộ cận nghèo đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo tối đa 3 năm. Họ được đầu tư vốn để sản xuất, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, góp phần thực hiện tăng trưởng kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

{keywords}
Đời sống người dân huyện Hương Khê còn gặp nhiều khó khăn cần hỗ trợ của nguồn vốn chính sách

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, đưa nguồn vốn về vùng “trũng” tín dụng, vùng sâu, vùng xa.

5 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã tác động mạnh mẽ đến diện mạo khắp miền quê Hà Tĩnh, góp phần quan trọng giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,7% cuối năm 2014 xuống 6,72% cuối năm 2018. Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã có 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 18 xã ở các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, các huyện ven biển Cẩm Xuyên, Kỳ Anh thoát ra khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã tăng đến 3 lần nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cụ thể, nguồn vốn ngân sách ủy thác của tỉnh và huyện, thị, thành phố trực thuộc đến nay đạt 105 tỷ đồng, tăng 69 tỷ đồng so với cuối năm 2014, góp phần nâng tổng dư nợ toàn tỉnh lên trên 4.500 tỷ đồng.

Bài: Nguyễn Duy Tuấn - nhóm PV
Ảnh: Nguyễn Thị Diệu Bình - Nhóm PV